Hồn lĩnh nơi Lụa
Hà
Nằm trên con phố
Thụy Khuê tập nập ồn ào, cửa hàng Lụa Hà là nơi duy nhất còn bày bán sản phẩm lĩnh
Bưởi ở Hà Nội - một trong những mặt hàng dệt thủ công cao cấp nổi tiếng, gắn
liền với câu ca dao
Nhắn ai trẩy hội kinh thành
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
Cửa hàng Lụa Hà trên phố Thụy Khuê
Khác hẳn với không
gian náo nhiệt bên ngoài, cửa hàng Lụa Hà tạo cho mình một phong cách riêng với
sự giản dị và ấm cúng. Đây là điểm hẹn lý tưởng cho những ai muốn tìm lại cảm
giác thanh lịch qua từng tấm lĩnh của Tràng An xưa. Những tấm lĩnh truyền thống
như lĩnh trơn, lĩnh hoa chanh, lĩnh ô vuông được xếp xen kẽ với các tấm lĩnh
Lụa Hà, lĩnh Tuýt sơ, tạo nên một không gian rực rỡ màu sắc. Chị Vũ Thị Minh
Hoàng, người con gái đời thứ 14 của dòng họ Vũ đất Bưởi chính là chủ nhân của
cửa hàng này.
Các tấm lĩnh truyền thống, hiện đại xen kẽ bên các mặt
hàng
Chia sẻ về cái nghề
dệt của mình, chị Hoàng tâm sự: “Thực ra
nghề dệt lĩnh đã mai một từ rất lâu rồi. Năm 1947 là năm tấm lĩnh Bưởi cuối
cùng được dệt ra. Sinh ra và lớn lên ở vùng Bưởi, dù không trực tiếp được làm
ra những tấm lĩnh, nhưng qua những câu chuyện của bà mà vẻ đẹp của lĩnh như ám
ảnh mình tự lúc nào. Vì thế, khi thấy những tinh hoa truyền thống của nơi đây
cứ mai một dần, mình tiếc lắm, nên quyết tâm tìm lại cái nghề đã mất dấu này”.
Biết bao những ngày tháng lặn lội, trăn trở và tìm hiểu, chị và một người thợ
của mình đã tìm đến nhà cụ Phùng Văn Thiêm - nghệ nhân duy nhất còn nắm giữ
được những kỹ thuật làm lĩnh, để học cách dệt thứ mặt hàng đã vang bóng một
thời này.
Hành trình tìm cách
học nghề của chị không đơn giản một chút nào, bởi lẽ cụ Thiêm khi ấy đã ngoài
80 tuổi, khoảng cách thế hệ chính là vấn đề lớn giữa chị và người nghệ nhân
nhiều tâm huyết này. Đã hơn nửa thế kỷ từ khi tấm lĩnh cuối cùng được dệt, công
nghệ hiện đại khác hẳn với cách dệt thô sơ ngày trước , những ngón nghề bí
truyền của các cụ không dễ gì mà hiểu hết được, sợi tơ ngày nay có nhiều khác
biệt với sợi tơ cũ. Cái khó nhất là làm sao để hiểu được ý cụ Thiêm nói vì với
nghề dệt lĩnh chị là kẻ ngoại đạo và làm sao để những máy móc hiện đại có thể
dệt được những mẫu lĩnh Bưởi không bị thay đổi hay sai lệch với mẫu cũ. Mất bốn
năm mày mò, nghiên cứu, không biết đã bao nhiêu lần thử nghiệm bị hỏng, có
những lúc chị cùng với những người thợ của mình nản lòng. Thế nhưng, niềm đam
mê với lĩnh lại tiếp thêm cho chị sức mạnh để đi tiếp. Năm 2008, khi cầm tấm
lĩnh màu vàng ngà trơn đến cho người thầy của mình, nhìn thấy cụ Thiêm tay mân
mê tấm lụa, run run nói “Lĩnh Bưởi là đây!”, chị nghẹn ngào, xúc động vô cùng
vì những cố gắng của mình đã được đền bù xứng đáng. Có lẽ với người con gái xứ
Hà thành này, không gì bằng niềm hạnh phúc khi ấy!
Không ngừng nỗ lực
và sáng tạo trong quá trình đến với nghề lĩnh, năm 2009 chị Hoàng còn phục hồi
lại được loại lĩnh hoa chanh, lĩnh ô vuông - đây là những loại lĩnh truyền
thống với kỹ thuật khó và đòi hỏi nhiều công sức. Bên cạnh đó, chị còn cải tiến
tạo ra một loại lĩnh mới là lĩnh Lụa Hà. Đặc điểm của loại lĩnh này là công
đoạn dệt cũng giống như cách dệt lĩnh truyền thống nhưng có màu sắc phong phú
hơn. Nếu lĩnh truyền truyền thống được yêu thích bởi sự thoáng, nhẹ thì lĩnh
Lụa Hà có khả năng thẩm thấu mồ hôi nhanh rất thích hợp với thời tiết và khí
hậu ở Việt Nam, màu sắc phong phú và đa dạng nên có thể sáng tạo ra nhiều kiểu
mẫu khác nhau. Nhìn những mẫu sản phẩm nơi đây mới thấy hết được những công sức
của một con người đã dành trọn trái tim mình cho lĩnh.
Lĩnh hoa đồng tiền
|
Lĩnh hoa chanh
|
Lĩnh trúc đào
|
Lĩnh Lụa Hà
|
Các mẫu lĩnh
Ước mong xây dựng thương hiệu
Là truyền nhân duy
nhất của nghề dệt Lĩnh Bưởi, hiện nay chị Hoàng đang cố gắng đưa thương hiệu
lĩnh Bưởi và lĩnh Lụa Hà đến gần hơn với nhu cầu cuộc sống. Chị cho biết, lĩnh
là một mặt hàng cao cấp, ngày xưa chỉ có quan lại và những người giàu có mới có
thể dùng lĩnh để may quần hoặc may váy. Mái tóc vấn đuôi gà, đôi guốc mộc cùng
với chiếc áo the, quần lĩnh nhẹ bay trong gió đã từng là một biểu tượng đẹp của
các cô gái Hà Thành. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường,
nhiều loại vải được du nhập vào Việt Nam, lĩnh Bưởi bị quên lãng và gần như đã
thất truyền sau năm 1945. Cửa hàng của chị chủ yếu là bán cho khách Tây và
những người sành chơi ở Hà Nội, bởi lĩnh được làm bằng loại tơ nõn, dệt mất
nhiều công phu nên giá thành tương đối cao.
Hiện tại chị đang
nghiên cứu để sáng tạo thêm nữa những mẫu lĩnh mới để đưa lĩnh đến gần với
người tiêu dùng và tạo dựng cho mình một thương hiệu riêng “Lĩnh Lụa Hà”. “Mình
chỉ mong một điều, các sản phẩm của lĩnh được sống trở lại đời sống như xưa,
người ta sẽ lại nhắc tới lĩnh như một thời cha ông ta từng tự hào. Và Lụa Hà
đang cố gắng thực hiện điều ấy”, chị Hoàng chia sẻ. Trong dự định sắp tới, chị
sẽ mở thêm chi nhánh cửa hàng vào thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh Bưởi sẽ được mở
rộng không gian sống... Hi vọng vào tương lai không xa, ước mong xây dựng
thương hiệu và khôi phục lại nét đẹp ăn mặc của cha ông ta của chị sẽ được hoàn
thành.
Mai Hà - Trang Nguyên