KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Gặp “ông vua tiền cổ” xứ kinh Bắc
(Ngày đăng: 16/08/2015   Lượt xem: 335)


Anh Nguyễn Văn Thạo bên những đồng tiền cổ anh sưu tầm được.

Đang là một cán bộ ngành thủy lợi, anh Nguyễn Văn Thạo (50 tuổi, trú phường Suối Hoa, TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh) đột ngột bỏ nghề chuyển sang đi sưu tầm tiền cổ. Mới đây, Thạo đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam đề xuất kỉ lục “Người giữ và bảo vệ kho tiền cổ lớn nhất Việt Nam qua các thế kỉ”. Phóng viên Lao Động & Đời sống đã có cuộc trò chuyện cùng người đàn ông được dân chơi đồ cổ ví là “ông vua tiền cổ”.

Chào anh! Cơ duyên nào khiến anh đến với công việc sưu tầm tiền cổ?

- Đam mê. Quan trọng hơn là tôi muốn cất giữ, bảo tồn những đồng tiền của cha ông ta trước đây.

Được biết trước khi đến với công việc sưu tầm tiền cổ anh là một kĩ sư ngành thủy lợi?

- Đúng vậy. Lúc đó, tôi đã có một công ăn việc làm ổn định, đó là công việc mà tôi rất yêu thích, bố mẹ, anh em ai cũng tự hào.

Anh bỏ nghề chuyển sang sưu tầm tiền cổ để thể hiện mình là người chơi ngông, là thích nổi tiếng?

- Không, không phải vậy. Tôi làm công việc này không phải để người này, người kia họ biết đến. Quả thực, lúc tôi quyết định chuyển sang đi sưu tầm tiền cổ, gia đình, bạn bè ai nấy đều phản đối, họ còn bảo tôi bị thần kinh. Nhưng suy đi nghĩ lại, nếu mình không theo cái nghiệp sưu tầm tiền cổ này thì những đồng tiền của cha ông ta sẽ bị bán đồng nát, bán sang Trung Quốc hết, sau này thế hệ trẻ làm sao mà biết được cha ông ta đã sử dụng loại tiền như thế nào, làm sao mà họ hiểu hết được lịch sử. Tôi đi sưu tầm tức là đang muốn cất giữ lại lịch sử cho các thế hệ sau.

Nói thế chắc anh mê tiền cổ từ lâu rồi?

- Đúng, ngay từ nhỏ tôi đã rất mê tiền cổ. Một lần đi học về ngang cửa hàng đồng nát, thấy người ta cân tiền cổ để bán tôi thấy rất buồn, tôi về xin tiền bố mẹ ra mua lại mang về nhà cất, đến giờ số tiền ấy vẫn còn đây. Sau này, để mua được nhiều tiền cổ, tôi phải đưa số điện thoại của mình đến những cửa hàng mua bán đồng nát và những người mua đồng nát để khi thu mua được họ sẽ thông báo để tôi mua với giá cao hơn.

 

Có nhiều thông tin cho rằng, sau hơn 20 năm sưu tầm tiền cổ anh đã sở hữu trong tay một khối lượng tiền cổ nặng gần 6 tấn?

- Cũng được gần chừng ấy. Cứ nghe đâu có người dân đào được tiền cổ là tôi tìm đến để mua, dù xa mấy cũng phải đến bằng được. Có lúc, tôi đi khắp nơi, đi cả tháng từ bắc đến nam để mua tiền cổ, thế nên khối lượng tiền cứ ngày một nhiều.

Bởi thế nên dân sưu tầm tiền cổ gọi anh là “ông vua tiền cổ”, anh nghĩ gì về biệt danh này?

- Chắc là vậy, nhưng tôi nghĩ rằng, không vua quan gì ở đây cả, tôi làm cũng không phải vì cái danh hiệu này danh hiệu nọ. Dù tổ chức nào phong tặng hay bạn bè đặt cho, quan trọng là mình được thỏa đam mê và góp phần để lưu giữ lại một phần lịch sử cho con cháu. Giờ có được số tiền này trong tay tôi rất yên tâm vì ít nhất mình đã giữ lại được cho con cháu những thứ cần phải giữ.

Anh có thể chia sẻ với bạn đọc Lao Động & Đời sống một vài kỉ niệm được không?

