DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
(70)- Nghề làm đũa tre và những thăng trầm
(Ngày đăng: 05/05/2024   Lượt xem: 63)

Nghề làm đũa tre không biết có tự bao giờ, nhưng đến nay, nhiều hộ gia đình tại ấp Trường Phước, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành là những người kế thừa nghề này của ông bà, cha mẹ để lại làm kế sinh nhai.

Ông Lợi đốn tre tại một vườn ở xã Suối Dây, Tân Châu

GẮN BÓ LÂU ĐỜI

Ông Nguyễn Hữu Đức (56 tuổi) cho biết, gia đình ông là một trong những gia đình khởi sự đầu tiên nghề làm đũa tre, rồi chia sẻ cho những gia đình trong xóm cùng làm để có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Đức kể, lúc đó công việc làm thuê làm mướn không nhiều, các gia đình trong xóm nhà nào cũng trồng tre mạnh tông quanh nhà, ba mẹ ông nảy ra sáng kiến làm đũa tre để bán. Lúc đầu, những thẻ tre được vót bằng chiếc mác có cán dài khoảng 30 cm, lưỡi mác dài 20 cm, cầm rất nặng tay nên gia đình ông tự chế ra chiếc mác vót mới. Đầu tiên là chiếc mác được làm bằng lưỡi cưa sắt, được ba ông mài tay tạo lõm tròn để vót những chiếc đũa tre tròn và đều tăm tắp như nhau.

Sau đó, khi biết những sạp bán vải ngoài chợ có lưỡi dao rọc vải mỏng, bén, ba mẹ ông hỏi mua lại về mài thành mác vót đũa và bán cho các hộ cùng làm đũa trong xóm dùng. Nhờ chiếc mác vót tay nhỏ gọn, sắc bén nên số lượng đũa vót ra trong ngày nhiều và đẹp hơn trước.

Ông Đức cho biết thêm, ngày nay người dân trong xóm họ chuộng thêm lưỡi mác làm từ dao rọc giấy. Các lưỡi dao vót làm từ hai loại này sử dụng rất bền, khi nào bị mòn họ lại mang đến để ông mài lưỡi mới trên thanh dao cũ. Mỗi thanh dao có thể mài được 4 lưỡi vót, bây giờ mài lưỡi vót đã có máy tua hỗ trợ, mỗi lần khách đến mài, ông Đức lấy phí 3.000 đồng/lưỡi.

Còn với anh Trần Thành Trọng (49 tuổi), một trong những hộ làm đũa tre lâu đời của ấp Trường Phước cho biết, từ lúc anh sinh ra đã thấy ba mẹ làm nghề này. Nghe ba mẹ kể lại, thấy xóm trên người ta làm đũa tre có thu nhập khá nên học và bắt đầu làm nghề cho đến nay.

Thời ấy nhà nào cũng có một bụi tre mạnh tông quanh nhà, sau khi đốn tre làm đũa hết thì mới sang xóm khác tìm mua. Từ khi ấp Trường Phước bắt đầu đô thị hóa, đường sá mở rộng, nhà nhà bán bớt đất, chặt bỏ tre cất nhà nên bây giờ trong ấp không có nhiều nhà còn tre mạnh tông như trước.

Chiếc mác vót đũa được ông Đức tận dụng để vót thêm đũa bếp.

Giờ đây, những khu vực có đất rộng, người ta lập vườn trồng tre mạnh tông lấy măng nên nguồn tre làm đũa dồi dào hơn trước rất nhiều. Gia đình anh Trọng chủ yếu là mua tre mạnh tông đã chặt sẵn về vót đũa. Vì gắn bó với nghề lâu năm nên anh Trọng dễ dàng nhận ra đâu là tre vườn trồng bán lấy măng, đâu là tre mạnh tông trồng tự nhiên.

Tre mạnh tông trồng tự nhiên thường không bón phân, tưới nước, khi tre già, thân tre có nhiều đốm trắng chi chít, phần lõi tre sẫm màu hơn tre trồng lấy măng bán. Mỗi khi vót lớp cật tre bên ngoài, phần sẫm màu hiện lên làm chiếc đũa trông rất đẹp. Tre càng già, đũa càng đẹp. Nếu phơi đủ nắng, chiếc đũa lên màu, trông cứng cáp đẹp mắt và không bị mốc, mọt đục khoét.

