HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ chủ quản trong thực hiện chính sách dạy nghề
(Ngày đăng: 02/08/2013   Lượt xem: 744)
Hội đồng Dân tộc vừa có cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ với vai trò là cơ quan chủ quản triển khai thực hiện chính sách dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong công tác quản lý đào tạo nghề, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, rà soát chương trình dạy nghề.

Khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số chiếm trên ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn sinh sống của 54 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở cả 6 vùng kinh tế của nước ta, nhưng tập trung ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề nói chung, chính sách dạy nghề khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Nhiều chiến lược, đề án ngắn hạn, dài hạn nhằm tạo điều kiện cho người lao động học nghề, có việc làm ổn định, phát triển sản xuất, đặc biệt đối với lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình QH ban hành Luật Dạy nghề, sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó quy định chính sách ưu tiên dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, trong đó xác định dạy nghề thực hiện đào tạo 77% lực lượng lao động qua đào tạo của cả nước để nâng tỷ lệ số lao động qua đào tạo nghề đạt 40% vào năm 2015 và đạt 55% vào năm 2020. Tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong đó quy định người dân tộc thiểu số là 1 trong 5 đối tượng thuộc nhóm 1 được ưu tiên hỗ trợ dạy nghề.

Triển khai thực hiện Quyết định này, trong 3 năm qua (2010 – 2012) có 51/63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ dạy nghề cho trên 888 nghìn lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số, trong đó trên 415 nghìn người được học nghề nông nghiệp, chiếm gần 47%, cao hơn bình quân cả nước 2,5%, và trên 473 nghìn người được học nghề phi nông nghiệp, chiếm gần 54%. Đã huy động được 631 cơ sở dạy nghề, gần 200 doanh nghiệp và gần 300 cơ sở khác có đủ điều kiện dạy nghề, gần 2 vạn giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và 1 vạn các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học, công nhân có tay nghề cao, nông dân giỏi sản xuất tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đã đúc rút và hình thành được các mô hình dạy nghề có hiệu quả và triển khai nhân rộng như dạy nghề nông nghiệp áp dụng dạy nghề tại chỗ để tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, chất lượng cao hơn; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề, gắn với tổ chức việc làm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để người lao động có thêm việc làm và thu nhập... Xét về hiệu quả có thể thấy, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, làm cơ sở và tiền đề để nâng cao số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn.

Cùng với những kết quả tích cực, việc triển khai các chương trình hỗ trợ dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Công tác đào tạo nghề còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm từng vùng, ngành kinh tế, thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới. Một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động. Mục tiêu đề ra rất cụ thể với lộ trình xác định, chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động bố trí, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện, chủ yếu trông chờ từ nguồn vốn Trung ương. Việc tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện cả các cấp chính quyền địa phương chưa đồng bộ. Có địa phương khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số chưa thực hiện đúng quy định tại Quyết định 1956 của Thủ tướng và các thông tư hướng dẫn của Bộ chủ quản như đầu tư sai đối tượng, không thực hiện đúng theo quy trình xác định đào tạo, nhu cầu học nghề của người dân, chưa giới thiệu được nghề học phù hợp...

Có thể thấy, tổng thể 3 năm triển khai Quyết định 1956, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – cơ quan chủ quản triển khai thực hiện chương trình đã bám sát các nội dung của Quyết định 1956. Báo cáo của Bộ đã nêu bật được những kết quả, hạn chế và yêu cầu về tình hình triển khai chính sách dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số mà Hội đồng Dân tộc đề ra. Nhiều đại biểu tham dự cuộc làm việc cho rằng, Báo cáo của Bộ đã cho thấy những chuyển biến rõ nét về nhận thức của hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số; đào tạo nghề đã góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những hạn chế nêu trong báo cáo còn nêu chung chung, mới chỉ xác định trách nhiệm của địa phương trong tổ chức, phối hợp thực hiện đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số, mà chưa nêu rõ trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư, báo cáo phải chỉ rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra, chỉ đạo thực hiện. Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị, Bộ cần lý giải vì sao Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được ban hành từ năm 2009, mà Thông tư liên tịch của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án này đến ngày 12.12.2012 mới được ban hành. Tính thống nhất và kịp thời của các văn bản quy phạm pháp luật như thế nào? Bộ đã chỉ đạo, quản lý nguồn nhân lực sau đào tạo ra sao? Trong các chương trình, đào tạo nghề, Bộ có đánh giá được tính thống nhất, tính hiệu quả của chương trình, sự liên kết của các chương trình đào tạo nghề vùng dân thộc thiểu số, vùng nông thôn hay chưa?

