BÁU VẬT & KIỆT TÁC
(67)- Ngắm 6 bảo vật quốc gia của văn hóa Óc Eo
(Ngày đăng: 23/04/2024   Lượt xem: 50)

Bảo tàng An Giang trưng bày 6 bảo vật quốc gia đại diện cho văn hóa Óc Eo từ thế kỷ IV đến VI có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật.


Tỉnh An Giang hiện có 8 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo có niên đại hơn 3.500 năm. Trong số đó, hai hiện vật được cất giữ tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn), 6 hiện vật còn lại được trưng bày tại Bảo tàng An Giang (TP Long Xuyên).

Văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á, có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Các di vật đầu tiên được ông Louis Malleret - nhà khảo cổ người Pháp phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944.

Mukhalinga Ba Thê là hiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2023. Tượng có niên đại thế kỷ thứ VI, chất liệu sa thạch hạt mịn màu xám đen, bề mặt có lớp patin màu xám ghi sáng cao 91cm, rộng 20 - 22cm.

Mukha trong tiếng Phạn nghĩa là khuôn mặt. Mukhalinga là loại linga ba phần có khuôn mặt. Phần đầu hiện vật có hình trụ tròn thuôn dài của dương vật tả thực. Giữa là phù điêu thể hiện phần đầu của thần Shiva. Phần dưới cùng là khối hình trụ vuông với các bề mặt phẳng, cân đối.

Đây là bộ linga độc đáo khi có điêu khắc thể hiện biểu tượng mukha ở chính giữa. Hiện vật mang đậm nét ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, phản ánh mối quan hệ lịch sử trao đổi văn hóa diễn ra trong thời gian dài và mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ.

Bộ linga - yoni (biểu tượng bộ phận sinh dục của nam và nữ) được phát hiện trong cuộc khai quật di tích Đá Nổi năm 1985, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018. Đây là bộ Linga-yoni duy nhất bằng kim loại vàng, đồng thau gồm nhiều phần ghép lại thống nhất, có niên đại thế kỷ V-VI.

Hiện vật cao 10cm, rộng 12,2cm, trọng lượng khoảng 2,6kg. Cách bố cục linga xuyên thủng yoni mang tính tượng trưng rất cao, rất sinh động. Nó vừa thể hiện đậm nét nội dung tôn giáo của Ấn Độ giáo, vừa thể hiện năng lực sáng tạo mạnh mẽ cùng sáng tạo nghệ thuật trang trí của người thợ thủ công.

Tượng Phật Giồng Xoài có niên đại thế kỷ IV-VI, được làm bằng gỗ sao nguyên khối, cao 2,7m, nặng 94kg, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019.

Hiện vật được tạc trong tư thế đứng trên bệ hình trụ tròn, không có trang trí. Tay phải gãy đến vai, tay trái gãy mất bàn tay. Phần mặt thể hiện vuông vức với cằm to, khỏe, tóc xoăn búi cao theo chiều trôn ốc lên đỉnh - nhọn. Áo cà sa phủ từ vai trái xuống chân song do bị vỡ nhiều nên không thể nhận rõ, chỉ còn một phần vạt áo vắt trên tay trái buông xuống, một phần giữa hai chân - áo phủ kín nửa bên phải cơ thể.

Tượng chế tạo theo quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ, song về chất liệu, đặc điểm khuôn mặt và các chi tiết thể hiện cho thấy tượng là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra rất mạnh mẽ trong thời kỳ Văn hóa Óc Eo.

Tượng thần Brahma Giồng Xoài được tìm thấy năm 1983 tại di tích Giồng Xoài, có niên đại thể kỷ VI-VII, là tượng thần Brahma bằng đá có niên đại sớm nhất và duy nhất thuộc văn hóa Óc Eo còn lại hiện nay.

Tượng Brahma dạng tượng tròn, có bốn mặt (một mặt bị mòn nhiều, nét mặt mờ nhạt), tóc búi cao, hướng thẳng lên, có hai đoạn thắt nút chia búi tóc thành ba tầng, các tầng tóc thể hiện thành những đường nổi dọc song song, hai bên có các lọn nhỏ hình chữ U buông xuống rất mềm mại. Tượng thần Brahma Giồng Xoài là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn rất rõ của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn - Âu.

Tượng Phật đá Khánh Bình có kích thước cao 71,2cm, dày nhất ở bụng 12,1cm, trọng lượng 33.000gram. Tượng tròn được chế tác hoàn thiện, tạc từ một khối sa thạch lớn, liền khối, thể hiện toàn bộ các chi tiết từ đỉnh đầu xuống đến phần bệ và chốt tượng. Tượng thể hiện đức Phật thể hiện trong tư thế đứng thẳng cân đối (abhanga) trên một khối bệ bẹt với viền tròn đơn giản.

Bộ linga - yoni Linh Sơn được phát hiện năm 1985 tại khu vực chùa Linh Sơn, huyện Thoại Sơn, có niên đại thế kỷ VII. được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Hiện vật sử dụng kết hợp hai loại chất liệu đá khác nhau đã đem lại hiệu ứng về thẩm mỹ cũng như tính hướng tâm, làm cho khối linga - yoni nổi bật lên hẳn, được tôn lên nổi trội khi đặt trên phần bệ đỡ được chế tác cầu kỳ. Hiện vật là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình trong lịch sử vương quốc Phù Nam với những nét đặc trưng riêng bên cạnh sự tương đồng rõ nét thể hiện qua nội dung tôn giáo Ấn Độ được tiếp nhận thông qua quá trình trao đổi, giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Ngoài ra, bảo tàng còn có các phòng trưng bày nhiều hiện vật khác của văn hóa Óc Eo cùng nhiều tư liệu, hiện vật, các tranh ảnh của một thời chiến đấu hào hùng của dân tộc Việt Nam, nền văn hóa đa dạng bản sắc và cả quá trình hình thành, phát triển mảnh đất An Giang.

                                       Theo:  vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.492.396
Tổng truy cập: