CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Thiết kế - linh hồn của sáng tạo
(Ngày đăng: 26/11/2023   Lượt xem: 25)

“Dòng chảy” - chủ đề chính của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đang là tâm điểm của các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Tiếp nối và sáng tạo trên nền giá trị truyền thống chính là linh hồn của mỗi sản phẩm văn hóa, văn nghệ, trong đó, thiết kế được nhận diện là khâu quan trọng nhất.

HTX Tơ lụa Mã Châu đang kết hợp cùng nhiều nhà thiết kế để đưa sản phẩm thủ công truyền thống đi vào một đời sống khác. Ảnh: Y.N
HTX Tơ lụa Mã Châu đang kết hợp cùng nhiều nhà thiết kế để đưa sản phẩm thủ công truyền thống đi vào một đời sống khác. Ảnh: Y.N

Tạo dựng cộng đồng sáng tạo

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 (từ 17- 26/11) dành thời lượng tối đa cho hoạt động của những nhà thiết kế, nhà sản xuất, thợ thủ công, làng nghề thủ công, sinh viên ngành thiết kế trên khắp cả nước.

Lễ hội được nhìn nhận là cơ hội để những người làm nghề thiết kế sáng tạo cả chuyên nghiệp và không chuyên chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe, học hỏi, phát triển các ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng.

Hàng loạt hoạt động trải nghiệm, thực hành nghệ thuật sáng tạo gần như mang đến một bức tranh khá toàn diện về ngành công nghiệp văn hóa đang trỗi dậy tại Việt Nam.

Hành trình dệt gấm thêu hoa

Đây là chủ đề cuộc thi Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024 dự kiến sẽ tổ chức chung kết tại Hội An vào năm sau. Cuộc thi hướng tới đề cao những giá trị truyền thống, trang phục truyền thống; đồng thời gìn giữ, phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề lụa. Văn hóa ba miền, làng nghề sẽ được ban tổ chức lồng ghép vào các phần thi, các phần trình diễn trong khuôn khổ cuộc thi. Nhà thiết kế Võ Việt Chung - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, lựa chọn Hội An vì tại đây có nhiều lễ hội và nhiều làng nghề truyền thống. Dự kiến, cuộc thi Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024 nhận hồ sơ dự thi từ nay đến hết 15/5/2024. Đêm chung kết tại Hội An sẽ tổ chức vào cuối tháng 5/2024. Đây cũng sẽ là cơ hội để các làng nghề truyền thống của Quảng Nam quảng bá bản sắc của mình.

Năm thứ 4 sau khi được công nhận là “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, Hà Nội đã từng bước hiện thực hóa những cam kết của mình khi được trao danh hiệu.

Sự kiện tuần văn hóa thiết kế sáng tạo đã định danh cho một Hà Nội là nơi hội ngộ của các nhà thiết kế. Trong đó, riêng ở lễ hội lần này, Hà Nội đã hình thành tổ hợp nghệ thuật sáng tạo độc đáo mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật, những giấc mơ khởi đi từ dòng chảy truyền thống đang từng bước hình thành.

Một cộng đồng sáng tạo đã được hình thành từ chính các cuộc hội ngộ này. Các thiết kế từ nghệ thuật đương đại đến nghệ thuật ứng dụng đã tiến gần với công chúng hơn. Từ đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường sáng tạo Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ.

Và trên hết, qua các thông tin từ các hội thảo, tọa đàm, các nhà thiết kế sáng tạo đều cho rằng, đề cao yếu tố bản địa, bản sắc văn hóa trong các thiết kế sáng tạo cộng đồng là điều luôn phải được ưu tiên.

Hướng tới câu chuyện làng nghề

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, cũng là dịp nhìn nhận lại các mẫu thiết kế sản phẩm thủ công truyền thống tại các làng nghề.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, nếu nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ thì tầm 2 năm trở lại đây, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng nâng cao.

Thống kê từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đưa ra, hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng.

“Lý do chính là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm. Nguyên nhân là do tính thực hành trong quá trình đào tạo không được tiếp cận nhiều, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hoặc thiết kế có tính khả thi trong quá trình chế tác sản xuất nhưng chưa thể sản xuất số lượng lớn” - chuyên gia của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhìn nhận.

Khuyến nghị phải đổi mới mẫu mã trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu văn hóa thế giới trong từng loại sản phẩm, từng sản phẩm được đặt ra. Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Thu - cơ sở mộc nghệ Vân Long (xã Tam An, huyện Phú Ninh) cho rằng, mỗi sản phẩm thủ công truyền thống phải mang dấu ấn riêng của người nghệ nhân. Trong đó, cùng với kỹ thuật tay nghề, thiết kế ban đầu mang đến cho sản phẩm linh hồn, giá trị riêng.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 96 hợp tác xã (HTX) và 61 tổ hợp tác tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng của các làng nghề truyền thống.

Trong số này, có rất nhiều tổ hợp tác, HTX hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của làng nghề, từ HTX Nước nắm Cửa Khe, HTX Dệt tơ lụa Mã Châu, HTX Dệt thổ cẩm Zara huyện Nam Giang...

Hơn 23 nghìn lao động thường xuyên và hơn 3 nghìn lao động không thường xuyên tham gia các công đoạn sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Dù liên tục cải tiến, nhưng điểm yếu của sản phẩm truyền thống của Quảng Nam vẫn gặp phải ở khâu thiết kế. Nhiều mẫu mã đã không thay đổi trong suốt thời gian dài.

Một sự kết hợp giữa các nhà thiết kế chuyên nghiệp và các doanh nghiệp làng nghề là điều Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam đang tính toán. Hướng vào từng đối tượng khách hàng để có các mẫu mã thiết kế tương ứng, thậm chí mang đến công năng sử dụng đa dạng của sản phẩm thủ công truyền thống là điều cần chú trọng. Để làm được điều này, cần có một thế hệ trẻ tài năng, nhanh nhạy với thị trường, có kiến thức vững chắc về mỹ thuật và thiết kế...

                                  Theo:  baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.491.331
Tổng truy cập: