DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ
(Ngày đăng: 28/03/2014   Lượt xem: 499)
Ngày 24/11/2011, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua Quyết định số 6.COM.8.23 ghi nhận Hát Xoan Phú Thọ – Việt Nam là Di sản Văn hoá Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

UBND tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 7/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020). Tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Hành động  “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ, tiêu biểu là thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông, huyện Tân Sơn và Trường Đại học Hùng Vương.

Xác định công tác tuyên truyền, quảng bá di sản Hát Xoan tới cộng đồng trong nước và quốc tế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản; trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng. Tổ chức Chương trình “Vinh danh Hát Xoan” gắn với Lễ khai mạc Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2012 vào ngày 8/2/2012 tại Sân trung tâm Lễ hội – Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng. Thông qua chương trình, đã góp phần giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ và các làn điệu, quả cách của di sản Hát Xoan tới đồng bào và nhân dân cả nước cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường các biện pháp, ưu tiên kiểm kê, nghiên cứu và hệ thống hoá tư liệu, đặc biệt đối với Hát Xoan cổ, để bảo tồn một cách khoa học, bền vững hát Xoan Phú Thọ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng các địa phương có vốn di sản Hát Xoan; thực trạng nghệ nhân Hát Xoan; thực trạng hiểu biết nhận dạng về Hát Xoan để phục vụ cho việc đề ra kế hoạch bảo tồn và khôi phục. Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với NXB Âm nhạc sưu tầm tư liệu bổ sung bài bản Hát Xoan cổ. Đã tìm lại được quả cách thứ 14: Chơi dâu cách bị thất truyền trong các phường Xoan. Đã ghi hình, ghi lời, biên tập và xuất bản đĩa VCD giới thiệu 26/36 bài hát Xoan cổ đã sưu tầm, ghi chép được đầy đủ.

Học sinh tỉnh Phú Thọ tham gia Hát Xoan tại Lễ hội Đền Hùng.

Học sinh tỉnh Phú Thọ tham gia Hát Xoan tại Lễ hội Đền Hùng.

Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong cuộc sống đương đại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 20 câu lạc bộ Hát Xoan (trong đó, có 4 phường Xoan được thành lập trước thời điểm Hát Xoan được vinh danh, 16 câu lạc bộ Xoan được thành lập mới); 1.860 đội văn nghệ đã trình diễn được một số quả cách Hát Xoan. Việc truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong cuộc sống đương đại được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Không chỉ ở thành phố Việt Trì, cái nôi của Hát Xoan mà còn được phổ biến, truyền dạy rộng rãi ở các khu vực đô thị như thị xã Phú Thọ hay các huyện miền núi, nhiều dân tộc thiểu số như Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng.

Xây dựng chương trình giáo dục, giảng dạy Hát Xoan phù hợp với từng cấp học trong hệ thống các trường phổ thông, Trường Sư phạm và Nghệ thuật của tỉnh. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, giao Sở VH,TT&DL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo đưa Hát Xoan vào trường học. Hiện trên địa bàn thành phố Việt Trì, hầu hết các trường đã đưa Hát Xoan vào chương trình giảng dạy, phổ biến trong hệ thống các trường tiểu học và trung học cơ sở. UBND thành phố Việt Trì đã tổ chức Liên hoan Hát Xoan trong trường học thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Trường Đại học Hùng Vương dành hẳn chương trình ngoại khóa hằng tuần tổ chức dạy và dàn dựng các tiết mục Hát Xoan trong sinh viên. Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở VH,TT&DL hoàn thiện, trình UBND tỉnh Kế hoạch dạy Hát Xoan trong trường học giai đoạn 2012 – 2015, các nội dung sẽ được triển khai kịp thời từ năm 2013.

Tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến Hát Xoan như đình, đền, miếu là không gian văn hóa gắn liền với trình diễn nghệ thuật Hát Xoan. Tỉnh Phú Thọ đã bước đầu tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo một số di tích trọng điểm, trong đó miếu Lãi Lèn là di tích quan trọng ở vùng Xoan gốc đã được phục hồi. Qua kiểm kê, hiện có 13/31 di tích gắn với Hát Xoan được bảo tồn, tôn tạo và cơ bản đáp ứng việc trình diễn nghệ thuật Hát Xoan. Hiện đang xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi 28 di tích có liên quan không gian thiêng của Hát Xoan.

Tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trang nghiêm, trọng thể và hoành tráng Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại gắn với Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ – 2013 ngay dưới chân núi thiêng Nghĩa Lĩnh tại sân Trung tâm Lễ hội Khu Di tích Lịch sử Đặc biệt Quốc gia Đền Hùng với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, thể hiện sự phấn khởi và tấm lòng thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng. Trong buổi lễ trang nghiêm trọng thể, Bộ VH,TT&DL đã công bố Chương trình Hành động Quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gồm 9 nhiệm vụ quan trọng phải triển khai trong thời gian sau vinh danh để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hóa của cộng đồng từ nay về sau.

Sau hơn một năm Di sản Hát Xoan được UNESCO công nhận, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết trong Chương trình Hành động Quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ – Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, giai đoạn 2013 – 2015.

Trong những năm tiếp theo, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di sản văn hóa một cách thiết thực, hiệu quả, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” với ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của toàn nhân loại. Sở VH,TT&DL sẽ phối hợp với Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trong cả nước; các cấp, các ngành liên quan tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước để đề xuất các giải pháp khôi phục, tu bổ, tôn tạo các di tích thờ tự là “không gian thiêng” cho nhân dân thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đặc biệt là khu Di tích Lịch sử Đặc biệt Quốc gia Đền Hùng. Đồng thời, áp dụng kết quả điều tra, nghiên cứu của đề tài khoa học, xây dựng nghi thức tín ngưỡng thờ cúng trình Bộ VH,TT&DL xét duyệt, ban hành hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn quốc, đảm bảo tính truyền thống và trang nghiêm, trọng thể trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ – 2014 và các năm tiếp theo.

                                                                                      Theo: nguoicaotuoi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.503.222
Tổng truy cập: