MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Môi trường huyện Đông Anh đang bị hủy hoại - Bài 1: Tiếng kêu cứu của người dân
(Ngày đăng: 14/05/2013   Lượt xem: 733)
Chỉ cần đi ngoài đường (khu vực các xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán đang hoạt động) mọi người đã cảm thấy mắt cay xè, đỏ hoe như có hàng tấn bụi bay vào mắt. Còn những người dân sống ở quanh đó đã chịu đựng cảnh này từ nhiều năm nay, họ cũng đã không ít lần kiến nghị trong các cuộc họp ở thôn, xã, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì, các xưởng gỗ này vẫn tiếp tục hoạt động.



Các xưởng này đều xây dựng sơ sài

Đua nhau xả độc ra môi trường

Tại các thôn: Du Nội, Lộc Hà xã Mai Lâm, Đồng Dầu xã Dục Tú đang tồn tại hàng chục xưởng sản xuất gỗ ép và gỗ dán, đi từ xa, rất nhiều cột khói đen cuộn lên từ những ống khói của các xưởng đang sản xuất, lại gần thì người đi đường bị cay xè mắt, nước mắt chảy ròng ròng. Lại gần nữa là những rãnh thoát nước lộ thiên đã két thành màu ố vàng quanh các xưởng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Trong vai người đi lấy hàng, chúng tôi đột nhập vào một trong số những xưởng sản xuất nêu trên để tìm hiểu về vấn đề môi trường. Vừa bước vào xưởng sản xuất gỗ dán Dung Mị ở thôn Du Nội, xã Mai Lâm, ai nấy đều bị ho khan, khó thở và cay xè mắt, người dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng cười cho biết, do chúng tôi không quen, chứ mọi người làm ở đây quen hết rồi, chỉ hơi chảy nước mắt một lúc rồi không sao. Đây đó quanh xưởng là những can màu xanh 50 lít đã cáu bẩn và các bao bột trắng mịn.

Những công nhân thoăn thoắt xếp từng lớp gỗ được gọt mỏng, bản rộng đã được bôi keo sẵn ngay ngắn thẳng hàng, khi lớp gỗ đã dày lên, các công nhân điều khiển đưa vào trong máy và để ép bằng hơi từ lò than ở gần đó. Vừa gặp hơi nóng, lập tức gỗ đang ép bốc khói trắng mờ mịt, tỏa ra môi trường xung quanh khí cay cay, không màu, không mùi, khiến người tiếp xúc bị nôn nao và chảy nước mắt. 

Dời xưởng Dung Mị, chúng tôi đến xưởng sản xuất gỗ ép của ông bà Đức Nga tại thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, tại đây, hơi cay nặng hơn, chúng tôi cảm thấy tức ngực và khó thở kinh khủng. Vào trong xưởng, khói trắng bốc lên mù mịt, mờ cả mặt người, chúng tôi ho sặc sụa và ai cũng sụt sịt như đang khóc. Lại gần nơi sản xuất, các công nhân đang xúc từng xẻng gỗ đã nghiền nhỏ cho lên bàn trước khi đưa vào ép. Các công nhân này cho biết, gỗ nghiền đã được tẩm keo rồi, giờ chỉ cho vào khuôn rồi đưa vào máy ép. Khi máy ép xuống,  khói trắng đục bay là là quanh xưởng, khiến cả xưởng lúc nào cũng mờ mịt. Dù đã làm mái xưởng cao lên, mái xo le nhưng cũng không thể thoát hết không khí lên trời.  

Phía bên ngoài xưởng, chiếm 1/3 cái sân rộng là những thùng phi màu xanh đựng Fomadehit chất cao như núi, ngay cạnh đó là lò nấu keo để làm gỗ ép.

Ở một số xưởng khác tại thôn Đồng Dầu, cách sản xuất cũng không khác gì những xưởng kia. Các xưởng này đều xây dựng sơ sài, phương pháp để tản bới khói và mùi là họ xây dựng xưởng thoáng hơn, mái xưởng cao hơn. 



Độc hại chết người

Các xưởng này luôn chạy hết công suất và đưa ra thị trường hàng chục tấn hàng mỗi ngày. Công nhân ở đây đều làm việc trong điều kiện chỉ có 1 khẩu trang thông thường, đầu không đội mũ, mặc áo cộc tay bình thường... Khi được hỏi thì họ cho biết, họ làm đã quen, giờ không thấy cay hay chảy nước mắt nhiều nữa. 

Người dân sống ở gần các xưởng này đều than thở, họ đã kiến nghị rất nhiều lần lên chính quyền, nhưng đều không được giải quyết. Nhà nào ở gần các xưởng gỗ thì luôn trong tình trạng đóng kín, tuy nhiên cũng vẫn "khóc” vào mỗi sáng và chiều tối khi xưởng hoạt động. Dù chưa biết là chất độc hại gì, nhưng người dân đều tỏ ra lo ngại và mong muốn cơ quan chức năng về kiểm tra, đo nồng độ độc hại thải ra môi trường và trả lại không gian trong lành cho người dân yên ổn sinh sống.

Theo các chuyên gia hóa học, keo để dán gỗ và ép gỗ dăm được làm bằng chất fomadehit kết hợp với đạm Urê và axit. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại keo dán gỗ, trong đó loại keo đạt tiêu chuẩn có nhãn mác đầy đủ, trên bao bì ghi rõ thành phần, loại này hàm lượng tồn dư Fomadehit khi sản xuất là rất ít, đạt tiêu chuẩn cho phép, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiếp xúc. Còn loại keo bán trôi nổi trên thị trường được nhập từ Trung Quốc về hoặc được sản xuất thủ công thì cực kì độc hại, hàm lượng tồn dư fomadehit rất lớn. 

Cũng theo vị chuyên gia hóa học này, khi ép gỗ vào máy, gặp hơi nóng thì chất fomadehit sẽ có phản ứng hóa học là bốc hơi cay khiến người gần đó bị cay mắt, hàm lượng tồn dư fomadehit càng lớn thì hiện tượng này càng rõ ràng. Người tiếp xúc trực tiếp, lâu dài sẽ bị ung thư đường hô hấp, trẻ em tiếp xúc thường xuyên có nhiều khả năng bị vô sinh...



Công nhân làm việc không có khẩu trang

Chúng tôi đến gặp ông Thưởng, Phó chủ tịch UBND xã Mai lâm, ông này cho biết, nhiều đoàn kiểm tra về môi trường đã về đây, nhưng không phát hiện ra ô nhiễm. Ông này cũng kêu gọi chúng tôi phải thông cảm cho các doanh nghiệp, vì họ bỏ ra hàng tỉ đồng để mua máy móc, giờ bắt họ dừng sản xuất thì tiền tỉ họ đắp chiếu, ai bù đắp cho họ?

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các xưởng sản xuất này là nhỏ lẻ và tư nhân, vì vậy họ không quản lí. Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Đức, chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh, ông Đức cho biết đang sắp xếp cho PV gặp lãnh đạo, nhưng nhiều tuần sau gọi lại, ông Đức đều không nghe máy?

                                                                                                      Theo: Đi Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.480.335
Tổng truy cập: