Mồ hôi nhễ nhại ướt đầm cả áo, khẩu trang. Sự nhẫn nại và sức chịu đựng hàng chục năm trong nghề khiến thợ đá Non Nước sẵn sàng chấp nhận nhọc nhằn, miễn có tiền để trang trải cuộc sống.
Đối với họ thì đứt tay, đá dăm văng vào mắt hay một số tai nạn nghề nghiệp khác là… “chuyện thường ngày”. Về thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải, TP Đà Nẵng, tôi chợt nhận ra, đằng sau vô vàn bức tượng với muôn hình vạn trạng, đủ màu, đủ khối được chạm khắc tinh xảo kia là những giọt mồ hôi nhọc nhằn của bao người thợ điêu khắc đá tài hoa...

Để có được những bức tượng đẹp, người thợ đá phải đánh đổi rất nhiều, đặc biệt là sức khỏe.
Mồ hôi và nước mắt
Chạy suốt 8km từ trung tâm TP Đà Nẵng về hướng Tây Nam, dọc đường Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh, tôi gần như hoa cả mắt bởi một màu trắng bạc phếch của đá. Càng vào sâu càng nghe rõ mồn một tiếng búa dội chan chát, tiếng máy cắt đá rền chói tai. Dường như, cái nắng oi ả đến kinh người trong buổi chiều hè xứ Đà thành càng “nung” thêm không khí lao động nhộn nhịp ở nơi này.
Một ngày của những người thợ đẽo đá ở làng mỹ nghệ Non Nước bắt đầu từ 7h sáng. Quần quật đến 12h trưa thì tạm nghỉ, buổi chiều 2h lại tiếp tục. Công việc mưu sinh của họ kéo dài và liên tục gần như quanh năm suốt tháng, hiếm dịp nghỉ ngơi. Anh Vui, một thợ đẽo đá lâu năm gạt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt lấm bụi rồi lẩm nhẩm: “Tôi bắt đầu cầm cái máy cắt khi 18 tuổi. Bài học đầu tiên là xẻ đá và ra phôi (tạo dáng thô cho đá). Học nghề 2 năm, làm đến giờ cũng được 15 năm rồi…”.
Anh hồ hởi kể tiếp: “Còn nhớ, sản phẩm đầu tiên tôi hoàn thành khi ấy là bộ tam ông già Phúc - Lộc - Thọ. Cũng phải cầm dùi, cầm đục trầy trật mấy lần mới xong, nhưng vui không kể xiết”. Vợ anh là cô giáo mầm non, phần lớn thời gian dạy trẻ ở trường, nhưng thi thoảng được nghỉ cũng đến xưởng đá phụ chồng làm thêm kiếm thu nhập.
Về làng Non Nước, trông đâu cũng thấy đá, thấy tượng người tượng thú la liệt. Ban đầu, từ một khối đá vô tri, dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và óc tưởng tượng phong phú của nghệ nhân, chúng dần nên hình nên dạng. Và, một bức tượng hoàn chỉnh, dù là cỡ tiểu, cỡ trung hay cỡ đại cũng chỉ cần 1, 2 hoặc nhiều lắm là 3 thợ thay phiên nhau hoàn thiện dần. Bởi nó là một khối đá cứng, đặc, không thể nhiều người cùng ngồi đục vì bụi và đá dăm bay tứ tung. Mài đến đâu, người thợ lại xối nước lên bề mặt đá đến đấy để giảm bớt lượng bụi xộc vào cơ thể...
Thợ đá Non Nước từ tứ xứ đổ về, chủ yếu vẫn là các vùng lân cận Đà Nẵng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Nhiều người ban đầu chỉ xác định đi làm thuê kiếm tiền gửi về gia đình. Về sau, khi tay nghề đã “cứng” hơn, họ quyết định ở lại làng lập nghiệp, mở xưởng kinh doanh chế tác. 600 hộ sản xuất kinh doanh chế tác đá, với gần 5.000 lao động mỗi năm của làng đã cho ra đời hàng triệu sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo.
Trong làng, nhiều người vừa là “chủ”, vừa kiêm “thợ”. Như xưởng đá Thành Trung chỉ có 7 thợ, nhưng tất thảy mọi người đều quan tâm và yêu thương nhau như ruột rà thân thiết. Làng mỹ nghệ Non Nước còn có những gia đình cả ba thế hệ cùng làm nghề. Nhờ đá mà họ phất lên, trở thành các chủ xưởng thành đạt. Tuy vậy, họ chỉ là số nhỏ, bởi phần đông những người thợ làm công, làm mướn nghề này hoàn cảnh vẫn còn lắm bộn bề khó khăn...
“Đánh đu” với bệnh tật
Phần lớn thợ đẽo đá ở đây tỏ ra khá “vô tư” khi nói về sức khỏe của mình. “Làm riết rồi cũng quen, bụi bặm thì tắm rửa tí là nó “bay” hết thôi. Biết là cũng có nguy hại, nhưng đành chấp nhận chứ làm sao”, anh Trung tảng lờ câu hỏi rồi lại chăm chú với công việc của mình.
Mồ hôi nhễ nhại ướt đầm cả áo, khẩu trang. Sự nhẫn nại và sức chịu đựng hàng chục năm trong nghề khiến thợ đá nơi đây sẵn sàng chấp nhận nhọc nhằn, miễn có tiền để trang trải cuộc sống. Đối với họ thì đứt tay, đá dăm văng vào mắt hay một số tai nạn nghề nghiệp khác là… “chuyện thường ngày”.
Anh Vui kể lại: “Thời gian đầu mới học nghề, có lúc làm không tập trung nên cầm máy cắt bị chệch đường, tượng hỏng phải vứt chưa nói mà còn bị đá găm vào mắt, phải nằm viện băng mấy ngày mới đỡ”. Thường xuyên ngồi liên tục hàng giờ đồng hồ mài, đục bằng tay trần, rồi mùi hóa chất xộc lên nồng nặc, thợ đá đang phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh đau lưng, xương khớp… và nhiều bệnh về đường hô hấp...
Vào xưởng đá, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều người mẹ, người chị đang miệt mài bên những bức tượng còn dang dở. So với cánh đàn ông, công việc của họ có vẻ nhẹ nhàng hơn: dùng giấy nhám xát đi xát lại nhiều lần cho mặt tượng trở nên nhẵn, bóng và mềm mại. Tất nhiên, lương của họ cũng thấp hơn. Con số trung bình 150 ngàn/đồng với thợ nam, 60 - 70 ngàn đồng/ngày cho thợ nữ chừng như vẫn còn quá khiêm tốn.
Chị Hoàn, năm nay gần 50 tuổi vẫn ngày ngày đến xưởng mài tượng, chậc lưỡi: “Vậy vẫn còn đỡ hơn vài năm trước đây, khi tôi mới bắt đầu làm. Việc cũng thế nhưng công chỉ có 18 ngàn/ngày thôi”. Thế mới biết, để có được những thứ đồ mỹ nghệ tinh xảo mà người ta vẫn “chơi” hằng ngày, những nghệ nhân làm đá phải đánh đổi rất nhiều, đặc biệt là sức khỏe, vốn quý nhất của mình.

Phụ nữ cũng say sưa làm việc.
Làng Non Nước từ lâu đã nổi tiếng khắp ba miền đất nước với đồ mỹ nghệ được chế tác từ đá. Du khách đến làng không đơn thuần chỉ để chiêm ngưỡng các sản phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh tế, sắc sảo mà còn có dịp tìm hiểu và quan sát công việc của thợ đá nơi đây, từ công đoạn đầu tiên cho đến khi sản phẩm hoàn thiện, đủ điều kiện xuất xưởng.
“Đứa con” của họ: tượng Phật, thần Vệ nữ, Quan âm Bồ tát… sẽ theo những chuyến xe đi khắp nước, đến nơi mà chúng được những đôi mắt, bàn tay yêu cái đẹp gìn giữ và nâng niu. Có lẽ chính bởi niềm vui được thổi hồn mình vào đá khiến nghệ nhân làng mỹ nghệ Non Nước cảm thấy gắn bó với nghề hơn. Nên dù có cơ cực, họ vẫn kiên trì bám đuổi.
Có đi vào tận bên trong xưởng, cầm trên tay những bức tượng sắc gọn, tinh xảo mới thấm thía hơn những giọt mồ hôi và cả nước mắt của nghệ nhân làm đá nơi đây. Nhìn họ say sưa mài mài, đục đục, tôi chợt liên tưởng đến những con ong đang chăm chỉ làm mật cho đời.
Theo Xã hội