Cửa hàng bán the
La Khê nằm ngay ở một khu vực sầm uất, cạnh di tích lịch sử nổi tiếng Bia Bà
(quận Hà Đông), thế nhưng, rất ít khách hàng ghé thăm cửa hàng này. Hiện giờ,
những khung cửi dệt the La Khê đã ngừng dệt hoạt động sau 10 năm hoạt động. Một
làng nghề đặc sắc của thủ đô đã phải dệt những mét the cuối cùng để lại nhiều
suy nghĩ...
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm the La Khê hiện giờ chỉ
bán... hàng tồn và hiếm khi có khách
Khôi phục để rồi...
tiếp tục mai một
Từ xa xưa, dân gian đã có câu "the La, lụa Vạn, chồi Phùng" để
nói về nghề dệt the lụa ở La Khê (quận Hà Đông). Mặc dầu quận Hà Đông có lụa Vạn
Phúc nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, nhưng La Khê vẫn có một vị trí riêng.
Nghề dệt the lụa La Khê tương truyền có từ rất lâu đời. Thế kỷ XVII được xem là
thời kỳ cực thịnh của the La Khê. Sang đến đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn
còn cho lập hẳn một xưởng dệt the La Khê. Điểm khác biệt giữa La Khê và Vạn
Phúc là La Khê xưa chuyên nghề dệt sa màu và các thứ lụa bạch, lụa vân, còn
làng Vạn Phúc thì dệt lụa gấm.
Nghề the lụa La Khê trầm lắng những năm chiến tranh chống Pháp. Sau năm
1954, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay... Nghề dệt the
đã chìm vào quên lãng suốt nửa thế kỷ. Mãi đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến
khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, chính quyền địa phương và
những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức tìm lại sức sống cho nghề
the lụa. Nhờ thế, Hợp tác xã dệt the La Khê ra đời. Sau nửa thế kỷ mất nghề, việc
khôi phục gặp nhiều khó khăn bởi không còn mấy người biết cách dệt the, khung dệt
cũng không còn. Các nghệ nhân cao tuổi đã nhớ lại từng chi tiết cấu tạo, rồi phục
chế khung dệt trên tinh thần vừa thừa kế, vừa cải tiến để trở thành cỗ máy vừa dễ
vận hành, vừa cho năng suất cao. Những mét the đầu tiên đã được dệt ra sau nhiều
năm vắng bóng. Đến năm 2006, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư, nâng tổng số máy dệt
lên con số 11 và mở lớp dạy nghề cho lao động trong làng. The La Khê dần trở lại
thị trường.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài đơn hàng từ khách nước ngoài, các xã viên
đã đi chào hàng tại các cửa hàng tơ lụa trên phố Hàng Bông, Hàng Gai và đưa vào
cả TP.Hồ Chí Minh. Sản lượng the, sa, lụa vân mỗi năm ở La Khê đạt trung bình
2.000 đến 3.000m. Những người thợ dệt the La Khê đã khôi phục, sáng tạo hơn 20
mẫu hoa văn, dệt thành những tấm vải the hoa, trong đó có không ít mẫu cầu kỳ.
Bà Bạch Hồng Ân - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt the La Khê cho biết: "The lụa
La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, nhập từ Bảo Lộc – Lâm Đồng.
Những người biết đến the, lụa vân của La Khê đều rất thích các loại sản phẩm
này với đặc tính sợi sợi kép, dệt thưa, chất the nhìn dày, nhưng thoáng, mặc dễ
chịu mà lại không bị nhăn".
Nhưng sau 10 năm khôi phục, the La Khê đang đứng trước nguy cơ mai một...
thêm một lần nữa. Chúng tôi đến Hợp tác xã dệt the La Khê khi các khung cửi đã
ngừng hoạt động. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm the lụa nằm ngay cạnh Khu Di tích
Bia Bà cực kỳ sầm uất, nhưng hoạ hoằn lắm mới có một khách hàng đến thăm. Các mặt
hàng tại đây giờ chỉ bán hàng tồn từ trước, bởi khung cửi không còn hoạt động từ
cuối năm 2011.
Bài học từ việc
mất nghề
Nếu như lụa Vạn Phúc tồn tại nhờ vào hoạt động xuất khẩu, bán hàng tại chỗ
và cả những đơn đặt hàng thì trong suốt 10 năm qua, Hợp tác xã dệt the La Khê
hoạt động chủ yếu nhờ vào hoạt động đặt hàng của các tiểu thương. Hầu như không
có khách đến La Khê để mua hàng. Điều này đã hạn chế rất nhiều cho khả năng vực
dậy một làng nghề. Bà Bạch Hồng Ân cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là
do La Khê không xuất hiện trên thị trường suốt một thời gian quá dài. Thương hiệu
của La Khê gần như không tồn tại trong quan niệm tiêu dùng. Bản thân các nghệ
nhân có cố gắng, nhưng họ vốn chỉ quen với khung cửi, nên thiếu các hoạt động
quảng bá. Chỉ trông chờ vào đầu ra như thế, nên khi không có người đặt hàng, việc
sản xuất cứ liên tục bị thu hẹp.
The La Khê có ưu điểm là nhập nguyên liệu chất lượng cao. Thời gian gần
đây, giá nguyên liệu liên tục tăng cao. Trước, Hợp tác xã chỉ phải mua nguyên
liệu với giá 300.000đ/kg, nay đã lên 1.000.000đ/kg. Điều này đẩy giá thành sản
xuất the lên cao, khoảng 150.000đ/m, riêng hàng sa, giá lên tới 200.000đ/m.
Cùng lúc ấy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều mặt hàng Trung Quốc, giá thành
rẻ. Phần lớn người tiêu dùng không biết phân biệt chất lượng tốt - xấu, cứ thấy
rẻ là mua. Việc sản xuất vì thế càng thêm khó khăn.
Xứ Đoài vốn là "đất trăm nghề". Nhưng không phải nghề nào cũng có
truyền thống lâu đời và giàu tính nghệ thuật như the La Khê. Ở góc nhìn di sản,
dệt the La Khê là loại hình di sản phi vật thể. Di sản phi vật thể có đặc thù
riêng, ở đây chính là phương thức để dệt lên những tấm the lụa quý. Phương thức
dệt the La Khê có nhiều đặc thù. Chỉ một thời gian nữa, nếu không có biện pháp
giữ gìn, phương thức dệt này sẽ mất đi cùng với các nghệ nhân. Thế nhưng, trong
suốt mười năm tồn tại, nghề dệt the La Khê không nhận được sự quan tâm đáng kể
nào của các ngành, ngoài một lớp dạy nghề tổ chức vào năm 2006. Người nghệ nhân
khôi phục nghề trong gian khó, lại phải tự "bơi" trong thương trường
đầy khắc nghiệt. Việc mai một là điều khó tránh khỏi.
Hà Nội có hơn 1.200 làng nghề. Bảo tồn làng nghề truyền thống vừa góp phần
tạo công ăn việc làm, vừa lưu giữ những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, có lẽ
không nên đánh đồng các nghề truyền thống trong bảo tồn. Cần có sự phân loại
các nghề từ góc độ di sản, để từ đó có biện pháp bảo tồn phù hợp với những làng
nghề mang nhiều giá trị nghệ thuật như dệt the La Khê.
Giang Nam (Báo ND)