ẨM THỰC & ĐÔNG Y
(43) -Ẩm thực Hội An trong mắt một nhà nhân học nước ngoài
(Ngày đăng: 14/04/2024   Lượt xem: 60)

“Bạn biết tất cả - nhưng bạn không hiểu người Việt”: Nhà nhân học nước ngoài nghiên cứu thực hành ẩm thực ở Hội An đó là chủ đề tọa đàm khoa học vừa diễn ra tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại tọa đàm, các học giả trao đổi những vấn đề về phương pháp luận qua hành trình lựa chọn địa điểm nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hội An của GS. Nir Avieli.

Toàn cảnh tọa đàm “Bạn biết tất cả - nhưng bạn không hiểu người Việt”: Nhà nhân học nước ngoài nghiên cứu thực hành ẩm thực ở Hội An.


Đi tìm “cái tạng riêng của mình”

Trước khi đến Việt Nam vào năm 1993, GS. Nir Avieli (Khoa Xã hội học và Nhân học, Đại học Ben-Gurion Negev, Israel) đã có thời gian dài ở Trung Quốc để tìm hiểu đất nước này. Thế nhưng, Việt Nam là nơi vị giáo sư người Israel cảm thấy gắn bó và thuộc về. Đến Hà Nội rồi bén duyên với Hội An (Quảng Nam), ông miêu tả Hội An trong ký ức của mình rất phổ biến với nghề điêu khắc, may quần áo, làm đèn lồng, làm gốm để xây nhà và buôn bán.

GS. Nir Avieli đến với Việt Nam bởi cơ duyên, còn đến với Hội An bởi tình yêu. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Võ Hồng Thu/Báo Phụ Nữ TP.HCM


Lý giải việc lựa chọn Hội An làm địa điểm nghiên cứu cho tác phẩm Rice Talks: Food and Community in a Vietnamese Town (NXB Đại học Indiana, 2012), GS. Nir Avieli cho rằng Hội An đủ lớn với những vấn đề phức tạp đương đại, đủ nhỏ để ông cảm nhận mọi biến chuyển của đời sống và là nơi lý tưởng cho một nghiên cứu dân tộc học ẩm thực vì sự phong phú, đa dạng của các món ăn nơi đây. GS. Nir Avieli tâm sự: “Trong nhân học, người ta thường gọi khu vực nghiên cứu là ‘thị trấn của tôi’, và Hội An trong tôi chính là ‘thị trấn’ như thế”.

PGS- TS. Đỗ Lai Thúy (Viện Nhân học Văn hóa) nhận định: “Tác giả Nir Avieli có tài trong việc lựa chọn địa điểm - Hội An mang trầm tích văn hóa lớn bởi mang dấu tích của nhiều tầng lớp dân cư khác nhau trong lịch sử như người Chăm, người Kinh, người Nhật, người Hoa. Vì nhiều lớp văn hóa chi phối lịch sử món ăn nên chúng thể hiện sự tiếp nhận và tiếp biến văn hóa, như ở Hội An gần như không có món Tàu nguyên bản. Đây là lựa chọn địa điểm chính xác, nghiên cứu một có thể luận ra mười”.

GS. Nir Avieli (Đại học Ben-Gurion Negev, Israel) trình bày trực tuyến.
Khi nghiên cứu ẩm thực Hội An, GS. Nir Avieli đã đặt ra hai nguyên tắc là ăn mọi món ăn ở những nơi khác nhau và nhận lời mời ăn: “Tôi luôn nghĩ về những món ăn và tự hỏi chúng được chế biến ra sao và trong không gian như thế nào. Sau khoảng 2 tháng, tôi có 300 ghi chép về các món ăn ở Hội An. Tuy nhiên, ăn uống cần phải thư thái, có như vậy mới mang lại sự thoải mái và hạnh phúc”.

Thưởng thức đặc sản Hội An khiến ông nhận thấy những điểm độc đáo trong ẩm thực Việt. Đằng sau cách sử dụng nguyên liệu tươi, cách dùng nước mắm khác biệt với miền Nam Trung Quốc hay Campuchia và sự phức tạp trong nêm nếm gia vị đầy lớp lang là sự hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, giai cấp và quan niệm về giới.

Ông phát hiện chính thái độ sống lạc quan thể hiện qua không gian ăn uống đã làm nên chiều kích ẩm thực Hội An nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung: “Người Việt Nam hay tụ tập café với bạn bè trong trạng thái vui vẻ. Sống trong bầu không khí hiền hòa ấy sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn và hài lòng với cuộc sống. Điều này khác với đất nước Israel khi chúng tôi đang trải qua chiến tranh”.

Ẩm thực Hội An trong mắt một nhà nhân học nước ngoài

GS. Nir Avieli đã sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học, tức tiếp cận cộng đồng qua quan sát tham dự vào đời sống người dân. Qua góc nhìn của một nhà nhân học nước ngoài nghiên cứu ẩm thực của một dân tộc khác, văn hóa ẩm thực Hội An hiện lên đầy mới lạ và hấp dẫn: “Bằng con mắt người nước ngoài không thể tránh khỏi hai điểm: một là hiểu lầm; hai là chuộng lạ (exotisme). Sau khi quan sát tham dự tại Hội An, tác giả đã chuyển lại thành các câu chuyện hấp dẫn”, PGS. Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh dấu ấn chủ thể trong nghiên cứu của GS. Nir Avieli.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS. Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây người ta quan niệm nghiên cứu nhân học theo lối thực chứng, đòi hỏi mô tả trung thực và khách quan, nên phản đối các tác phẩm nghiên cứu có cá tính của nhà nhân học, mặc dù nó tạo ra sức hấp dẫn văn chương. Nhưng một khi chấp nhận tính chủ quan trong việc diễn giải của nhà nhân học, thì có thể thấy rõ ràng điều quan trọng nhất, không phải là tái hiện sự tồn tại đúng nhất, chân lý tuyệt đối, mà là chạm đến sự tồn tại sinh động nhất của cộng đồng nghiên cứu, như vậy, mới cung cấp những góc nhìn mới mẻ”.

PGS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, bình luận về nghiên cứu của GS. Nir Avieli.


Ngoài ra, PGS. Đỗ Lai Thúy cũng đề cập tới đóng góp của GS. Nir Avieli trong việc sử dụng triết lý âm dương và ngũ hành trong nghiên cứu bữa cơm Hội An: “Theo công thức của GS. Trần Quốc Vượng, trong mâm cơm người Việt thường có cơm, rau và cá. Vì ở gần biển nên yếu tố cá trong bữa cơm Hội An nhiều hơn so với đại đa số người Việt, tạo nên sự lệch chuẩn với ẩm thực Việt vốn thiếu chất đạm trong bữa ăn.

Từ xưa đến nay, người Việt luôn đặt tiêu chí ngon (thỏa mãn về vị giác) và lành (tốt cho sức khỏe) vào vị thế quan trọng, thể hiện qua câu ca dao: ‘Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng’. Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố lành ‘con gà’, ‘con lợn’, ‘con chó’ với những nguyên liệu tự nhiên ‘lá chanh’, ‘hành’, ‘riềng’ đã tạo nên vị ngon trong bữa ăn theo quan niệm của người Việt. Sử dụng triết lý âm dương và ngũ hành để đáp ứng tiêu chí trên, GS. Nir Avieli đã chứng minh những món ăn Hội An đại diện cho yếu tố hành nào trong ngũ hành (hỏa, thổ, kim, thủy, mộc). Đó là nét đặc sắc trong công trình khoa học của tác giả”.

Khi được hỏi về sự thay đổi nhanh của Hội An ngày nay có khiến GS. Nir Avieli nghĩ khác về kết quả công trình nghiên cứu hay không, diễn giả chia sẻ rằng những đổi thay chỉ là dạng thức bề mặt, còn cốt lõi văn hóa thay đổi chậm hơn, ít nhiều trong khoảng 10 năm. PGS-TS. Phạm Quỳnh Phương (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội) giải thích thêm đây là một đặc trưng của nhân học, khác với xã hội học hướng đến khách quan và tính đại diện, thì nhân học chú trọng sự diễn giải cụ thể trong một thời điểm cụ thể nào đó, như đối với Nir Avieli là Hội An của thời điểm 10 năm trước.

Tập thể cán bộ, sinh viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội và đại biểu khách mời chụp ảnh sau tọa đàm.


Qua những chia sẻ của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm, người tham dự nhận thấy vai trò quan trọng của dấu ấn nhà nhân học, đặc biệt là nhà nhân học nước ngoài, trong nghiên cứu và tri thức về ẩm thực Hội An thông qua những trải nghiệm của nhà nhân học Israel Nir Avieli.

                                      Theo:  nguoidothi.net.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.480.951
Tổng truy cập: