DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(43)- Bảo vệ Danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển KT-XH
(Ngày đăng: 12/07/2023   Lượt xem: 100)

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng.

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Nguồn: TTXVN)

Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Nguồn: TTXVN)

Việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn nhằm hướng đến mục tiêu quản lý và bảo vệ Danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ du lịch.

Đây là một trong những nội dung của quyết định số 822/QĐ-TTg về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/7/2023.

Theo quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Ranh giới lập quy hoạch gồm Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

Quy hoạch sẽ là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái của khu vực danh lam thắng cảnh.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung.”

Đồng thời, quy hoạch còn nhằm mục tiêu xác định ranh giới và các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn; tạo cơ sở để quản lý và cắm mốc giới, phân khu chức năng, xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực bảo vệ của danh thắng, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái và các phân khu chức năng khác.

Ngoài ra, định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp và xây mới) phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.

Cùng với đó là định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Danh thắng Ngũ Hành Sơn và khu vực vùng đệm gắn với phát triển du lịch bền vững.

Đây còn là căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực danh thắng và các khu vực liền kề; lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.

Nội dung quy hoạch gồm Quy hoạch phân khu chức năng; Quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan; Định hướng phát triển du lịch; Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư; Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch.

Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực Danh thắng Ngũ Hành Sơn theo hồ sơ quy hoạch được duyệt; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn vào hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng phù hợp với từng thời kỳ.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thu hồi đất, để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ và thực hiện các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế-xã hội của địa phương; phê duyệt các nhóm dự án thành phần, trên cơ sở quy hoạch được duyệt; quản lý hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới theo Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung tài liệu, cứ liệu khoa học về Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn, làm căn cứ để thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần, theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng kế hoạch.

Sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm rà soát nội dung Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn, tên thường gọi là Danh thắng Ngũ Hành Sơn nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Danh xưng này có từ năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là Kim Sơn-Mộc Sơn-Thủy Sơn-Hỏa Sơn-Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có hai ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.

Tuy nhiên, người dân địa phương còn gọi cụm núi này với những cái tên như: hòn Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay-vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có năm ngón cắm xuống đất).

Ngũ Hành Sơn nằm ở khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km là điểm đến được du khách yêu mến trên hành trình tham quan các vùng đất thuộc con đường di sản miền Trung như Cố Đô Huế-Ngũ Hành Sơn-Phố cổ Hội An- Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn.

Bên cạnh đó, nơi đây còn có phong cảnh đẹp cùng nhiều hang động huyền bí như động Huyền Không, Huyền Vi, Vân Thông… hấp dẫn du khách đến tham quan, du lịch.

Từ đỉnh của Thủy Sơn, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên đặc sắc của toàn bộ núi Ngũ Hành Sơn và chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố từ xa được bao quanh bởi những bãi biển nên thơ. Hay khám phá núi Kim Sơn - nơi tọa lạc của ngôi chùa Quán Thế Âm, núi Mộc Sơn với khối đá Quan Âm cẩm thạch màu trắng bắt mắt.

Đến Ngũ Hành Sơn, du khách không nên bỏ lỡ Động Huyền Không, đây là hang động lộ thiên, một trong những hang động đẹp nhất của Ngũ Hành Sơn. Khi ánh sáng chiếu vào động sẽ tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo, khiến du khách có cảm nhận như mình đang lạc bước vào tiên cảnh.

Ngoài ra, đây là điểm đến thu hút du khách cầu nguyện tài lộc ở đền bà Chúa Tiên và cầu bình an, sức khỏe tại đền Chúa Thượng Ngàn.

Sau khi tham quan xong Ngũ Hành Sơn, du khách có thể ghé thăm làng đá Non Nước, làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ nổi tiếng ở Đà Nẵng. Tại đây, du khách sẽ được chìm đắm trong thế giới điêu khắc nghệ thuật giữa những tác phẩm với vẻ đẹp tinh tế được tạo ra bởi bàn tay sáng tạo của nghệ nhân./.

                                             Theo;  vietnamplus.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.502.509
Tổng truy cập: