LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng tổ nghề khảm trai
(Ngày đăng: 29/11/2013   Lượt xem: 706)
Chuôn là tên Nôm, còn tên chữ là làng Chuyên Mỹ, thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay là Hà Nội. Tương truyền, đây là làng tổ nghề khảm trai…

3 cận tổ nghề

Theo truyền tụng, có đến 3 ông tổ nghề khảm trai. Một là ông Nguyễn Kim, người Thanh Hóa, vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), đã nghĩ ra cách khảm trai, khảm xà cừ vào đồ gỗ, sau bị quan lại địa phương chèn ép nên phải bỏ quê, đến cư ngụ tại làng Chuôn, rồi truyền dạy cho dân làng nghề khảm trai. Hai là ông Trương Công Thành, một vị quan trong triều Lý Nhân Tông (1066 - 1127), sau cáo quan về đi tu. Ông nghĩ ra cách lấy vỏ trai về khảm những đồ thờ cúng rất đẹp, sau dạy cho dân làng Chuôn, vì vậy được người làng Chuôn thờ làm thành hoàng và tôn làm tổ nghề. Ba là ông Vũ Văn Kim, chính quê làng Chuôn, từng tới làng Thụy Ứng học được nghề làm lược sừng. Sau ông nghĩ ra cách làm lược cài búi tóc có cẩn thêm một mảnh vỏ trai màu biếc, trông rất đẹp; sau nữa, ông khảm trai ở khay, hộp và các đồ gỗ. Từ ông mà có nghề khảm ở Chuyên Mỹ.

Có lẽ, các ông Trương Công Thành, Nguyễn Kim, Vũ Văn Kim được dân làng Chuôn tôn làm tổ nghề khảm với tư cách là người đã có công phổ biến và cải tiến nâng cao nghề nghiệp. Bởi, sách Lịch sử Việt Nam có ghi nghề khảm ở nước Việt ta đã có từ trước thời Lý. Thời Bắc thuộc, đồ khảm nước ta đã có tiếng, những khay, cơi trầu khảm xà cừ đã được người Trung Quốc khen là báu vật. Năm 1289, vua Trần Nhân Tông đã tặng vua Nguyên hòm gỗ khảm vàng, chén bằng sừng tê khảm vàng, bàn cờ bằng xương voi khảm vàng. Như vậy, nghề khảm đã tinh diệu lắm. Ở miền Nam, thời các chúa Nguyễn, nghề khảm xà cừ đã thịnh đạt, như Lê Quý Đôn viết trong sách Phủ biên tạp lục: “Xà cừ sản ở Quảng Nam... Người xứ Thuận Hóa hay dùng để trang sức khay vuông, hòm mũ, chuôi kiếm. Ở Chiêm Thành và Cao Miên, khay, hộp trang sức bằng xà cừ thì khảm lẫn các mảnh thủy tinh nhỏ, xanh biếc rực rỡ”... Như thế, các ông Trương Công Thành, Nguyễn Kim, Vũ Văn Kim là những cận tổ nghề khảm trai của làng Chuôn.

Khoảng đầu thế kỷ XVIII người làng Chuôn đã đem các sản phẩm khảm trai - xà cừ lên Thăng Long bán, được người Kinh kỳ rất ưa chuộng. Sau, một số thợ khảm trai làng Chuôn lên cư ngụ ở Thăng Long để tiện hành nghề. Họ cùng ở một khu vực là làng Cựu Lâu, cùng làm một nghề chạm khảm trai - xà cừ, và dựng đền thờ ông tổ nghề Nguyễn Kim ở đấy. Cuối thế kỷ XIX, đất làng Cựu Lâu nằm trong khu nhượng địa. Người Pháp tạo lập những đường phố mới ở khu vực này, trong đó có phố Hàng Khảm chạy suốt từ bờ sông Hồng đến hồ Hoàn Kiếm. Ngày nay chỉ còn lại một quãng ngắn đi dọc bờ nam hồ Gươm, từ phố Tràng Tiền tới phố Bà Triệu, và không hiểu sao lại đổi gọi là phố Hàng Khay.


Làng Chuôn tương truyền là tổ nghề của khảm trai

Độc đáo tranh khảm trai

Từ lâu đời, người thợ khảm làng Chuôn đã dùng nhiều loại vỏ trai, ốc xà cừ, vỏ hến bể để khảm. Vỏ trai có các loại: trai cánh sẫm màu và mỏng vỏ, trai nứa mỏng mình và trắng, trai Nông Cống có nhiều vân; ốc bể có một giống gọi là ốc xà cừ, sinh sản nhiều ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang; hến bể có một loại gọi là vỏ xác chất trắng như tuyết dùng để khảm chân dung, lại có màu vàng để cẩn những cành hoa cúc. Ngoài ra, có một loại vỏ trai đặc biệt, là cửu khổng (có 9 lỗ ở mép vỏ), vân và màu sắc rực rỡ như màu cầu vồng. Chỉ với chất liệu cửu khổng, người thợ mới làm nên các hàng mỹ nghệ mặt nổi như non núi, cánh phượng, cánh công...

Từ những chất liệu mua từ nhiều vùng miền về, thợ khảm phải bỏ nhiều công sức, sự khéo léo và óc thẩm mỹ, qua nhiều công đoạn mới tạo nên những bức tranh khảm. Đầu tiên là sáng tác bản vẽ mẫu, tiếp đến là cưa, đục, mài để tạo những mảnh nhỏ ghép với nhau thật khớp, tạo nên bức tranh nhiều sắc màu. Những mảnh vỏ trai cong vênh phải ngâm nước, rồi ép nóng cho phẳng mới dùng được. Tiếp theo là khâu hạ mặt tranh, tức là đục cẩn những mảng hình trên mặt gỗ thật chuẩn theo hình tranh vẽ mẫu, rồi ghép dán các mảnh vỏ trai thành tổng thể bức tranh. Khâu cuối cùng là dùng sơn hòa với muội đèn miết lên mặt khảm rồi mài và đánh bóng cho mặt khảm trở nên lung linh đa sắc. Bí quyết người thợ làng Chuôn làm cho mặt bức khảm bóng và không bị xước, là lấy lá ngái và vôi bột, dùng tay xoa thật đều lên mặt tranh khảm.

Ngày xưa, đề tài thường được nghệ nhân làng Chuôn chọn đưa lên tranh khảm là những tích trong các tác phẩm kinh điển, như Tam cố thảo lư, Giang tả cầu hôn, Văn vương cầu hiền…, hay khảm những đề tài mang tính điển hình như Thông mai cúc trúc, Lã Vọng, Tiều phu, Tô Vũ chăn dê… Mấy chục năm trở lại đây, thợ khảm lại hay chọn những danh lam, thắng tích như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Văn Miếu, Tháp Rùa… để đưa lên tranh; họ còn tạo những tranh khảm chân dung Bác Hồ, Lênin...

Tranh khảm trai cũng đã đạt tới thành tựu mỹ thuật đáng trân trọng. Tiêu biểu là bức khảm Hội nghị Bình Than của nghệ sỹ Vũ Văn An, và bức bình phong thể hiện một số trích đoạn từ Truyện Kiều do trường Mỹ nghệ Hà Tây (cũ) chế tác... Dưới bàn tay tinh diệu của nghệ nhân khảm trai, những tạo hình bằng vỏ trai - xà cừ phản quang lấp lánh, khiến từ mỗi góc nhìn khác nhau người ta thấy được những màu sắc biến hóa, hấp dẫn lạ lùng.

                                                                                           Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.511.405
Tổng truy cập: