CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
(29-33)- Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Hà Nội phấn đấu về đích sớm 1 năm
(Ngày đăng: 02/05/2024   Lượt xem: 42)

Hà Nội đặt mục tiêu đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu này dự kiến sẽ hoàn thành sớm 1 năm nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của TP, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ban ngành ở địa phương và các chủ thể OCOP.

3 năm liên tiếp vượt chỉ tiêu

Tại quận Long Biên, Công ty TNHH Hương Việt Sinh được xem là điểm sáng trong phát triển sản phẩm OCOP. Trung tuần tháng 4/2024, DN này đã có tổng số 10 sản phẩm giò, chả ruốc, mọc các loại được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao.

“Trong những năm qua, DN luôn chú trọng và đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Việc có 10 sản phẩm được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt 4 sao OCOP là sự động viên, khích lệ rất lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển…” - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hương Việt Sinh Phạm Quang Hoàn cho biết.

Không chỉ có Công ty TNHH Hương Việt Sinh, trong tháng 4 vừa qua, 31 chủ thể khác đến từ 20 quận, huyện, thị xã, cũng có sản phẩm được UBND TP Hà Nội trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Tổng số sản phẩm OCOP 4 sao được công nhận mới của năm 2023 là 104 sản phẩm.

3 huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì là những địa phương có nhiều sản phẩm được chứng nhận trong đợt này nhất, với mỗi huyện có 12 sản phẩm. Một số địa phương khác có số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao nhiều kế tiếp có thể kể tới là Ba Vì, Nam Từ Liêm và Long Biên, mỗi địa phương này có 10 sản phẩm.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại một sự kiện tổ chức giữa tháng 4/2024. Ảnh: Lâm Nguyễn

Ngoài 104 sản phẩm OCOP được chứng nhận OCOP 4 sao cấp TP, trong năm 2023, 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng đã đánh giá, phân hạng được 440 sản phẩm OCOP 3 sao. So với kế hoạch 400 sản phẩm, năm 2023, TP đã đánh giá phân hạng vượt đến 144 sản phẩm (bao gồm cả sản phẩm OCOP 3, 4 sao).

Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp (2021 - 2022 - 2023) TP hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra là bình quân mỗi năm có 400 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP.

Đạt 83% chỉ tiêu của giai đoạn 2021 - 2025

Theo Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, từ năm 2021 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được 1.657 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 742 sản phẩm 4 sao, 914 sản phẩm 3 sao. Con số này hiện đã đạt gần 83% kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Tính chung từ khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành, lũy kế từ 2019 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được tổng số 2.711 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Kết quả trên đưa Hà Nội trở thành điểm sáng, đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Điều đáng khích lệ, Chương trình OCOP của Hà Nội đã và đang thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo chủ thể thuộc các thành phần kinh tế. Tính riêng trong năm 2023, đã có 200 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Thành phần chủ thể cũng rất đa dạng với 56 DN, 36 hợp tác xã, còn lại là các hộ sản xuất - kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP, ngay từ những tháng đầu năm 2024, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát để đăng ký, có định hướng hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2024.

“Thống kê đến nay, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng đối với 510 sản phẩm. So với mục tiêu 2.000 sản phẩm của cả giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP của Hà Nội dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch ban đầu đề ra của Chương trình OCOP sớm trước 1 năm” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.

Để OCOP luôn là thương hiệu mạnh

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển về số lượng sản phẩm, TP Hà Nội cũng rất quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Điều này được xem là có ý nghĩa rất lớn trong việc gia tăng lợi ích, khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP.

Giám đốc Công ty CP Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Mai cho biết, sau 3 năm tham gia Chương trình OCOP, DN đã có 14 sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao. Cùng với việc được gắn logo một thương hiệu mạnh lên mỗi sản phẩm, công ty cũng thường xuyên được tạo điều kiện tham gia các sự kiện, hội chợ, tuần hàng xúc tiến thương mại.

“Nhờ có thương hiệu OCOP và thường xuyên góp mặt tại các chương trình xúc tiến thương mại do TP Hà Nội tổ chức, sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng khắp cả nước biết đến. Hiện, các sản phẩm từ sữa của chúng tôi đã có mặt trên 63 tỉnh, TP của cả nước, xuất khẩu được sang nước bạn Lào. Doanh thu hàng năm tăng khoảng 20%...” - bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp phát triển được 105 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo động lực sản xuất - kinh doanh cho các chủ thể.

Về phát triển những Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội, đến hết năm 2023, đã có 10 trung tâm đang hoạt động có hiệu quả tại các huyện và quận Hà Đông. Năm 2024, TP dự kiến đưa từ 5 - 10 trung tâm mới đi vào vận hành.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, TP xác định đưa Chương trình OCOP về đích sớm 1 năm so với kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Muốn làm được điều này, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn; hỗ trợ chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng.

Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có), bảo vệ và phấn đấu để OCOP luôn là thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến, tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Nhằm thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc biệt là sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến (online). Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm khuyến khích các chủ thể đổi mới sáng tạo, tích cực tham gia phát triển thêm nhiều sản phẩm mới…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến

                                                  Theo:  kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.416
Tổng truy cập: