Làng nghề chế tác đá Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc hằng năm tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động.
Bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng
Từ lâu, xã Minh Tân đã nổi danh bởi nghề chế tác đá mỹ nghệ độc đáo, với nhiều cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, hoạt động ngay sát Quốc lộ 217 và trong các khu dân cư. Ngày 16/10/2013, làng nghề chế tác đá Làng Mai (thuộc địa phận của thôn 8, 9) được công nhận làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề khác của địa phương phát triển như cơ khí, vận tải... Toàn xã hiện có 18 cơ sở sản xuất, chế tác đá thu hút khoảng trên 200 lao động tham gia, với mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trịnh Văn Tùng, một thợ chế tác đá mỹ nghệ tại đây chia sẻ, để làm ra một sản phẩm trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có những yêu cầu kỹ thuật khác nhau, đòi hỏi người thợ bên cạnh sức khỏe cần sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng hoa văn, họa tiết. Nếu như trước kia các hộ sản xuất chủ yếu làm thủ công thì giờ đây phần lớn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chất lượng sản phẩm từ đó được nâng cao.
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Minh Tân rất quan tâm tới việc xây dựng, phát triển các làng nghề, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, nghề chế tác đá mỹ nghệ mang lại cho người dân một nguồn thu đáng kể, nhất là giải quyết được nhiều việc làm cho lao động vùng nông thôn.
Nan giải bài toán về môi trường
Mặc dù có những đóng góp kinh tế cho địa phương, song ở làng nghề chế tác đá Minh Tân, trong quá trình sản xuất, một số cơ sở sản xuất không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nước thải của bột đá chưa được xử lý chảy ra ruộng, khói bụi kèm theo tiếng ồn... làm đảo lộn cuộc sống thường ngày cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sinh sống quanh khu vực làng nghề. Vào mùa nắng nóng, khói bụi từ những chiếc xe chở đá bay mù mịt, nhiều hộ gia đình luôn phải “kín cổng, cao tường”, lắp thêm rèm che trước nhà để hạn chế bụi bẩn. Bên trong xưởng sản xuất, các bể chứa được chủ cơ sở xây dựng tạm bợ, khi bụi đá lắng xuống đầy bể, một số hộ cho người múc đi đổ ở nơi khác, cũng có những cơ sở cho xả thẳng ra môi trường.
Bài toán ô nhiễm môi trường tại đây vẫn chưa có lời giải.
Anh Phạm Mạnh Cường, chủ cơ sở chế tác đá Làng Mai cho biết: Gia đình đã xây dựng bể lắng lọc tuần hoàn, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, tiếng ồn và bụi đá phát tán trong không khí là điều khó tránh khỏi. Phần lớn lao động làm việc ở làng nghề chủ yếu thời vụ, nên không có chế độ bảo hiểm y tế; bộ đồ lao động, găng tay, khẩu trang do người làm tự trang bị...
Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Địa phương thường xuyên tập trung tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết, thực hiện các quy định pháp luật về công tác bảo vệ môi trường. Vừa qua, huyện cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom nước thải tại khu vực làng nghề, với nhiều hạng mục như: kênh thoát nước, 2 bể lắng... mục đích nhằm thu nước thải của các hộ sản xuất tập trung về một đầu mối, góp phần giảm thiểu nước thải ra môi trường. Về lâu dài, sau khi cụm công nghiệp làng nghề Minh Tân có diện tích 30ha đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Minh Tân cũng như xã Vĩnh Thịnh.
Theo: baothanhhoa.vn