KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
(29-33)- Khám phá nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền
(Ngày đăng: 02/05/2024   Lượt xem: 66)

Trong khuôn khổ chương trình 'Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam' tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, những nghệ nhân người Dao Tiền, tỉnh Cao Bằng đã tham gia tái hiện nghề thủ công truyền thống in sáp ong được nối tiếp qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân hướng dẫn du khách in sáp ong.

Đồng bào Dao ở Cao Bằng từ bao đời nay đã có nghề truyền thống in hoa văn sáp ong trên vải, công việc này do người phụ nữ đảm nhận.

Được gia đình truyền nghề từ năm 11 tuổi, nghệ nhân Bàn Thị Liên đến từ xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết, người Dao Tiền đã duy trì tập tục vẽ sáp ong trên những bộ trang phục thường ngày từ nhiều đời.

Các thiếu nữ trước khi lấy chồng đều được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp để chuẩn bị trang phục ngày cưới cho bản thân. Người phụ nữ Dao Tiền coi việc truyền dạy nghề thêu và in sáp trên vải cho thế hệ sau như một cách giữ gìn bản sắc văn hóa.

Trình diễn in sáp ong lên vải.

Quy trình in sáp ong cũng đòi sự tỉ mẩn trong từng công đoạn. Theo nghệ nhân Bàn Thị Liên, để có sáp in vải, người Dao Tiền từ xưa luôn gìn giữ hàng trăm tổ ong khoái khổng lồ nằm trong các hang động. Hằng năm, người Dao Tiền cũng tổ chức lễ hội ong khoái vào tháng 6, 7 âm lịch. Việc lấy sáp cũng phải tuân theo tự nhiên, người thợ thủ công chỉ lấy sáp khi ong đã di cư vào mùa thu, trước khi trở lại làm tổ vào mùa xuân.

Người thợ thủ công sử dụng vải mộc màu trắng đặt trên tấm đá phẳng, dùng nanh lợn mài, miết vải cho nhẵn, mịn. Rồi sau đó, người thợ thủ công mới đun sáp ong, sử dụng khuôn tre hình tam giác, chấm xuống in họa tiết lên vải. Nghệ nhân Bàn Thị Liên chia sẻ đây cũng là công đoạn đòi hỏi phải cẩn thận nhất khi in sáp ong lên vải: "Khi đun sáp ong, người làm phải canh lửa thật vừa phải. Nếu nhiệt độ của sáp cao quá, thì họa tiết dễ bị nhòe. Còn nếu nhiệt độ chưa đạt, thì sáp sẽ dính vào khuôn. Chỗ chúng tôi sử dụng vỏ cây rừng có độ dày để đun sáp”.

Nghệ nhân thực hành in sáp ong.

Hoa văn in sáp chủ yếu hình tứ giác, hình tròn đồng tiền, và một số họa tiết khác được trang trí trên váy, đều mang ý nghĩa về cuộc sống gắn liền với rừng, thiên nhiên của đồng bào.

Sự kiện giới thiệu và trình diễn nghề thủ công truyền thống in sáp ong trên vải của người Dao Tiền tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm, đặc biệt là các bạn trẻ. Bạn Lê Anh (20 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) thấy vô cùng ấn tượng khi được nghệ nhân hướng dẫn tận tay các bước in sáp ong lên vải: “Em đã hiểu hơn về nghề truyền thống in sáp ong, sau khi được lắng nghe nghệ nhân giải thích nguyên liệu làm ra những sản phẩm này đều đến từ thiên nhiên và có lịch sử lâu đời. Đối với em, việc bảo tồn di sản chính là giữ gìn cội nguồn và hy vọng các bạn trẻ cũng sẽ quan tâm tới văn hóa dân tộc” – Lê Anh chia sẻ.

Ngày nay, đời sống đã có nhiều thay đổi, nhưng với người Dao Tiền ở Cao Bằng, nghề in sáp ong truyền thống vẫn được bảo tồn và duy trì. Để lưu giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa riêng, các nghệ nhân người Dao không ngừng cố gắng truyền dạy cho các thế hệ kế cận và mong muốn tìm hướng đi bền vững cho nghề thủ công truyền thống này.

                                               Theo:  nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.377
Tổng truy cập: