DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn các giá trị văn hóa ở Mèo Vạc, Hà Giang
(Ngày đăng: 20/03/2015   Lượt xem: 531)

Huyện Mèo Vạc, mảnh đất được du khách trong và ngoài nước biết đến là nơi có nhiều giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Gàu tào của người Mông, Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày hay Lễ hội Cầu mưa, Múa trống của dân tộc Lô Lô và dân tộc Giấy.

Bên cạnh đó, sự độc đáo của những phiên chợ vùng cao – nơi chứa đựng đậm nét không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc đã thu hút sự quan tâm, trải nghiệm của nhiều du khách. Từ thế mạnh của văn hóa truyền thống đó cũng như tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn các phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của địa phương.

Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Xác định người dân chính là chủ thể của văn hóa và là người bảo tồn các di sản văn hóa một cách bền vững nhất, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã phối hợp với thị trấn Mèo Vạc, vận động những người cao tuổi có hiểu biết về văn hóa dân tộc, dân ca Lô Lô để mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày và ngay cả các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Mặt khác, các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố... được các nghệ nhân lớn tuổi truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, huyện còn chỉ đạo các đơn vị hữu quan đúc lại 2 chiếc trống đồng để phục vụ cho các lễ hội; tập trung sửa chữa nhà văn hóa thôn Lô Lô để làm địa điểm sinh hoạt tập trung cho các hoạt động văn hóa của bà con dân tộc Lô Lô.

Cùng với các hoạt động trên, những giá trị văn hóa phong phú, đa sắc màu của đồng bào các dân tộc còn được huyện gìn giữ và tái hiện trong các lễ hội những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, phong tục tập quán của đồng bào. Điều này đã tạo nên sức hút đối với du khách. Do vậy, xác định việc đánh giá đúng giá trị thực của văn hóa sẽ giúp cơ quan quản lý và người dân thực hiện công tác bảo tồn các di sản một cách hiệu quả nhất; thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh và duy trì tốt phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo đúng Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị. Đến cuối năm 2014, toàn huyện có 144/144 thôn, tổ dân phố đạt làng văn hóa; trên 6.400 gia đình đạt gia đình văn hóa. Cũng trong năm 2014, huyện đã khôi phục Lễ hội “Vỗ mông” và duy trì lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc và hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn. Mặt khác, huyện còn tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch như: Chợ tình Khau Vai; đỉnh Mã Pì Lèng; Làng Văn hóa du lịch Tả Lủng B, Sảng Pả A... để thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. “Gia đình tôi đã dọn dẹp nhà cửa, tạo cảnh quan sạch sẽ, sẵn sàng đón khách du lịch rồi. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho du khách nhiều thông tin về di tích Quốc gia Hang Rồng nữa. Được làm du lịch như vậy, chúng tôi vui lắm”, ông Vừ Mí Chá, thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc chia sẻ.

Ngoài các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp văn hóa bản địa đang có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch yêu thích sự khám phá. Họ đến Hà Giang, ngoài việc chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; những phiên chợ vùng cao và phong tục bản địa nguyên sơ của các dân tộc luôn là đề tài hấp dẫn, thôi thúc sự tìm hiểu, trải nghiệm của nhiều du khách. Tuy nhiên, cách bảo tồn, gìn giữ di sản chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Để phát huy các nguồn lực, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới, thiết nghĩ huyện Mèo Vạc cần sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, những người có công bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống. Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với việc bảo quản, giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các loại hình, sản phẩm du lịch với du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống của các dân tộc thông qua giao lưu văn hóa để thắt chặt mối đoàn kết giữa các dân tộc...

                                                                 Theo : dulichvn.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.501.393
Tổng truy cập: