LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nồng đượm rượu nếp Cẩm Giang
(Ngày đăng: 06/01/2014   Lượt xem: 1370)

Từ thành phố Bắc Ninh, theo tỉnh lộ 295 B, chúng tôi đến thăm Cẩm Giang phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn. Làng giờ đã lên phố với những con đường trải nhựa, bê tông thẳng tắp, nhà cao tầng nhấp nhô nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng của một làng Việt cổ.

Trong làng, nhiều gia đình còn giữ nghề nấu rượu cổ truyền. Mùi men rượu thơm lừng tỏa ra từ nóc bếp trong tiết trời se lạnh khiến bước chân ai cũng không khỏi chếnh choáng, ngập ngừng.

Chị Nguyễn Thị Lương, một hộ sản xuất rượu lâu đời trong làng cho biết: “Rượu làng Cẩm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên có hương vị rất riêng. Trước đây, gạo dùng để nấu rượu là giống nếp cái hoa vàng trồng trên lớp phù sa màu mỡ. Sau khi thu hoạch mỗi nhà đều chọn ra chỗ thóc chắc mẩy nhất nấu thành rượu dùng trong những dịp lễ, tết hoặc những khi gia đình có công việc. Ngày nay, tuy được làm thường xuyên hơn nhưng rượu cũng phải làm từ thứ nếp được tuyển chọn. Như vậy mới trưng cất được loại rượu  tốt nhất”.
 

Ủ men rượu, một trong những công đoạn quan trọng để làm ra món rượu nếp cái hoa vàng.

Các công đoạn làm rượu cũng khá cầu kỳ. Thóc sàng sảy cho hết sạn, mang xay bỏ đi lớp vỏ nhưng vẫn phải giữ nguyên lớp cám bọc bên ngoài. Sau khi ngâm kỹ thì đồ hai lần thành xôi đến khi có mùi thơm lừng thì mang ra hong cho nguội hẳn rồi mới tiến hành ủ men. Loại men truyền thống của làng là men thuốc bắc. Men này sẽ giúp rượu có vị nồng và êm khi uống. Điểm độc đáo trong cách ủ rượu của làng Cẩm là dùng lá sen để bọc các lớp gạo. Lá sen phải là loại lá bánh tẻ không non mà cũng không quá già. Ban đầu người ta trải một lớp lá sen vào rá rồi chọc vài lỗ thủng dưới đáy để trong quá trình ủ nước rượu chảy ra. Cứ một lớp xôi đồ sẽ rắc một lớp men cho đều. Sau đó lại đậy lớp lá sen lên trên cùng cho kín rồi mang ủ trong phòng yếm khí.

Thông thường một mẻ rượu phải được ủ từ 2 đến 3 ngày tùy thời tiết. Cơm rượu nếp cái hoa vàng khi đã lên men đến độ có thể ăn được ngay nhưng nếu muốn dùng lâu, người ta đổ thêm rượu chưng cất rồi bưng kín trong vò sành, hạ thổ khoảng ba tháng đến một năm. Như vậy sẽ được thứ rượu ngon, đạt chất lượng tốt nhất. Rượu thành phẩm có màu vàng sóng sánh, uống vào thoạt đầu thấy cay cay ở đầu lưỡi, sau sẽ thấy vị ngọt đượm. Đây là thứ đặc sản quê hương mà người làng Cẩm vẫn mang ra tiếp đãi mỗi khi có khách quý từ phương xa tới chơi.

Chị Lương cho biết thêm: “Rượu làng Cẩm chính gốc uống vào rất êm và không đau đầu. Nhiều người nơi khác biết tiếng tìm đến hỏi mua nên vài năm gần đây một số nhà trong làng cũng làm thêm để bán. Thế nhưng tuyệt nhiên chúng tôi vẫn giữ cách làm truyền thống, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu đến ngâm, ủ, chưng cất. Rượu mang cả cái tình và cái tâm của người làng Cẩm Giang”.

Cuộc sống hiện đại nhiều bon chen vất vả nhưng người làng Cẩm Giang vẫn giữ cho mình cách sống giản dị, chân chất. Thứ rượu nếp cái hoa vàng theo thời gian vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên cách nấu cổ truyền, nồng đượm hương vị quê hương. Không cần cầu kỳ, kiểu cách, một chén rượu nồng chan chứa tình quê, tình người cũng đủ níu chân du khách nhớ về miền đất Kinh Bắc trù phú, giàu nghĩa tình.

                                                                                            Theo: baobacninh

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.510.394
Tổng truy cập: