Chẳng biết thú chơi chim ở Hà Nội có từ bao giờ,
bắt nguồn từ đâu nhưng cứ nói đến lồng chim, người ta lại nhắc đến làng
Vác, nay thuộc thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, ngoại thành
Hà Nội.
Thời nay vẫn còn những câu ca dao ca tụng tiếng thơm của làng nghề này:
“Ai về làng Vác nhắn nhờ
Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng”
|
Một cửa hàng lồng chim ở phố Vác
|
Đến ngã tư Vác, chúng tôi mới biết nghề làm lồng chim ở đây nhộn nhịp đến thế nào!
Những đống tre, trúc xếp đầy trong những kho hàng dọc
hai bên đường đi, cửa hàng cửa hiệu ăm ắp các loại lồng chim đủ kích cỡ.
Đường làng ngõ xóm im ắng, nhưng liếc mắt nhìn qua bất cứ nhà nào cũng
thấy ngay cảnh đại gia đình đang say sưa cưa kéo, đục khắc, đan lồng
chim. Tất cả như bị cuốn theo từng lát đan, từng nét chạm khắc kỳ công,
tinh xảo trên những chiếc lồng to nhỏ.
Người làng Vác bảo xóm Nhà Thờ nổi tiếng làm lồng chim
đẹp nhất. Ở đây, các hộ gia đình có thể làm được những loại lồng với đủ
hình dáng và kích cỡ khác nhau như lồng tròn, lồng vuông, lồng lục lăng,
lồng hình nhà rông, lồng hình mái chùa… tùy theo yêu cầu của khách.
Lồng làm đến đâu bán hết đến đó, thu hút các mối hàng từ Bắc đến Nam,
thậm chí còn xuất khẩu đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Bởi vậy ở xóm Nhà Thờ từ trẻ đến già đều có việc, trẻ
con lên 6 tuổi đã biết đan lồng, các cụ già quanh năm suốt tháng ngồi tỉ
mẩn vót những cây lồng như một thú vui tao nhã.
|
Ở xóm Nhà Thờ, có duy nhất gia đình anh Thơm, chị Thùy làm công việc chạm khắc đáy lồng
|
|
Những họa tiết ở cửa lồng chim đựợc chạm khắc tinh xảo
|
Anh Tô Văn Sức, một người ở xóm Nhà Thờ đã có nhiều năm
làm lồng chim, tâm sự để làm ra một chiếc lồng rất phức tạp, người thợ
phải trải qua nhiều công đoạn: chọn loại tre, trúc tốt ở tận vùng núi
Hòa Bình, Cao Bằng mang về pha thành từng thanh, đem luộc. Sau đó mới
chẻ, nắn vòng để tạo dáng lồng rồi vót nan, vẽ và đục hoa văn lên chân
lồng. Rồi đem ghép lồng, mài thật nhẵn và quét dầu bóng...
Đặc biệt, nếu làm lồng chim cao cấp phải cần những thợ
tay nghề cao, chạm trổ các họa tiết hoa lá cỏ cây, hoặc long, ly, quy,
phượng vào gánh chim của lồng.
Do nhu cầu thị trường, nghề làm lồng chim ở làng Vác
mới phục hồi và phát triển mạnh vài năm trở lại đây, mang lại cuộc sống
no đủ hơn cho người dân.
“Ở Vác bây giờ đường sá, nhà cửa đã khang trang hơn,
không có hiện tượng thanh niên làng lêu lổng, chơi bời, nghiện ngập” -
anh Sức tâm sự với chúng tôi trước lúc chia tay.
|
Em Tô Thị Mai, 16 tuổi, cho biết em biết đan lồng từ khi học lớp 7
|
|
Trước hiên nhà ở làng Vác luôn xếp đầy lồng chim
|
|
Một chiếc lồng chim hoàn chỉnh như thế này có giá từ
300.000 -700.000 đồng, tùy theo yêu cầu của khách về chạm khắc họa tiết
|
Chuyện kể rằng vào thời Pháp thuộc có viên toàn quyền
Đông Dương người Pháp tên Pau Domer rất thích chơi chim. Để chứng tỏ sự
am hiểu thú chơi chim của người bản địa, Pau Domer thường tranh thủ dịp
có hội chợ để treo những chiếc lồng chim quý trên khu đất Hà Hồi bây
giờ. Ông ta còn cho người về tận làng Vác đặt mua lồng...
Sau đó ông Nguyễn Văn My theo cha là cụ Nguyễn Văn Tý
(người làng Vác) lên Hà Nội trổ tài làm lồng chim và cần câu rút ống
(còn gọi là bách câu), được các gia đình giàu có và thương gia người
Pháp thích thú. Vì có nhiều người đặt hàng, hai ông làm không kịp, phải
kéo người làng lên cùng làm hoặc về làng lấy thêm hàng... Nghề làm lồng
chim của làng Vác có từ đó…
Theo Tuổi Trẻ Online