- Kỉ niệm thì nhiều, khó khăn cũng không phải ít, điều làm tôi nhớ nhất là lúc mình được tặng cả chum tiền cổ nhờ một túi cá khô. Lần đó, nghe bạn bè giới thiệu trên Hà Giang có người đào được một chum tiền cổ, tôi phóng xe máy mất mấy ngày mới lên đến nơi, lên rồi trả giá bao nhiêu họ cũng không chịu bán, thuyết phục thế nào họ cũng lắc đầu. Hết tiền, còn một túi cá cơm khô, tôi biếu lại cho bà con dân bản. Được ít hôm, vay mượn được tiền tôi lại mua cá cơm lên biếu bà con rồi tiếp tục thuyết phục họ. Cuối cùng, hiểu được tấm lòng của tôi, họ cho tôi luôn chum tiền mà không lấy đồng nào. Trong gần 20 năm qua, đã có rất nhiều người cho tôi không những đồng tiền cổ mà họ đào được, tìm được vì họ cũng rất muốn bảo vệ những đồng tiền đó như tôi.

Để có tiền đi mua tiền cổ chắc anh phải lao động vất vả lắm?

- Vâng. Lúc nào không đi mua tiền cổ tôi làm đủ thứ việc để kiếm tiền, gia đình phải sống dè xẻn, tiết kiệm. Có lúc không có tiền phải vay thêm cả bạn bè người thân để mua cho bằng được, có lúc phải chấp nhận cắm đi cả sổ đỏ, sau này tranh thủ đi làm rồi chuộc lại sau, cứ nghe được thông tin là tôi đi mua luôn, không họ bán đồng nát làm phế liệu mất.

Anh có thể chia sẻ với bạn đọc những loại tiền mà anh đã sưu tầm được không?

- Hiện nay, tôi đã sưu tầm được đủ các loại tiền từ thời Đinh, Lý, Trần…, đủ các loại mệnh giá của đồng tiền cổ mà cha ông ta sử dụng. Trong đó có những đồng tiền từ thời Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh, đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn, đồng tiền thời nhà Đinh hiện còn rất ít nên rất khó tìm kiếm. Mỗi đồng tiền đều được tôi lau chùi sạch sẽ và sắp xếp cẩn thận, rõ ràng theo từng thời kỳ lịch sử dùng đồng tiền đó. Ngoài sưu tầm tiền cổ, tôi đang tiếp tục sưu tầm các loại tiền giấy thời kỳ gần đây, các loại tem, phiếu cũng đang được tôi sưu tầm, mỗi loại đều được ép ni lông và cất đặt cẩn thận.

 

Có ai hỗ trợ anh trong công việc sưu tầm tiền cổ không?

- Tất nhiên là vợ và con ủng hộ thì mình mới theo đuổi đam mê được. Ban đầu, tôi hay đi một mình nhưng thời gian gần đây cũng có nhiều cá nhân tổ chức họ hỗ trợ, đặc biệt nhiều người biết việc làm này của tôi nên mỗi khi đào được tiền cổ họ lại gọi tôi đến mua nên đỡ vất vả hơn trước.

Làm cách nào anh có thể biết được loại tiền anh sưu tầm được thuộc vào thời kì lịch sử nào?

- Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn nhất trong vấn đề này, vì không xác định được loại tiền đó thuộc thời kì nào nên không phân loại ra được. Cuối cùng, tôi tìm đến một số nhà nghiên cứu để hỏi, rồi đọc thêm sách để học cách xác định. Đồng tiền mỗi thời kì có đặc điểm khác nhau, mỗi đồng tiền gắn với mỗi thời kì lịch sử khác nhau nên nhìn vào đồng tiền là thấy được cả kho tàng lịch sử trong đó.

Có lúc nào anh nghĩ sẽ bán lại số tiền này?

- Không. Không bao giờ có chuyện này. Tôi sẽ lưu giữ lại tất cả và đi sưu tầm thêm. Thời gian qua, nhiều người biết tin cũng có đến hỏi mua nhưng tôi không bao giờ bán. Không những đời tôi mà đời con cháu tôi cũng sẽ lưu giữ lại số tiền này.

Anh có nghĩ trong tương lai sẽ xây dựng một bảo tàng trưng bày toàn bộ số tiền này để du khách đến tham quan?

- Hiện tại, kinh tế gia đình tôi chưa đủ để làm việc này, tôi cũng đang mong một ngày những đồng tiền này sẽ được nhiều người tới tìm hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ, để qua những đồng tiền này các em sẽ yêu lịch sử hơn và hiểu về lịch sử hơn. Vừa qua cũng có nhiều đoàn khách trong nước đến tham quan và tìm hiểu về những đồng tiền mà tôi đã sưu tầm được. Cũng hi vọng những đồng tiền này sẽ trở thành thứ tài liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu trong tương lai.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

                                                                                    Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.497.800
Tổng truy cập: