Gọi chiêng về...
(Ngày đăng: 13/04/2012   Lượt xem: 1509)

Để âm thanh diệu kỳ từ những chiếc cồng, chiếc chiêng được mãi ngân vang giữa đại ngàn xanh thẳm này, cần có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người đánh chiêng. Nhưng để giữ được những âm thanh ấy mãi trong vắt, vang vọng lại phải qua tay những nghệ nhân chuyên chỉnh chiêng. Họ được biết đến như những người dịch thông điệp, dịch ước vọng của dân bản trong những lễ hội tới “Giàng”.

“Cân” âm thanh cho lọt tai “Giàng”

Còn nhớ những tháng ngày này khi khí trời đậm sắc xuân sang, trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên hội tụ không chỉ những nghệ sĩ, nghệ nhân nhưng tay “cơ” đánh cồng, chiêng lão luyện mã còn có mặt cả những nghệ nhân với bàn tay vàng trong việc chỉnh tiếng cồng, tiếng chiêng.
 
 Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên.
Quả thật được tận mắt chứng kiến những thao tác chỉnh chiêng với những dụng cụ chỉnh tiếng chiêng, tiếng cồng hết đỗi đơn giản, thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả mới thấy để đạt được sự công nhận đến mốc nghệ nhân với việc chỉnh chiêng không đơn giản chút nào. Nghệ nhân chỉnh chiêng Nay Phai nói rằng: “Để chỉnh chiêng giỏi cần phải có tai nghe âm thanh thật chuẩn và đôi tay cầm búa thật khéo”. Bởi âm thanh chuẩn chính là cái mà những nghệ nhân dày công gò đi gò lại để tìm được; và đôi bàn tay phải khéo để biết cách gõ như thế nào mới tìm được âm thanh đúng mà không làm chiêng bị hư. Già Ama Pur, Đội trưởng Đội chiêng buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk) giải thích: “Người chỉnh chiêng phải biết nghe chiêng và nhận ra chiếc nào bị lạc nên cái tai phải thính.
 
Khó là ở chỗ người chỉnh chiêng vừa phải có thâm niên chơi cồng chiêng vừa không được quá lớn tuổi, vì khi già, cái tai không còn nghe rõ từng âm nữa, cái tay cũng run rẩy nên chỉnh sẽ không chuẩn xác”. Cũng theo lời một nghệ nhân lão luyện trong nghề chỉnh chiêng thì trước khi đem bộ chiêng vào tham dự bất kỳ lễ hội nào đó từ lễ lúa mới, lễ đầu năm, lễ hội cầu mùa, lễ đẻ đất, đẻ nước… đều phải xem qua từng chiếc chiêng: “Nghe ưng cái bụng thì chiêng mới vang lên đúng những âm thanh hùng vĩ, ầm ầm như thác nước của bài Eana Dray (Dòng thác - PV), tiếng rầm rập của bài Pliêr (Mưa đá) hay vui tươi, réo rắt của bài Kong-dar (Chong chóng quay)... Già làng Y Lon Niê dùng tiếng Kinh lơ lớ kiên nhẫn giới thiệu với chúng tôi công việc chỉnh chiêng: “Chiêng để lâu ngày không đánh hoặc đánh quá nhiều, tiếng nghe sẽ bị phô, đánh không ai nghe được, mình phải chỉnh lại thôi”.
 
Theo các nghệ nhân đánh chiêng, trong dàn chiêng chỉ cần một chiếc bị lạc âm là những bài chiêng đánh ra “không thấu được đến các Giàng (các thần trời - PV)”. “Chỉnh không giỏi, chiêng bị nứt, tệ hơn nữa là âm bị lạc nặng hơn, không sửa được, coi như cái hồn chiêng bay mất”- già Y Lon Niê cảnh báo. Ban đầu, tôi cứ tưởng những dụng cụ chỉnh tiếng chiêng, tiếng cồng phải là những trang thiết bị công nghệ kỹ thuật cao, song thật bất ngờ, dưới bàn tay của các nghệ nhân chúng chỉ là những vật dụng hết đỗi thô sơ và đa dạng. Có nghệ nhân dùng bút sắt nhỏ, có người chỉ dùng một búa gỗ ngắn và một thanh gỗ tròn, dài, nâu bóng… nhưng tất cả đều giống nhau ở công đoạn “dò” âm. Các nghệ nhân chỉnh chiêng trước khi cầm búa “cân” lại tiếng chiêng để gọi hồn chiêng về phải tự mình đánh vài bản nhạc chiêng để từ đó đọc được chiếc chiêng, cồng đó “hư” âm chỗ nào, âm độ tiếng chiêng “mỏng”, “dẹt” ra sao để còn đánh dấu vào chỗ đó để “cân”. Sau khi đánh dấu chỗ phát ra âm chiêng bị “lỗi” bằng điểm mắt, các nghệ nhân cầm dụng cụ và bắt đầu chỉnh tiếng.
 
Già Nay Phai cho biết: “Chỉnh cho tiếng cao lên thì phải úp chiêng xuống, chỉnh cho tiếng trầm xuống thì phải ngửa chiêng lên”, rồi dùng búa gõ từ nhẹ đến mạnh, từ ngoài vào trong để “kéo” tiếng chiêng theo ý muốn. Già không gõ đủ số lần như dự định mà luôn chừa lại một lần để “làm thuốc”. Sau khi gõ hết một vòng chiêng, nếu âm thanh vẫn chưa chuẩn thì nghệ nhân mới dùng lần gõ dự phòng này để chỉnh lần cuối. Cái hay, cái khó của nghệ thuật chỉnh chiêng là nghệ nhân biết chỗ nào trên chiếc chiêng cần phải chỉnh và phải gõ mấy lần để gọi đúng hồn chiêng. Chiêng sau khi chỉnh xong phải được “nghiệm thu”, tức mời người biết nghe - thường là các già làng đến thẩm định. Hễ các già nói đã đúng tiếng chiêng thì chiêng đã hết “bệnh”, nếu lắc đầu là chiêng chưa “khỏe”, phải chỉnh tiếp.

Nghề hiếm thầy, ít thợ

Với cộng đồng người thiểu số Tây Nguyên, chỉnh chiêng là nghề có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Theo già Ama Pur, hiện ở Nam Tây Nguyên, số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng còn rất ít. Hầu như các lớp truyền dạy cồng chiêng này chỉ là dạy truyền nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng chứ chưa có lớp truyền dạy nghề chỉnh chiêng. Trong thực tế, nghệ nhân chỉnh chiêng là người dân tộc thiểu số rất ít, có nơi chỉ có một nghệ nhân biết chỉnh chiêng “bao quát” đến vài buôn làng. Theo lời kể của già Y Lon Niê ngày trước, cả vùng xã Lát của huyện Lạc Dương chỉ có nghệ nhân Păngting Kar được xem là người chỉnh chiêng chuẩn nhất trong số vài nghệ nhân chỉnh chiêng (đếm trên đầu ngón tay) trong cả vùng. Ngày nghệ nhân Păngting Kar mất, cả cộng đồng người thiểu số dưới chân núi Langbian này mất đi “một đôi tai thính và một đôi tay khéo”.

Nghệ nhân K’Chung ở Tân Văn, huyện Lâm Hà tỏ ra tiếc nuối: “Giờ thì cả mấy làng mới có được một người biết “nghe được cái tiếng của Giàng” để “lên dây cho chiêng”. Còn lại, hầu như là những người chỉ biết đánh chiêng chứ không biết chỉnh chiêng. Mà, đánh chiêng thì học là biết đánh. Còn chỉnh chiêng thì dẫu có học cũng chưa hẳn là biết chỉnh cho đúng với cái âm thanh của Giàng!”.

TS. Nguyễn Thị Kim Vân - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, người biết chỉnh chiêng là một vốn quý, cần được trân trọng và phát triển rộng khắp. Trên địa bàn Gia Lai hiện nay, số nghệ nhân có khả năng chỉnh chiêng chỉ khoảng vài chục người. Số nghệ nhân tạc tượng cũng ngày càng hiếm hoi, đặc biệt là những nghệ nhân thật sự giỏi và có khả năng truyền nghề không còn nhiều, thực tế chỉ có khoảng 3 - 4 nghệ nhân cho mỗi loại hình. Bởi vậy có thể khẳng định, 34 học viên của lớp truyền dạy chỉnh chiêng và tạc tượng gỗ dân gian Ba Na, Jrai này chính là những “hạt giống đỏ”, khi trở về địa phương sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc như mạch nguồn chảy mãi.       

  Tuệ Minh (SKĐS)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

90
Đang xem:
74.214.755
Tổng truy cập: