"Yêu nhau trở lại xuân tình..."
Văn hóa cũng như tình yêu, có lúc thăng lúc trầm, nhưng tựu trung
lại nếu tiếp cận bằng trái tim trong sáng, vô tư, thì nó sẽ được trường
tồn. Người ta không thể khiến ai đó thích quan họ bằng cách biến nó
thành một loại hình nghệ thuật khác, bởi lúc đó quan họ đâu phải là quan
họ nữa. Nó chẳng khác nhau đặt bẫy nhau để mà yêu.
"Riêng tôi, tôi vẫn tin có nhiều người yêu quan họ bởi những nét độc
đáo riêng của nó, chứ không phải thành thứ này thứ kia," Anh Hiệp nói.
Anh kể khi còn ở quân ngũ, với dăm chục câu quan họ dắt lưng làm
vốn, tha hồ cho anh đi làm công tác dân vận trong đồng bào dân tộc, bởi
họ mê quan họ lắm, đặc biệt là người Tày. Vào bản hát quan họ cho đồng
bào nghe, lại nghe đồng bào hát những giai điệu của dân tộc mình, tưởng
chẳng có sự giao lưu, đoàn kết nào hữu hiệu như bằng tiếng hát.
Quan họ còn theo anh sang tận trời Tây, trong chuyến lưu diễn của đoàn quan họ Bắc Giang ở Pháp phục vụ kiều bào.
"Tôi không dám nhận là hay, nhưng tôi tin đã đển lại ấn tượng tốt cho
kiều bào. Khi hát giã bạn rồi, thì cả hội trường vẫn yêu cầu đi ra để
họ chào và vỗ tay một lần nữa. Khi đó chúng tôi rất xúc động, nhiều
người khóc, và bản thân chúng tôi là những nghệ sĩ cũng không cầm được
nước mắt. Chúng tôi lúc đó đã hát bằng tất cả tấm lòng," Anh Hiệp hồi
tưởng về buổi biểu diễn cuối cùng ở Lyon, Pháp.
"Nhiều người bảo với tôi rằng, thanh niên ngày nay chẳng ai còn mê
quan họ. Nói thế là không phải. Ở đâu thì tôi không biết, chứ ở Thổ Hà
này trai gái tuổi cập kê vẫn còn thích nghe quan họ lắm. Lúc bận đến kì
tổ chức hội hát mà chưa thông báo, là tụi nó xúm đến hỏi ngay," Anh Hiệp
cười.
"Chúng nó bảo, nghe các chú hát quan họ, chúng cháu lại thấy...yêu
nhau. Tôi nghe mà cũng vui, bởi bọn quan họ chúng tôi vẫn thường nói đùa
là hát quan họ là để cho hàng xóm yêu nhau mà."
Cắt tóc để nuôi quan họ
Dẫu là một liền anh có tiếng tăm nhất vùng Kinh Bắc, anh Hiệp không
giàu lên nhờ quan họ. Gia đình ba người của anh sống trong một ngôi nhà
gạch đã cũ, đơn sơ với không gian tương đối chật chội. Trong nhà đẹp
nhất là bộ áo tứ thân và mấy tấm bằng khen, còn lại chỉ có một cái ti vi
14 inch và một bộ đầu đĩa nho nhỏ. Khách đến chơi ngồi trải chiếu với
chủ nhà để uống trà nói chuyện.
So với tiêu chuẩn những ngôi nhà trong làng Thổ Hà tôi đã vào thăm, phải nói là nhà anh nghèo.
Như các gia đình khác trong làng, nhà anh cũng làm bánh đa nem. Anh
Hiệp ngoài nghề làm bánh đa ra, còn chịu khó ra ngoài cổng làng cắt tóc
kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình.
"Tôi chả dấu nghề, nghề cắt tóc của tôi làm đẹp cho đời, tôi lấy nghề cắt tóc để chơi quan họ," Anh Hiệp giãi bày.
Anh bảo, dạo gần đây cũng có nhiều người mới đi hát, như đi hát đám
cưới ấy, nhưng anh không chịu. "Người ta chịu trả một triệu một lần diễn
đấy, nhưng tôi thà ở nhà cắt tóc cả ngày lấy 100 nghìn còn hơn. Tôi nói
có trả 10 triệu tôi cũng không đi. Tôi không muốn làm mất đi cái tính
tự tôn của người chơi quan họ."
"Xưa cha ông ta đã dạy thế này:
Nghèo tiền nghèo bạc không lo
Nghèo nhân nghèo nghĩa mới cho là nghèo
Người quan họ vun đắp cho mình nhân nghĩa rất là dày, và cả cách sống
với nhau sao cho trọn vẹn nữa. Tôi hát quan họ không sợ ai hay cái gì cả, thích thì hát thôi. Không thể vì vài đồng bạc mà làm hỏng cả mình lẫn di sản của cha ông được."