CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
(92)- Sáng tạo từ truyền thống: Không hề dễ
(Ngày đăng: 14/03/2024   Lượt xem: 23)

Kho tàng các giá trị thẩm mỹ và biểu tượng truyền thống - tạm gọi vậy - của Quảng Nam rất tiêu biểu và phong phú. Tuy nhiên, trong các sáng tác nghệ thuật đương thời, những giá trị hiện diện khá ít ỏi.

Tác phẩm “Cô gái Trà Kiệu” của Phan Cẩm Thượng.
 

Tác phẩm “Cô gái Trà Kiệu” của Phan Cẩm Thượng.

Những khái niệm như “dân gian đương đại”, “lấy cảm hứng từ truyền thống”, “phát huy giá trị truyền thống trong nghệ thuật đương đại”… nghe thì rất dễ, nhưng thực tế khó để thực hiện.

Cảm hứng từ... vũ nữ Trà Kiệu

Đáng lý các điệu múa trong điêu khắc - phù điêu cổ của Chăm, điển hình như “vũ nữ Trà Kiệu”, có thể trở thành mô-típ lớn cho nhiều sáng tác điêu khắc, hội họa.

Thế nhưng, từ giữa thế kỷ 20 đến nay, trên bình diện cả nước, những tác giả khai thác các mô-típ Chăm rất ít. Tiếp cận Mỹ Sơn, nhiều nhất có lẽ là nhiếp ảnh. Nhưng các tác phẩm tiêu biểu, vươn tầm ghi chép hiện thực để tạo ra ý niệm mới, câu chuyện mới cũng không nhiều.

Sáng tạo từ cảm hứng văn hóa Chăm xưa nay có lẽ thành công nhất là nghệ thuật múa. Biên đạo Đặng Hùng với tác phẩm múa “Khát vọng”, sáng tạo từ cảm hứng của tượng như Apsara, Shiva và 8 thế tay, 4 thế chân của múa cung đình Chăm. Năm 2001, tác phẩm này nhận được Giải thưởng nhà nước và được nhiều nơi dàn dựng lại.

Gần như cùng thời với Đặng Hùng và mở rộng ra văn hóa Chăm cả miền Trung, còn có nhà vũ đạo Lê Ngọc Canh, các biên đạo múa Phạm Minh Phương (tác phẩm múa “Những cánh hoa Chàm”), Thu Vân (Huyền thoại Ganesa), Phùng Nhạn (Đêm tháp cổ), Võ Thọ Thái (Gốm thắm tình người)…

Chỉ riêng thập niên 1990, đã có khoảng 40 tác phẩm múa lấy cảm hứng từ điêu khắc - phù điêu cổ của Chăm, trong đó có các biểu tượng múa nổi tiếng ở Quảng Nam.
 
Năm 2021, sau hàng chục năm quan sát Mỹ Sơn và Vũ nữ Trà Kiệu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã sáng tác “Cô gái Trà Kiệu” (màu tự nhiên trên giấy dó, 60 x 120cm).

Tác phẩm “Vũ điệu Chămpa” của Võ Ngọc Lân. Ảnh: NVCC

Từ Apsara mình trần, đeo trang sức khi múa thời trung đại, Phan Cẩm Thượng vẽ thành khăn ô vuông đen trắng rất phổ biến trong trang phục Chăm và Khmer về sau này. Ông quan niệm con người từ thời Trà Kiệu đến nay, cả 10 thế kỷ, không thay đổi nhiều về sắc vóc, chỉ thay đổi chủ yếu về trang phục, về thần thái.

Ở Quảng trường 24/3, TP. Tam Kỳ có trưng bày tác phẩm “Vũ điệu Chămpa” (2015, cao 200cm, không tính đế) của nhà điêu khắc Võ Ngọc Lân. Anh sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng là người con của Quảng Nam.

Tác phẩm “Vũ điệu Chămpa” của Lân lấy cảm hứng từ vũ nữ Trà Kiệu, với những biến thể bay bổng, tự do. Xem tác phẩm này, dường như được gặp những vũ nữ Chăm thời nay, trong sắc phục mới, diện mạo mới.

Bắc nhịp cầu từ đôi mắt

Nhà điêu khắc Đỗ Xuân Diệu mấy chục năm nay sống tại TP.Hồ Chí Minh nhưng là người con của Hội An. Anh xuất thân trong gia đình có nhiều người làm về mỹ thuật và nghiên cứu. Do vậy, không khó hiểu khi Đỗ Xuân Diệu luôn đau đáu về các biểu tượng kiến trúc truyền thống của nơi này.

Trong các biểu tượng đó, anh chú ý đến mắt cửa của các nhà người Hoa ở Hội An, với khoảng 20 kiểu khác nhau. Tuy là một thành tố du nhập vào kiến trúc Việt Nam, nhưng khi đến Hội An, mắt cửa đã có những tiếp biến để trở thành biểu tượng đặc trưng của nơi này.

Một trong các tiếp biến đó là dùng hoa cúc 6 cánh hoặc 8 cánh xoáy tròn. Hoa cúc là biểu tượng có tính vương giả đặc trưng của Việt Nam, nhìn thấy từ trống đồng thời Đông Sơn cho đến nhà Nguyễn. Từ cảm hứng này, Đỗ Xuân Diệu làm nên tác phẩm điêu khắc “Mắt cửa” (2008, 120 x 140cm, không tính đế).

Tác phẩm “Mắt cửa” của Đỗ Xuân Diệu. Ảnh: Khiếu Thị Hoài

Tác phẩm tạo hình từ hoa cúc 8 cánh xoáy tròn, giữa là một “khuôn gió” vuông tròn - tạm gọi vậy - đã thành logo, biểu tượng của Hội An thời du lịch. Tác phẩm hiện được trưng bày lâu dài tại Bảo tàng Hội An.

Người dân Tam Kỳ cũng dễ dàng nhận ra trong vườn tượng điêu khắc trưng bày tại Quảng trường 24/3, có tác phẩm mang tên “Mắt biển” (2015, cao khoảng 140cm, không tính đế). Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Văn Dân, đến từ Quảng Ngãi.

Ông lấy hình tượng vỏ sò để tạo nên con mắt nhìn ra biển, canh giữ biển. Đó là cảm hứng trực tiếp, còn gián tiếp, khi xem “Mắt biển” vẫn có thể nghĩ đến mắt cửa ở Hội An, cũng có chức năng canh giữ như vậy. Lấy cảm hứng gián tiếp, hoặc từ vô thức, là những cách tiếp cận thường gặp trong nghệ thuật đương thời khi bắc nhịp cầu về truyền thống.

Làm sao dung hợp?

“Điểm nhãn” vài tác phẩm lấy cảm hứng từ các giá trị truyền thống, so với kho tàng Việt Nam đang sở hữu, vẫn thấy quá ít ỏi. Có phải do khó lấy cảm hứng sáng tạo?

Thực tế sáng tác và tiếp nhận cho thấy có hai lý do chính. Đầu tiên là tâm lý ngại bị so sánh của giới sáng tác. Bởi, khi dựa trên điều có thật, thì làm kiểu gì cũng bị so với nguyên mẫu. Trong đó, xu hướng bị chê xấu hơn là phổ biến.

Tác phẩm Mắt biển của Phạm Văn Dân. Ảnh: HD

Chính vì vậy, đa số tác giả, dù yêu quý vốn cổ, cũng thường chọn cách lấy cảm hứng gián tiếp, hương xa, để được an toàn hơn, tự do hơn.

Nhiều tác giả cũng ý thức ngay từ đầu rằng vốn cổ đã có giá trị tự thân, trường tồn theo năm tháng, nên cách tốt nhất là “kính nhi viễn chi”. Chưa nói, để nhận diện hoặc định nghĩa thế nào là tác phẩm phái sinh, thế nào là đạo nhái, cũng là việc khá rắc rối, đôi khi phụ thuộc nhiều vào cảm tính.

Thứ hai, đó là những phản ứng trực tiếp từ phía các đại diện cho truyền thống. Có một phim về người Chăm đã bị người Chăm khởi kiện, buộc cấm chiếu, cũng từng xảy ra. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ, riêng có ở Việt Nam, mà nhiều nơi trên thế giới cũng có.

Điều này có cái hay là giúp bảo vệ tương đối nguyên vẹn các giá trị truyền thống, nhưng cũng vô tình ngăn cách các sáng tạo đương thời. Nếu xem văn hóa là một chỉnh thể bất biến, thì cách làm này đúng. Nhưng nếu xem văn hóa là tiếp biến, sống động, là có sinh ra và mất đi, thì cách khư giữ này chưa thật ổn.

Cả đôi bên đều cần cách nghĩ khác, tiếng nói khác, để làm sao liên thông, dung hợp, là tốt nhất.

                                   Theo:  baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.474.669
Tổng truy cập: