DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Cách nào để gỡ khó cho các phường rối?
(Ngày đăng: 04/03/2015   Lượt xem: 383)
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo, ra đời hơn 10 thế kỷ trước từ nền văn hóa lúa nước. Trong đó, Đồng bằng Bắc Bộ được coi là cái nôi của rối nước với khoảng 28 phường rối ra đời, theo thời gian, đến nay còn 15 phường rối ở các làng thường xuyên biểu diễn. Thế nhưng, nghề truyền thống này cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nỗi buồn rối nước làng

Tôi đến làng Ra, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) trong một ngày đầu xuân, ngôi làng nhỏ nằm cạnh khu vực chùa Thầy với lịch sử phát triển nghệ thuật rối nước rất đặc biệt. Tương truyền vào thế kỷ XI, sau nhiều năm tu hành ở Trung Quốc và Ấn Độ, trên đường vân du thấy đất Sài Sơn (Quốc Oai) phong cảnh hữu tình, dân cư trù phú, Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã cho xây dựng chùa Thầy làm nơi tu hành. Ở đây, ngài đã dạy cho dân làng Ra hát chèo, múa rối. Hằng năm, cứ vào dịp lễ hội chùa Thầy tháng 3 âm lịch, các nghệ nhân phường rối nghìn tuổi này lại biểu diễn để tưởng nhớ công ơn ông Tổ nghề rối nước.

Tuy nhiên, khi tìm đến thủy đình, nơi trình diễn rối nước của làng, tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến khung cảnh nơi đây. Được biết, có khoảng thời gian dài, thủy đình này luôn tấp nập du khách trong và ngoài nước đến xem múa rối, và cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh. Vậy mà, giờ đây, nó trở nên tiêu điều, xơ xác, chỉ còn lại ngôi đình cũ kỹ, rêu phong, nằm trơ trọi giữa lớp đất đá và những vũng nước tù đọng.

Con rối bị "bỏ quên" trong nhà kho đình làng Ra.

“Giai đoạn phát triển nhất của rối nước làng Ra là từ năm 1977 đến những năm đầu của thế kỷ 21, thu hút được nhiều du khách nước ngoài đến xem, có khi một tháng biểu diễn tới 2-3 lần. Phường rối làng Ra đã từng được mời đi biểu diễn ở các nước và vùng lãnh thổ như I-ta-li-a, Đài Loan và dự triển lãm rối nước ở Áo, Xin-ga-po, Trung Quốc… Trước kia, phường có đến 40 nghệ nhân, nay chỉ còn 20 nghệ nhân. Ít diễn, những con rối xếp tạm vào nhà kho trong đình, vài năm nay, rối chỉ diễn vào những ngày Tết, hoặc hội làng tháng 7 (âm lịch), phục vụ bà con”-Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đoàn, người đã hơn 30 năm giữ chức Trưởng phường rối làng Ra, bày tỏ trong niềm luyến tiếc.

Không chỉ rối nước làng Ra đang đứng trước nguy cơ maimột, mà đây còn là tình trạng chung của nhiều làng rối khác của Đồng bằng Bắc Bộ. Cơ chế thị trường đã làm cho các phường rối dân gian lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều nghệ nhân đã phải từ bỏ nghề rối nước, chuyển sang làm nghề khác để có thể trang trải được cuộc sống. Trong khi đó, lớp trẻ đi học hoặc làm ăn xa, ít có cơ hội xem rối, nên nghề này đang khan hiếm người đam mê, kế tục. Mặt khác, các tích trò cũ ít được nâng cấp và các con rối chưa được đầu tư làm mới cũng có tác động không nhỏ tới việc khán giả không còn mặn mà với nghệ thuật này. Điều này khiến cho nhiều thủy đình của các phường rối bị xuống cấp, không có người chăm chút.

Sớm gỡ khó cho các phường rối

Được biết, từ năm 2002, Quỹ Ford (Quỹ văn hóa Thụy Điển-Việt Nam) đã tài trợ giúp các phường rối nước, nhằm đào tạo lớp nghệ nhân biểu diễn rối (tuổi đời từ 15 đến 25) thay thế cho các nghệ nhân cao tuổi. Từ nguồn tài trợ này, một loạt nhà thủy đình ở các phường được xây cất cùng hình mẫu và kích cỡ, đồng thời các phường cũng được chu cấp bộ rối để biểu diễn. Nhân dịp này, các phường rối dân gian đã có cơ hội hội tụ về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để biểu diễn.

Nhưng từ năm 2006 cho đến nay, Quỹ Ford không còn tài trợ cho múa rối nước nữa. Song không vì thế mà các phường rối nước từ bỏ nghệ thuật truyền thống của quê hương mình. Rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội) là một trong số ít các phường rối còn giữ gìn và phát huy được nghệ thuật múa rối nước. Ông Ngô Văn Phong, Trưởng phường rối nước Đào Thục chia sẻ: “Hiện nay, phường rối Đào Thục vẫn duy trì biểu diễn đều đặn trung bình 10-15 buổi diễn/tháng, kết hợp với đi biểu diễn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và sang cả nước ngoài lưu diễn, giới thiệu nghệ thuật múa rối nước tới bạn bè quốc tế. Duy trì được nghề diễn này, một mặt, do các nghệ nhân đã biết liên kết với các công ty lữ hành đặt chương trình biểu diễn rối nước vào tua du lịch; mặt khác, quảng bá nghệ thuật rối nước của Đào Thục tới đông đảo du khách thông qua tờ rơi, website riêng của phường rối… Bên cạnh đó, Đào Thục còn khuyến khích lớp trẻ trong làng có lòng đam mê với nghề, kế tục và phát huy nghề truyền thống mà ông cha để lại”.

Phường rối Đào Thục có lẽ là phường rối hiếm hoi mà các nghệ nhân, diễn viên còn đam mê với nghề và sống được bằng nghề. Rất nhiều phường rối khác như làng Nguyễn (Thái Bình); Chàng Sơn (Hà Nội),… đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Các nghệ nhân múa rối giờ đây muốn du khách quốc tế biết đến, chỉ trông chờ vào số lần biểu diễn ít ỏi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Dù không còn được Quỹ Ford tài trợ, nhưng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với chức năng bảo tồn di sản văn hóa, đến nay luôn duy trì biểu diễn múa rối nước vào dịp cuối tuần cho du khách trong và ngoài nước đến xem. Nhờ đó, một số phường rối đã giải thể hoặc lâu không hoạt động đã có dịp được phục hồi. PGS, TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Trong năm nay, bảo tàng sẽ xây dựng thủy đình mới. Đây không chỉ là nơi để biểu diễn rối nước dân gian mà còn là một công trình văn hóa để công chúng hiểu được kiến trúc thủy đình cổ truyền như thế nào. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư của bảo tàng, chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn múa rối nước. Đây là cách để tạo sân chơi cho các phường rối nước giao lưu và học hỏi kinh nghiệm của nhau, thúc đẩy hoạt động múa rối nước phong phú, đa dạng hơn. Từ đó, tạo niềm tự hào di sản văn hóa dân tộc, bảo tồn rối nước một cách sinh động và bền vững”.

                                                                           Theo : qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.501.224
Tổng truy cập: