Làng Cựu, xã Vân Từ, (Phú Xuyên, Hà Nội) có thể ví như một
kho vàng trên mặt đất! Chưa bị can thiệp thô bạo như làng Cự Đà nhưng
ngôi làng độc đáo bởi lịch sử và kiến trúc này đang phủ bụi...
Nẻo về văn hóa…
Khuất nẻo ở phía trong, nằm giữa bốn bề đồng cỏ, làng Cựu sau thời gian
được dư luận sôi nổi để ý, nay lại lui vào lặng lẽ. Ngày thường, đường
làng vắng vẻ, bóng cây xanh bao phủ gần khắp làng. Khoảng ba chục ngôi
nhà cũ, chủ yếu mang phong cách kiến trúc du nhập, vay mượn từ phương
Tây, một số ngôi nhà theo lối truyền thống, cũng lẳng lặng như vậy.
Cổng cuối làng Cựu vẫn giữ được những hồn nét văn hoá xưa.
Làng vốn có nghề may phát triển nhiều đời. Thời Pháp, nhiều cụ phất lên
thành thương gia, buôn bán Bắc - Nam hoặc làm công chức dưới chính
quyền cũ nên làng quê đã sớm khấm khá. Lại “nhờ” một trận hỏa hoạn lớn
trong làng nên khoảng trước và trong những năm 30, nhiều nhà xây mới
theo lối Tây và pha trộn Đông – Tây khiến cả làng thành một quần thể
khang trang, bề thế với hoa văn, đường nét cầu kỳ, đường làng lát đá
xanh rộng rãi.
Theo anh Dương Hồng Việt – cán bộ văn phòng UBND xã Vân Từ, Phú Xuyên
thì trước 1945 làng đã có điện nhờ một số người giàu mua máy phát và có
cả nhiều cột điện đứng trên chân bằng đá.
Nhờ phát thế nên người làng Cựu xưa cũng sớm “ưa dịch vụ”. Nếu có đám
hiếu, người làng Cựu thuê luôn. Việc bốc mộ ngày trước cũng thế, người
làng Cựu cũng thuê nốt! Làng Cựu cũng từng có một trạm y tế được tư nhân
xây dựng, có trường tư Huỳnh Thúc Kháng dù chỉ tồn tại vài năm nhưng
cũng là rất hiếm hoi trong cả cái vùng chiêm trũng này.
Ông Nguyễn Thiện Tứ- người làng cho biết, hồi nhà văn Phượng Vũ lãnh
đạo ngành văn hóa Hà Sơn Bình cũ có đưa đoàn về tìm hiểu, thấy cái
trường này từng dạy ngoại ngữ cho học sinh từ cấp I…
Rồi những câu chuyện chắp nhặt, không đầy đủ về mấy cụ nhà buôn có
tiếng vốn là người làng, những cuộc ra đi vào Nam, đi nước ngoài sau
1954. Rồi đa phần người gốc làng Cựu nay sinh sống, nối tiếp thế hệ ở
giữa lòng Hà Nội. Người buôn bán thì hay ở Hàng Ngang, Hàng Đào, người
lao động thì tập trung ở Khâm Thiên, Sinh Từ…
Ngôi làng phủ rêu
Chỉ tiếc là rất nhiều vẻ hay nét quý của làng Cựu bao năm qua vẫn cứ
quanh quẩn như thế giữa lá khô mục và rêu xanh. Anh Nguyễn Quang Huy -
Trưởng thôn cho biết, nhiều gia đình từ lâu không ở làng, nhà vẫn đẹp
còn đấy nhưng vắng hơi người, nhờ họ hàng hay người quen trông hộ. Bà
Nguyễn Thị Lan thỉnh thoảng lại quét quáy giúp một cái sân ẩm ướt của
ngôi nhà cụ Trần Văn Tạc, nay con cái cụ sống ở Hàng Gai. Trong ngõ nhà
bà Lan, cả mấy ngôi nhà cũ đều vắng người ở.
Ông Nguyễn Văn Ánh – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã tâm sự: “Chúng
tôi chưa nắm được tiêu chí xây dựng hồ sơ di sản, thủ tục thế nào nên
cũng chưa biết làm sao. Hồi chống Mỹ, nhà trong làng bị phá đi cũng
nhiều, chứ còn nguyên như xưa thì hoành tráng lắm!”.
Ông Tứ sinh ở làng, gần cả đời sống và làm việc ở Yên Viên, về trông
nom ngôi nhà kiến trúc thuần Việt với cái cổng “lai Tây” rất đẹp xây
dựng từ năm 1913, nay nhiều chỗ đã ẩm thấp, bong tróc. Ở đó, tính đến
ông là thế hệ thứ ba. Gia đình đang chuẩn bị sửa chữa, “tự túc thôi!” –
ông nói - “nhưng phải giữ bằng mọi giá. Bấm đầu ngón tay, nhà như thế
này trong thôn chỉ còn dưới 10 chiếc. Còn nhà lối Tây thì trước cứ là
san sát. Cải cách ruộng đất, rồi sau này nữa, chia các hộ, phá đi kể
cũng đã nhiều…”.
Một quần thể di sản kiến trúc văn hóa cần bảo vệ? Một không gian làng
đặc thù cho giao thoa văn hóa Đông – Tây? Một sản phẩm du lịch văn hóa
sinh thái? Một trường quay nhỏ cho các bộ phim... Có thể nhận ra điều
này hay chưa và liệu có xúc tiến gì của các cấp quản lý văn hóa cho
tương lai này? Cấp xã chưa đủ sức nghĩ và làm, nhưng ở cấp huyện, Sở
VHTTDL, cấp thành phố… nếu không tìm cách bảo vệ và tôn vinh làng Cựu
đúng cách thì quả là rất buồn!
Theo Dân Việt