Bây giờ cuộc sống hiện đại, một số vùng lân cận sử dụng máy móc để làm đũa nhằm tiết kiệm thời gian và công sức, số lượng đũa làm ra cũng được nhiều hơn so với việc vót đũa tre truyền thống. Anh Trọng nói: “Đũa tre được vót từ máy không đẹp như đũa vót bằng tay. Vì khi vót đũa, tùy độ già của tre mà người thợ dùng lực nhiều hay ít để vót đi lớp cật tre bên ngoài, làm sao để lớp kế cận thể hiện hết phần đẹp đẽ của nó. Còn máy móc được lập trình sẵn, tre nào nó cũng làm một thao tác với một lực như nhau”.

THĂNG TRẦM VỚI NGHỀ

Dù người dân trong ấp gắn bó với nghề đũa tre đã lâu, nhưng không phải lúc nào nghề làm đũa tre cũng mang lại nguồn thu nhập khá. Nghề làm đũa tre trong ấp cũng trải qua những giai đoạn “đũa làm ra không có người mua”, nhiều người trong ấp Trường Phước bỏ nghề vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Lợi (62 tuổi) cũng là một trong những người làm đũa lâu năm của ấp cho biết, 10 tuổi ông đã theo cha đi chặt tre cho gia đình vót đũa. Khi ông 21 tuổi, lập gia đình và bắt đầu khởi nghiệp riêng với nghề làm đũa từ đó. Thời ấy, người ta chuộng đũa một đầu nhúng màu và có vẽ hoa văn nên mỗi đôi đũa làm ra phải thuê thêm thợ vẽ.

Còn bây giờ, người tiêu dùng lại thích cái vẻ mộc mạc, hương thơm của tre chứ không thích màu mè như trước, nên thường mua số lượng nhiều để dành khi gia đình có đám tiệc lấy ra sử dụng. Nhờ đó, đũa tre của xóm nhà ông phủ sóng khắp các chợ trong tỉnh, rồi lan rộng ra các tỉnh miền Tây.

Một số thương lái còn thu mua rồi bán sang Campuchia. Vào những năm 2000- mà đỉnh điểm là năm 2014, đơn hàng đũa dồi dào, trong ấp người mua kẻ bán ra vô tấp nập. Đời sống của người dân từ đó cũng khấm khá lên. Số hộ tham gia làm đũa trong ấp ngày một đông đúc.

Chị Thúy gom những thẻ tre đã chẻ, bó lại để khách đến lấy về vót đũa.

Nhưng vài năm trở lại đây, nghề làm đũa tre bắt đầu bấp bênh. Đũa làm ra nhiều nhưng ít người mua. Nhiều thương lái ép giá nên nguồn thu lại không đủ hoàn chi phí bỏ ra. Nhiều tháng trời ông Lợi ngưng làm đũa nhưng rồi nhớ nghề, ông bắt đầu đi mua tre làm đũa lại.

Ông có 4 người con (2 trai, 2 gái), trong đó 2 người đã bỏ nghề làm đũa tre đi làm xí nghiệp, 1 người con trai chuyển sang mua đồ sắt, chỉ còn cô con gái 40 tuổi tiếp tục làm đũa. Xong việc nội trợ trong nhà, chị bắt đầu chẻ thẻ đũa cho những người trong xóm mua về vót đũa, phơi đủ nắng rồi tự đem ra chợ bán hoặc tự tìm người mua.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy- con gái của ông Lợi cho biết “Mỗi ngày tôi chẻ được 2 thiên thẻ đũa (mỗi thiên thẻ được người làm đũa tính là 1.000 đôi đũa). Thẻ thường tôi bỏ với giá 180 ngàn đồng/thiên, loại thẻ già 200 ngàn đồng/thiên cho người trong xóm mua về vót, phơi khô. Mỗi thiên đũa phơi xong, bó thành bó, họ bán với giá từ 500 ngàn đến 750 ngàn đồng/thiên. Tính ra lấy công làm lời, chứ thời gian nhàn rỗi, những người lớn tuổi ở đây cũng không biết làm gì”.

Ông Lợi cũng như nhiều gia đình trong ấp Trường Phước có nhiều trăn trở với nguồn thu nhập bấp bênh từ nghề làm đũa tre như hiện nay. Ông không biết thế hệ cháu mình sau này có còn tiếp tục duy trì nghề làm đũa tre truyền thống của cha ông để lại, hay nó vĩnh viễn mất đi, rồi mọi người chỉ nghe lại qua lời kể “thời đó, ấp Trường Phước cũng có một làng nghề làm đũa tre…”.

                                            Theo:  baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.904
Tổng truy cập: