KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Buồn vui bến gốm sông Hồng
(Ngày đăng: 14/04/2016   Lượt xem: 276)

Bến gốm (xã Tứ Liên – Tây Hồ - Hà Nội) là tên gọi quen thuộc của một cụm cư dân nhỏ hiện đang sinh sống trên những con thuyền ven sông Hồng. Nghề buôn gốm truyền thống đang dần trở nên thất thế, những khoang thuyền không còn đầy ắp hàng hóa như 10 năm về trước mà bỗng trở nên nhàn rỗi bởi chỉ chuyên tâm vào một nhiệm vụ duy nhất là nơi che nắng che mưa.

Chật vật mưu sinh

Men theo những con đường ngoằn nghèo quanh làng đào quất Nhật Tân, xuyên qua chợ Tứ Liên là tới bến gốm. Xóm sông nước này đang có khoảng hơn chục hộ gia đình sinh sống tạm bợ trên những con thuyền sắt cũ kỹ, hoen gỉ. Từ nhiều năm nay, người dân xóm này sinh sống bằng nghề buôn bán đồ gốm dọc sông Hồng. Những chiếc thuyền sắt trước đây vừa là phương tiện để trung chuyển hàng hóa, vừa là nơi ăn chốn ở của những gia đình bám nghề. Khoảng 5 năm trở lại đây, do mực nước sông Hồng ngày một cạn kiệt, “nhà” của người dân xóm gốm đành thôi kiếp lênh đênh mà cập bến dài hạn để “an cư lạc nghiệp” ngay tại bến sông quanh năm đỏ ngầu phù sa.

Tâm sự với chúng tôi, ông Phạm Hạ (Lập Thạch – Vĩnh Phúc), một cư dân lâu năm của bến gốm kể: “Cuộc sống sông nước cũng không khác dân chài là mấy và mặt hàng dùng để trao đổi buôn bán là thứ đồ nặng cân lại dễ vỡ như bát đĩa, bình lọ...Do khoảng cách địa lý lại xa xôi nên hầu hết thuyền bè đều được đóng bằng sắt, hoặc đúc xi măng chắc chắn và gắn máy để đẩy nhanh tốc độ. Đồ gốm, sành hầu hết đều của Bát Tràng, Hải Dương...xuôi ngược về tận Phú Thọ, Tuyên Quang...”. Mọi giao dịch mua bán đều diễn ra ven sông nên bến gốm luôn rộn ràng tấp nập. Việc buôn bán kinh doanh chỉ xoay quanh con thuyền của gia đình. Khách quen thường tìm xuống tận nơi để xem hàng và mua giá gốc.

Khoảng vài năm trở lại đây, do điều kiện buôn bán khó khăn, phần lớn cư dân bến gốm rời thuyền chuyển sang kinh doanh trên cạn như thuê bãi hoặc thồ hàng đi bán dạo. Hiện nay, thuyền chỉ còn là phường tiện để ăn ở, sinh hoạt còn mọi mưu sinh đều dần chuyển lên bờ. Diện tích đủ để xoay sở kinh doanh được tính bằng “hàng ngô” ở bãi sông Hồng (mỗi hàng khoảng 65 phân). Chỉ cần từ 3 – 4 hàng ngô với mức giá thuê từ 3 – 4 triệu/năm kèm theo một tấm bạt sơ sài là người bán đã có thể bày la liệt đủ các mặt hàng gốm sứ. Hàng của người dân bến gốm được lấy từ gốc, đa dạng về mẫu mã, chủng loại nên giá cả vì thế cũng rất phong phú, từ vài chục ngàn đồng cho tới tiền triệu. Đặc biệt hàng ở đây khá hút khách bởi có nhiều mặt hàng giá rẻ do lỗi do thợ nặn vụng hoặc nung quá lửa.

Tạm bợ sinh nhai

Tập trung nơi bến gốm chỉ khoảng hơn chục “nóc nhà” là những con thuyền sắt cũ kỹ, bé toen hoẻn. Nhà nào sang lắm cất mái cao thì có thể cơi nới thêm khoang lỡ. “Có những hôm hàng cất về chưa kịp đưa ra chợ hoặc đóng xe thồ đi bán dạo thì toàn bộ khoang chính đều là nơi chứa hàng, cả gia đình vợ chồng con cái đều rút lên khoang lỡ để sinh hoạt. Từ ngày cơi nới được thêm diện tích này, tụi nhỏ thích lắm, đi đâu cũng khoe nhà có gác lửng…”, chị Hồng một cư dân bến gốm buồn thiu cho biết. Mục sở thị cuộc sống tạm bợ, giản tiện tới mức tối thiểu chúng tôi không khỏi ái ngại về những phiền toái trong sinh hoạt của những người dân nơi đây. Bà Lụa (vợ ông Hạ) cho biết, điều kiện ăn ở chật chội lâu dần rồi cũng quen nhưng tốn kém nhất vẫn là chi phí cho khoản điện, nước...

            Bếp ăn ngay cạnh công trình phụ do sông Hồng đảm nhiệm hệ thống thải rất mất vệ sinh

Từ khi lập bến cho đến nay, bến gốm vẫn được coi là khu vực sống tạm bợ. Mặt khác việc đưa nguồn điện, lập công tơ riêng xuống tận bến thuyền còn nhiều khó khăn, phức tạp nên nguồn điện hầu hết đều được đấu nối thủ công để mua lại điện của các hộ dân trên bờ với giá 5.100 đồng/số, gấp đôi mức giá điện kinh doanh thông thường. Buổi tối, hầu hết các thuyền chỉ dám thắp những loại bóng điện bé tẹo còn ti vi hầu như chỉ đắp chiếu để đấy. Quan sát quanh thuyền ông Hạ, hầu hết đồ đạc đều rất sơ sài, thiết bị sử dụng điện chỉ có một chiếc quạt máy cùng nồi cơm điện.

Trước đây, mọi sinh hoạt ăn uống, giặt giũ cho đến vệ sinh cá nhân, đều từ nguồn nước sông Hồng. Sau này cả xóm chung tiền làm giếng khoan thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cũng đỡ ô nhiễm hơn nhưng chi phí cho việc bơm nước từ giếng xuống thuyền với mức giá cắt cổ, một tháng mỗi hộ cũng hết gần 300 nghìn đồng. Nguồn nước sạch để đun nấu đều được mua từ trên bờ với giá 4000 đồng/can (20 lít).  Nhà nào có con nhỏ mới dám dùng nước bình. “Chỉ tính riêng chi phí điện nước sinh hoạt hàng tháng cũng sấp xỉ... tiền thuê nhà trên bờ”,  ông Hạ nói.

Vài năm trở lại đây, chẳng hiểu thế nào bến gốm lại thu hút khá nhiều khách du lịch hiếu kỳ lui tới thăm thú. Chị Hồng – một cư dân xóm gốm kể: “Khách du lịch, hiếu kỳ ngỏ ý xuống tận thuyền để chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi. Mỗi lần như thế, họ đều bồi dưỡng chút ít cho chủ nhân, khi thì một vài trăm. Cuộc sống tạm bợ kiểu này có khi lại khiến người khác tò mò, chẳng biết nên vui hay buồn nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng ,  chủ một bãi đất ven Sông Hồng (ngõ 200 – đường Âu Cơ – Hà Nội) cho biết, hiện tại diện tích đất bãi ven sông được một số chủ dựng nhà để cho dân bến gốm thuê lại, phục vụ nhu cầu “cơi nới” thêm diện tích sinh hoạt. Đối với những trường hợp này chủ hộ đất có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người thuê theo đúng quy định về pháp luật. “Cũng như các hộ sinh sống và thuê trọ bình thường khác, những người dân bến gốm khi rút lên thuê nhà trên bờ cũng sẽ được phường Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) tạo điều kiện hỗ trợ về điều kiện sinh hoạt như: lắp đồng hồ để sử dụng nước sạch, công tơ điện...theo giá quy định của nhà nước, không phải chịu mức chi phí quá cao từ việc mua nước sạch và đấu nối điện sinh hoạt như ở trên thuyền nữa...” ,  ông Thắng cho biết thêm.
                                                                                  Theo laodongthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.502.608
Tổng truy cập: