ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Làng thuốc Nam của người Chăm
(Ngày đăng: 13/04/2013   Lượt xem: 702)

Làng thuốc bí truyền của người Chăm có tên gọi là làng thuốc An Nhơn, làng thuốc Cà Đú (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Hiện nay làng thuốc này đang được tỉnh Ninh Thuận xây dựng thành một làng thuốc Nam độc đáo nhất Miền Trung. 



Trị bệnh u gan bằng thuốc sắc hoặc viên tễ

Lời thề "phải bốc thuốc bằng cái tâm”

Cũng như nhiều bài thuốc bí truyền của các dân tộc khác, các bài thuốc và cách bốc thuốc của người Chăm ở làng thuốc An Nhơn cũng lắm công phu. Đến nay có hơn 20 thầy lang trong làng này thông thạo các loại thuốc nhưng họ đều có chung một nguyên tắc là không tiết lộ ra bên ngoài, kể cả người quen ở nơi xa tới, nếu ai tiết lộ điều này sẽ bị trưởng làng tước quyền bốc thuốc. Bởi nếu tiết lộ thì cây thuốc quý sẽ có nguy cơ bị tận diệt. Theo các thầy lang người Chăm, những cây thuốc mọc trong các hẻm đá thường có chất lượng cao hơn mọc ngoài đất thịt. Bởi vậy, công phu đi tìm thuốc cũng vì thế mà gian nan hơn. Khi sắc và bào chế thuốc cũng có nhiều bí quyết riêng. Ông Đạo Huy Trung thổ lộ: "Cũng có người Kinh từ nơi xa đến học cách sắc thuốc ở làng thuốc bí truyền này, chúng tôi chỉ bảo cho họ một ít phương pháp, ấy thế nhưng khi về nhà họ tự bào chế thì lại không có công hiệu, hoặc công hiệu giảm đi rất nhiều. Hiện, ở Phú Yên, Bình Định cũng có các loại cây thuốc này nhưng lại không có chất dược liệu như ở núi Cà Đú và Bác Ái. 

Từ ngày biết bốc thuốc (cách đây hơn 30 năm) cho đến khi phải nghỉ dưỡng ở nhà vì sức khỏe quá yếu, ông Đạo Rơ Thanh vẫn luôn giữ cho mình một nguyên tắc: Phải bốc thuốc bằng cái tâm, nếu vụ lợi thì bài thuốc ắt hẳn sẽ giảm đi rất nhiều công hiệu. Đây là niềm tin đã hóa thành quan niệm sống của những người Chăm ở làng thuốc Cà Đú. Tất thảy những người cùng thế hệ với ông Thanh đều tự hào giữ được quan điểm đầy nhân văn đó. 

Một trong những người bốc thuốc "mát tay” ở làng thuốc An Nhơn này phải kể đến chị Đào Thị Nữ. Mới ngoài 40 tuổi nhưng chị không nhớ nổi bàn chân mình đã đi qua bao nhiêu bản nghèo để giúp bà con cách uống thuốc, cách đi lên rừng tìm cây thuốc. "Trên núi Cà Đú cũng như núi Bác Ái này có rất nhiều loại cây thuốc quý mà đôi khi mình không biết. Chúng tôi đi bán thuốc nếu thấy bệnh không giảm hoặc không ngăn chặn được thì không bao giờ dám lấy tiền. Có lấy thì cũng lấy tiền công thôi chứ không phải mục đích kinh doanh làm giàu” - chị Nữ tâm sự. Kéo tôi xuống kho chứa thuốc của gia đình mình, chị Nữ bảo hiện chị có đầy đủ các loại thuốc chữa bệnh viêm gan, loét dạ dày, u tá tràng… Thuốc được xắt ra thành lát, phơi khô hiện nay chỉ bán với giá 100 đến 120 ngàn đồng/kg. Nếu hoàn tán (thành viên để uống liền mà không cần sắc) thì giá sẽ cao hơn gấp 2 hoặc 3 lần. Tuy nhiên theo những người bốc thuốc ở làng thuốc Cà Đú thì uống thuốc sắc thành nước tốt hơn bào chế thành viên tễ. Nhiều khách hàng quen của làng thuốc này họ đặt mua hàng tạ, uống khi nào giảm bệnh mới trả tiền. 



Ông Nam từ "cõi chết” trở về nhờ chính bài thuốc
 của vợ mình (thầy thuốc Đào Thị Nữ) bốc

Nhân chứng sống kể chuyện giảm bệnh

Đầu năm 2012, chị Lê Bảo Phúc (đường Hùng Vương, Cam Ranh, Khánh Hòa) phát hiện mình bị bệnh viêm gan cấp tính, các bác sỹ cảnh báo điều trị bằng các loại kháng sinh thông thường sẽ rất khó suy giảm, muốn giảm thì bắt buộc phải xạ trị. Tuy nhiên sức khỏe của chị lại yếu nên không thể áp dụng biện pháp này. Thế nên chị quyết định xin bác sỹ về nhà tự điều trị bằng các loại thuốc do người thân mua ở nước ngoài. Nhưng dùng ròng rã suốt nửa năm trời chị vẫn không thấy bệnh thuyên giảm, mà còn có chiều gia tăng. Đang trong lúc chán nản, chị được người quen giới thiệu đến tìm hiểu và mua thuốc Nam ở làng An Nhơn. Thật lạ, sau chỉ 2 tháng uống thuốc của người Chăm, da dẻ chị khởi sắc trở lại, không còn phải nằm bẹp trên giường thường xuyên như trước nữa. Kể về giai đoạn khó khăn đó, chị tâm sự rằng: "Tưởng không còn cách nào chữa hay hơn, đang tính chuyện về Sài Gòn tìm cơ hội mới thì bắt gặp được bài thuốc quý này. Vừa rồi đi tái khám bác sỹ kêu các chỉ số phát triển bệnh đã giảm 50%, như thế cũng là tuyệt diệu lắm rồi. Cái hay của những người bán thuốc ở Cà Đú là họ bán ít một, uống chuyển bệnh thì mới bán tiếp, giá thì lại rất rẻ nên sau khi giảm bệnh tôi còn giới thiệu cho nhiều người đến An Nhơn mua thuốc nữa đấy”. 

Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý nóng lòng muốn mua thuốc tốt của bệnh nhân nên đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng bài thuốc bí truyền này. Theo điều tra của chúng tôi, có một số người Chăm lẫn người Kinh lợi dụng thương hiệu làng thuốc An Nhơn dùng nhiều chiêu để câu kéo khách. Mới đây, chúng tôi bắt gặp một số người ăn mặc trang phục người Chăm thường xuyên bán thuốc dạo ngay tại ngã 5 Phan Rang đoạn rẽ đi TP.Đà Lạt. Tiếp xúc một đối tượng là nữ, khi hỏi về chứng chỉ hành nghề thì người này nói bỏ quên ở nhà. Mặc dù chỉ với một toa thuốc bao gồm nhiều thứ rễ cây hợp lại nhưng các đối tượng này vẫn hào sảng tuyên bố có thể chữa được 5 loại bệnh nan y. Sau khi trao đổi giá cả, người phụ nữ này cho biết: Trị giá mỗi thang thuốc là 40.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ uống thuốc theo từng thang một và ngắt quãng thì sẽ không bao giờ có hiệu quả và còn có tác dụng phụ rất nguy hiểm. Bởi vậy, muốn bệnh lành hẳn, người bệnh phải mua ít nhất là 35 thang với tổng số tiền hơn một triệu đồng. Các loại thuốc này hoàn toàn khác ở An Nhơn. 
              
Quyết xây dựng thương hiệu

Chủ tịch xã Xuân Hải - ông Trần Ngọc Phận, cho biết: "Chính quyền địa phương hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện để An Nhơn nhanh chóng được công nhận là thương hiệu làng nghề thuốc Nam truyền thống. Phần lớn nhân dân các thôn An Nhơn, An Phước lâu nay đều sống bằng nghề thuốc. Khi làng thuốc Nam này có thương hiệu thì bà con chẳng cần đi xa, mà người ta sẽ tìm đến”. Cũng theo UBND xã Ninh Hải, vài năm trở lại đây, dự án về bảo tồn cây thuốc, bảo tồn nghề thuốc Chăm được thúc đẩy ráo riết. Đây là chủ trương của nhiều cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận. Nếu dự án thành công thì đây là mô hình trình diễn bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của người Chăm Ninh Thuận.
                                                                                           Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.506.097
Tổng truy cập: