Là một trong những di tích văn hóa quý, bổ
sung và tôn thêm vẻ đẹp văn hóa phố cổ, Đình Phả Trúc Lâm không chỉ là
một nơi tôn nghiêm mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa. Tọa Lạc
trên phố hàng Hành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ngôi đình được xây dựng để
tỏ lòng hiếu nghĩa với các vị tiên tổ nghề làm giày da và đã được Bộ Văn
hóa- Thể Thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc
gia năm 1995.
|
Đình Phả Trúc Lâm
Từ xa xưa, khu phố Cổ đã khá nổi tiếng là một khu
giao thương sầm uất đất Hà Thành. Một trong bách nghệ trăm nghề của Kinh
kỳ là nghề thuộc da, làm và buôn bán giày da. Phát triển sớm ở Thăng
Long xưa, nghề thuộc da đã thu hút khá nhiều thợ thủ công về lập nghiệp.
Có tài liệu cho rằng: nghề làm giày da ở Hà Nội ra đời cách đây khoảng
500 năm đã thu hút người dân ở khắp nơi trên cả nước về gây dựng nghề
da, đông nhất phải kể đến là người Hải Dương. Đến giữa thế kỷ XX, dân
làng Quỳnh Lôi và Ngõ Quỳnh quận Hai Bà Trưng, trở nên nổi tiếng với
nghề thuộc da. Sự phát triển một cách thịnh đạt này đã góp phần đẩy mạnh
thông thương buôn bán giữa thủ đô với các tỉnh lân cận.
Sau khi đã quần tụ, lập ấp, lập phường, người làm thuộc da đã nghĩ đến
việc xây dựng đình Phả Trúc Lâm để thờ Tổ nghề của mình. Ngôi đình được
dựng lên ngoài ý nghĩa tri ân, nhớ ơn các vị tổ trong nghề còn là nơi
con cháu nghề da sum họp, cùng nhau trao đổi đúc giúp kinh nghiệm, đưa
nghề da ngày càng phát triển thịnh đạt.
Nằm nép mình trong một diện tích hẹp trên phố hàng Hành, Đình Phả Trúc
Lâm vốn là ngôi đình của làng Phong Lâm, tên nôm là làng Trắm (có người
gọi là Chắm) nơi có nhiều thợ thuộc da khá nổi tiếng. Các vị tổ nghề da
được tôn thờ là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba người bạn cùng quê là
các ông Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính, Nguyễn Sĩ Bân. Bốn ông đều
sống dưới triều Lê - Mạc (thế kỷ XV). Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ khoa
thi Ất Sửu, niên hiệu Thuần phúc nguyên niên, làm quan cho triều Mạc
đến chức Thừa chánh sứ. Trong thời gian Nguyễn Thời Trung làm Chánh sứ
sang Trung Quốc, các ông đã dừng lại ở Hàng Châu, nghiên cứu sự tài
khéo, tinh xảo trong nghề đóng giày ở đây. Trải qua bao gian nan vất vả,
các ông đã học thuộc nghề, nắm vững các bí quyết về thuộc da, đóng
giày. Khi về nước đã truyền nghề ở quê hương. Từ đó nghề thuộc da, đóng
giày ngày càng phát triển . Bốn ông đã được triều đình ban phong chức
quan “Thượng y” ở Quốc Tử Giám. Sau này khi các ông qua đời, làng nghề
da giày đã tôn vinh làm Tổ nghề.
Đình thờ Tổ nghề da giầy không có quy mô rộng lớn, đồ sộ nhưng nơi đây
lại lưu giữ được những giá trị nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần luôn
nhớ về nguồn cội, tổ tông. Trải qua năm tháng ngôi đình đã ít nhiều có
sự thay đổi nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Hàng năm, thợ đồ
da Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm tổ nghề vào các dịp tháng Hai tế xuân và
tháng Tám tế thu. Vào những ngày này, thợ da giày khắp nơi lại có dịp
về đây gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm và bồi đắp thêm tình đoàn kết giữa
những làng nghề thuộc da trên cả nước.
(ĐĐK)
|