BÁU VẬT & KIỆT TÁC
Những 'báu vật' vùng đất Tổ cần được bảo vệ khẩn cấp
(Ngày đăng: 23/03/2013   Lượt xem: 926)

Hàng chục cây xanh ở vùng đất Tổ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, đó là “báu vật” không chỉ đối với người dân địa phương mà còn là tài sản vô giá về mặt văn hóa, tâm linh đối với vùng đất cuội nguồn.

Tuy nhiên, trải qua chiều dài lịch sử của đất nước, các Cây Di sản đều đã "tuổi cao" và đang bị sâu bệnh tấn công.

“Báu vật” của làng

Tỉnh Phú Thọ đang “sở hữu” rất nhiều Cây Di sản Việt Nam, kỷ lục cây cao tuổi nhất thuộc về cây táu 2.100 năm ở Đền Thiên cổ, còn gọi là Thiên cổ miếu (xã Trưng Vương, Việt Trì). Còn có cây sung cổ thụ gần 400 tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Đối ở thôn Tâm Hòa, xã Xuân Áng (Hạ Hòa) - thuộc vùng đất Mẫu Âu Cơ; cây thị ngàn năm tuổi và 7 cây hoa đại trên 700 tuổi ở xã Dị Nậu (Tam Nông); 3 cây thị 500 - 600 năm tuổi ở thôn Hữu Khánh, xã Tân Phương và thôn Sơn Vi, xã Sơn Thủy (Thanh Thủy); cụm cây đa tía (có tuổi đời khoảng 300 năm) ở thôn An Thọ, xã Xuân An (Yên Lập),...


Cụm cây đa tía (có tuổi đời khoảng 300 năm) ở thôn An Thọ, xã Xuân An (Yên Lập) được công nhận là cây Di sản Việt Nam vào ngày 18/10/2012. Ảnh Báo Phú Thọ

Những Cây Di sản này là chứng tích của cả một thời kỳ lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của vùng đất Tổ. Mỗi Cây Di sản được gắn với các giá trị văn hóa, tâm linh hoặc sự kiện lịch sử nổi bật trên vùng đất Vua Hùng đã đóng đô.

Hai cây táu ở Đền Thiên cổ - chứng tích nghề giáo thời Hùng Vương (xã Trưng Vương, TP Việt Trì) nay đã 2.100 năm tuổi và được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam ngày 28/5/2012. Theo ngọc phả để lại, đây là nơi thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và vợ là Thục nương Nguyễn Thị Thục, người có công dạy hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con vua Hùng Vương đời thứ 18. Khi hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang mất, nhân dân địa phương đã chôn cất và lập đền thờ ngay tại đó.

Tương truyền rằng, hai cây táu quý được cổ nhân trồng từ thời đó. Cũng theo ngọc phả thì hai cây táu trước cửa đền gồm: Cây táu hoa trắng (dân địa phương gọi là cây bạc) và cây táu hoa vàng (cây vàng). Cây táu bạc có chiều cao 25m, chu vi gốc cây cách mặt đất 0,2m đo được là 6,1m; chu vi cách mặt đất 1,3m đo được là 5,5m, đường kính của tán cây là 27m.

Khoảng hơn 300 năm trước, trong một trận cuồng phong, cây táu hoa vàng đã bị gãy. Bỗng một thời gian sau, từ gốc cây cũ mọc lên những chồi biếc và cứ thế cây táu hoa vàng vươn mình xum xuê, nở hoa vàng rực rỡ trên lưng cây mẹ. Cây táu hoa vàng ngày nay cao 21m, chu vi cách mặt đất 0,2m là 4,5m, đường kính tán cây là 30m.

Dưới bóng cổ thụ, ông Nguyễn Hữu Yết, nguyên Trưởng ban Quản lý cụm di tích thôn Hương Lan nhớ lại: Dân làng không biết cây táu được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng bóng cây rất mát, rễ táu dài, uốn lượn như hình con rồng bò bám hết mặt đường. Vua quan ngày xưa đi qua Đền Thiên Cổ đều phải xuống ngựa, còn nhân dân thì ngả mũ. Đặc biệt, khi đi qua nơi này, tuyệt đối không ai được phép nói bậy. Đã có thời điểm (năm 1978), do thiếu chất đốt, lãnh đạo hợp tác xã Động Lực quyết định cho chặt hai cây táu làm củi nung gạch nhưng các cụ cao niên trong làng quyết tâm giữ cây.

Đối với người dân xã Dị Nậu, huyện Tam Nông thì việc cây thị ngàn năm tuổi và 7 cây hoa đại trên 700 tuổi được vinh danh Cây Di sản là niềm tự hào. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại: Tương truyền cây thị đã có từ thời Đinh Bộ Lĩnh (970 – 979 sau Công nguyên). Ông Đinh Công Toàn - Chủ tịch UBND xã Xuân An, huyện Yên Lập chia sẻ: Cụm cây đa tía tuổi đời khoảng 300 năm của thôn An Đạo vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam là niềm vui lớn của nhân dân trong xã. Đây chính là nhân chứng lịch sử, văn hóa - xã hội của địa phương.

Dưới gốc đa tía, nhiều nụ cười, niềm vui, nhiều câu chuyện về cây đa lịch sử được người dân truyền tụng. Nhân dân trong xã truyền lại rằng cụm cây đa tía là nhân chứng cho phong trào Cần Vương kháng Pháp ở miền thượng du Tây Bắc cuối thế kỷ XIX do tướng quân Ngô Quang Bích lãnh đạo.

Bảo vệ Cây Di sản

Theo ông Nguyễn Hữu Yết, hai cây táu đều “không khỏe”, đặc biệt cây táu hoa trắng do quá già, lại ở gần đường nên có nhiều cây tầm gửi và dây tơ hồng ký sinh, một số cành có biểu hiện bị khô, phải cắt bỏ.

Ông Nguyễn Văn Loan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trưng Vương cho biết: Chính quyền xã đã thuê một số đơn vị cùng nhân dân gỡ bỏ tầm gửi và dây tơ hồng ký sinh nhưng kinh phí có hạn nên mỗi năm chỉ thực hiện được 1 đến 2 lần. Chính quyền xã và Ban quản lý cụm di tích thôn Hương Lan cũng phun thuốc và bón phân hàng năm cho cây. Tuy nhiên, do tuổi thọ của cây và số lượng cây ký sinh phát triển quá nhanh và ngày càng “uy hiếp” hai cây táu.

Cây thị ở xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy cũng đang “oằn mình” chống chọi khi bị ăn rỗng ruột. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Thủy, xã Hà Xuân Kiểm cho biết: Sau khi được vinh danh, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của Cây Di sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn và bảo vệ “báu vật” của làng. Sức khỏe của “cụ cây” đang ở mức báo động cao, nhiều cành đã được chặt bỏ, chính quyền địa phương cũng chưa có giải pháp gì để “chữa bệnh” cho cây.

Ông Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết: Theo khảo sát ban đầu, "sức khoẻ" hầu hết các “cụ cây” đều có vấn đề. Do vậy cần có quy chế chăm sóc, bảo vệ đặc biệt. Do kinh phí có hạn nên việc bảo vệ các Cây Di sản rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức một hội thảo khoa học tại tỉnh. Từ cuộc hội thảo đó, Hội mong muốn sẽ có một phác đồ hoặc một quy trình chăm sóc khoa học cho các Cây Di sản tại tỉnh.

Cần có giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn di sản độc đáo này là yêu cầu cấp bách đặt ra. Trong khi chờ đợi nguồn kinh phí và "phác đồ" điều trị cụ thể, thiết nghĩ, việc giữ gìn và bảo vệ Cây Di sản không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhân dân địa phương mà của cả cộng đồng.

                                                                                       Theo: TTXVN
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.521.331
Tổng truy cập: