Từ mái tóc của nàng tiên mà cây cói hình thành ở vùng biển Kim Sơn (Ninh Bình), để rồi nghề dệt cói trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng ở vùng đất mở.
Cây cói miền cồn biển
Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-Bộ VH,TT&DL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký ban hành đưa nghề thủ công truyền thống - nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là quyết định công nhận thông thường, mà còn nằm trong nỗ lực giữ gìn nghề cổ, tiếp nối những tinh hoa văn hóa truyền thống vùng đất cố đô.
Truyền thuyết kể rằng, vào một buổi chiều thu nắng vàng như lụa, có một bầy tiên nữ đến chơi ở cửa biển này. Trước cảnh thiên nhiên kỳ thú, trời biển giao hòa, nàng tiên thứ bảy xinh đẹp nhất cắt mái tóc của mình ném xuống biển. Sóng vỗ đến đâu, tóc nàng trôi đến đó, gặp bãi đất bồi mọc lên thành cây cói.
Huyện Kim Sơn là vùng đất mở từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ vào năm Kỷ Tỵ (1829). Đây là vùng đất mà hằng năm có tốc độ bồi tụ tiến ra biển đến gần 1m. Chính vì thế, Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi, quai đê lấn biển.
Trước đó, vào khoảng từ năm 1827, khi đang quai đê ở Tiền Hải (Thái Bình), Nguyễn Công Trứ đã cho người sang Ninh Bình khảo sát thực địa, để chuẩn bị khẩn hoang. Tuy nhiên, lại vướng phải những khó khăn không nhỏ bởi vùng cửa biển này dữ dằn, gió to sóng lớn. Cả một vùng bãi bồi, sình lầy, lau lách trải ra mênh mông nên việc đi lại để quai đê đắp đường, đào sông thuở ấy gặp vô vàn gian nan.
Với 63 vị chiêu mộ, thứ mộ, 1.200 nhân đinh, sau hơn 1 năm, Nguyễn Công Trứ đã hoàn tất việc quai đê, lấn biển Kim Sơn. Và vào năm Minh Mệnh thập niên, huyện Kim Sơn được thành lập với 7 tổng, 63 làng, ấp, giáp, trại, tính từ Tôn Đạo về đến vùng Yên Lộc, Lai Thành.
Ở Kim Sơn không ai biết chính xác nghề dệt cói có từ bao giờ, song có lẽ chỉ thực sự phát triển từ giai đoạn Nguyễn Công Trứ tổ chức khẩn hoang, vì hai lý do: Thứ nhất, với cây cói hoang thì phần ngọn thót lại, phần gốc to, bè ra ba góc thường được dùng để dệt chiếu thô hay thảm cói; Thứ hai, khi xuất hiện cây cói trồng từ giai đoạn khẩn hoang mở rộng Kim Sơn thì cói được trồng trên đồng ruộng. Loại cói trồng có thân tròn, thon thả từ gốc đến ngọn, có thể dệt thành hàng cao cấp dành cho cung đình, như: Chiếu đậu, chiếu cải, chiếu cờ...
Từ những năm đầu thế kỷ 20, với sự hỗ trợ của người Hoa đến lập nghiệp đã xây dựng một số xưởng dệt chiếu: Xưởng Hưng Lợi (ở phố Thủ Trung - Kim Chính), xưởng Xương Lợi và Quản Hòa (phố Trì Chính), xưởng Minh Tín (ở Trung Tràn), xưởng Chủ Lợi (Hướng Đạo, Đồng Hướng). Từ các xưởng này, lá chiếu Kim Sơn “đi” khắp thế giới.
Sau này đến thời bao cấp, sản phẩm cói Kim Sơn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Đây là thời kỳ huy hoàng nhất của nghề trồng và dệt cói, sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó và được bạn bè các nước vô cùng thích thú.
|
Sau khi thu hoạch về, cây cói sẽ được phơi khô.
|
Tiếp nối tinh hoa nghề cổ
Tuy nhiên, càng về sau thì nghề cói càng suy giảm và thậm chí rơi vào khó khăn và có nguy cơ mai một. Nhiều nhà không còn trồng cói, người làm nghề cũng bỏ dần.
Tuy nhiên, như bà con ở vùng biển Kim Sơn nói vui rằng “nghề cói dai như sợi cói”, có khó khăn, có mai một nhưng không thể mất đi, vì đó không chỉ là nghề cha ông, mà còn là nét văn hóa nghìn năm ở vùng đất cố đô.
Thế nên, khi kinh tế phát triển thì nghề xưa lại tự nhiên vực dậy, được những bàn tay khéo léo dệt ra những sản phẩm đậm đặc văn hóa cồn biển và “dệt” thành cả những câu chuyện vô tiền khoáng hậu ở vùng đất “cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển”.
Theo anh Ngô Quý Đức, người sáng lập dự án “Về Làng”, thì cây cói có chu kỳ sinh trưởng giống cây lúa. Cói chiêm thu hoạch vào dịp tháng 5, cói mùa thu hoạch vào dịp tháng 10 âm lịch. Quy trình trồng cói cũng giống như lúa: Cày, xới, phơi, tháo nước, làm cỏ, bón phân. Chất lượng cói trồng phụ thuộc vào việc điều phối nước mặn và nước ngọt theo tỉ lệ thích hợp.
|
Dệt chiếu cói là nghề truyền thống đặc trưng ở Kim Sơn.
|
Nổi bật nhất trong các sản phẩm từ cói của Kim Sơn phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là cả một quá trình sáng tạo, tỉ mỉ từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền màu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi.
Ngoài chiếu cói, những người dân địa phương còn sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như: Thảm, làn, khay, hộp, mũ, túi xách…
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu ngay từ lúc trồng và thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt và hoàn thiện.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, không chỉ phải giữ các kỹ thuật truyền thống, mà còn phải tận dụng kỹ thuật hiện đại, như sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm. Nhờ đó mà những sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người dùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, để có những mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất cói cũng đã biết phối hợp chặt chẽ với các đối tác để lên ý tưởng và thiết kế mẫu mã. Sau đó, những mẫu thiết kế này sẽ được đặt hàng nhờ các nghệ nhân làng nghề làm thử và khi đạt tiêu chuẩn sẽ hướng dẫn, giao cho các hộ gia đình sản xuất hàng loạt.
“Người Việt Nam ai cũng quen thuộc với những chiếc chiếu cói, chiếu cải. Tấm chiếu gắn bó với con người từ khi sinh ra, lớn lên, trong ngày hạnh phúc, lúc ốm đau và thậm chí cả khi nằm xuống. Chiếu cói đã đi vào ca dao, tục ngữ, đi vào văn hóa Việt bằng tất cả những tâm tình yêu thương gần gũi nhất” - Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Thạch.