Cùng quan điểm Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc K’sor Phước nêu câu hỏi: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao trách nhiệm kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chính sách đào tạo nghề khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc đôn đốc địa phương, Bộ còn có trách nhiệm kiểm tra ngang trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề. Công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua được Bộ thực hiện như thế nào? Nêu thực tế tại Đăk Lăk có trường hợp  trường cao đẳng nghề là trường đào tạo cho con em dân tộc thiểu số, nhưng đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số học nghề thì ít, mà dịch vụ là nhiều, trong trường hợp này, Bộ đã kiểm tra và nắm được tình hình hay chưa?

Thừa nhận có sự chậm trễ trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đa số các văn bản hướng dẫn đều được Bộ đốc thúc ban hành ngay sau khi Quyết định 1956 có hiệu lực thi hành. Cụ thể ngày 30.7.2010, Bộ cũng có Thông tư liên tịch 112 hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Thông tư hướng dẫn có ngay sau 7 tháng đó cũng là sự cố gắng của Bộ. Thông tư liên tịch được ban hành ngày 12.12.2012 hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện được ban hành sau là do phát sinh trong quá trình triển khai thực tiễn ở các địa phương còn vướng mắc. Trong công tác quản lý, Bộ cũng đã thực hiện giám sát kiểm tra 20 tỉnh thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, kiểm tra đột xuất 1 tỉnh. Có tổng kết đánh giá đầy đủ về tình hình thực hiện chính sách trong 6 tháng và 1 năm, đánh giá sơ kết 3 năm nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đối với quản lý nguồn nhân lực sau đào tạo, Bộ chỉ nắm được số lượng qua đào tạo nghề theo Quyết định 1956.

Giải trình từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dường như còn chưa thật thỏa đáng. Soi chiếu theo trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, nếu như công tác ban hành văn bản hướng dẫn được đốc thúc nhanh hơn, công tác giám sát được kiểm tra thường xuyên, có sự chỉ đạo hướng dẫn sát hơn tới các địa phương, có thể tin rằng, hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số sẽ cao hơn. Nếu công tác đào tạo nghề được thực hiện và triển khai đồng bộ, thì con số lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số được đào tạo nghề sau 3 năm phải cao hơn con số 800 nghìn người – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc thẳng thắn. Chỉ riêng việc kiểm tra giám sát chậm, ban hành thông tư liên tịch chậm đã dẫn tới hệ quả thời gian sửa sai của các địa phương chậm, gây lúng túng trong thực hiện. Ngay tại thành phố Hà Nội, Đề án đào tạo nghề đến ngày 27.11.2012 mới được UBND thành phố thông qua, như vậy, thành phố Hà Nội mới chỉ thực hiện đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số có mấy tháng đầu năm 2013? Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Quyết định 1956. Đại biểu đề nghị, Bộ cần theo sát hơn nữa, chỉ đạo sát sao hơn nữa việc thực hiện chính sách đào tạo nghề lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải là trung tâm phối hợp, điều hòa với các bộ có liên quan thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề.

Sau cuộc làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 8 này, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức các đoàn giám sát tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Qua những hoạt động này, tin rằng, trách nhiệm của Bộ chủ quản và những vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực vùng dân tộc thiểu số – một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta – sẽ được làm sáng tỏ, tạo chuyển biến thực sự về vấn đề dạy nghề cho lực lượng lao động chiếm hơn 14% dân số và gần 17% lực lượng lao động trong độ tuổi của nước ta này.

                                                                                             Theo: Đại biểu nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.488.931
Tổng truy cập: