Trước tình trạng này, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo, kiểm tra nhưng do thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, cùng với việc thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân nên hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một cơ sở chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Yên Sơn (huyện Quốc Oai).
Bức xúc vì ô nhiễm
Ngày 5-4, khảo sát thực tế trên địa bàn huyện Quốc Oai, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, môi trường sống của người dân các xã Đồng Quang, Cấn Hữu, Nghĩa Hương đang bị ô nhiễm nặng bởi mùi hôi thối từ kênh tiêu nước đồng Sen, đồng Nội...
Một số người dân địa phương cho biết, hiện tượng nước trong kênh bị đóng váng, chuyển màu, bốc mùi hôi thối là do việc xả thải tùy tiện, không qua xử lý từ các hộ chăn nuôi. Cũng do lượng nước thải từ các hộ chăn nuôi hằng ngày xả ra quá lớn nên hiện nay kênh tiêu thoát chạy dọc theo đường 421B nhiều chỗ đã bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngoài việc phải “sống chung” với bầu không khí ô nhiễm thì hiện nay việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xả nước thải chưa qua xử lý từ các xưởng sản xuất thức ăn gia súc và chế biến nông, lâm sản trên địa bàn.
Ông Cấn Văn Hùn (ở xã Tân Hòa) bức xúc nói: "Do thường xuyên phải làm việc, sống trong bầu không khí ô nhiễm, một số người đã mắc phải các căn bệnh về hô hấp, vậy mà nhiều năm nay việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường vẫn chưa được các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm".
Tình trạng tự do xả chất thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân còn diễn ra tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay tình trạng ô nhiễm nước thải ở các cụm làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai đã đến mức báo động, bởi nhiều tiêu chí vượt quá giới hạn đến vài chục lần. Đáng báo động nhất là ở các nhóm làng nghề chế biến nông, lâm sản. Đơn cử như ở khu vực xã Cộng Hòa, Tân Hòa, hàm lượng cyanua trong nước giếng đã vượt tiêu chuẩn cho phép trên 100 lần, nitơrat vượt 1,73 lần và số lượng khuẩn lên đến mức từ 236 đến 241 con/100ml…
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực, thời điểm này toàn huyện có 17 làng nghề, nhưng mới chỉ có 7 làng nghề đã hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường. 100% số làng nghề được ghi nhận chưa đáp ứng tiêu chí về môi trường theo Khoản 1, Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các cụm làng nghề sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, ý thức bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng còn hạn chế do họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt. Mặt khác, tại các cụm làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, vấn đề khắc phục tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí chưa được quan tâm giải quyết... Cùng với đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cấp, các ngành chưa quyết liệt, chưa có chế tài buộc phải dừng hoạt động khi để xảy ra các phản ánh về môi trường.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) Nguyễn Quang Khải cho biết, việc sản xuất của các cơ sở, hộ gia đình trong làng nghề chủ yếu tập trung trong khu dân cư nên việc ảnh hưởng, gây tác động xấu đến môi trường là không tránh khỏi...
Xử lý đi đôi với tuyên truyền
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực cho biết, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm theo nội dung Văn bản số 10098/STNMT-CCBVMT, ngày 26-12-2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Cùng với đó, huyện thành lập các tổ công tác để kiểm tra việc chấp hành quy định về môi trường đối với 15 cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện 3 cơ sở không có hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường và mới chỉ 9 cơ sở có hệ thống đấu nối, xử lý nước thải, chất thải sơ bộ. Căn cứ theo quy định, đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý 2 trường hợp vi phạm về môi trường với số tiền xử phạt là 45 triệu đồng. Nhưng lần nào cũng vậy, khi đoàn kiểm tra rời khỏi hiện trường, các cơ sở sản xuất lại tái diễn vi phạm.
Nhằm khắc phục tình trạng xả rác và chất, nước thải chưa qua xử lý ra khu vực, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, hiện huyện Quốc Oai đã quy hoạch 6 cụm công nghiệp để di dời các hộ vào sản xuất tập trung. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 2 cụm công nghiệp đang hoạt động trên diện tích 30ha. Nhìn chung, việc di dời các hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào hoạt động tại các cụm công nghiệp là phương án chưa khả quan, khi đa số kinh doanh với nguồn vốn ít ỏi, sản xuất theo mùa vụ, lợi nhuận không cao. Nếu di dời vào các cụm công nghiệp làng nghề, các cơ sở không đủ kinh phí để thuê đất, xây dựng công trình bảo vệ môi trường.
Trước thực tế này, thiết nghĩ huyện Quốc Oai cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành quy định về Luật Bảo vệ môi trường, sớm xây dựng, mở rộng các cụm công nghiệp, đồng thời có phương án hỗ trợ, cơ chế ưu đãi, khuyến khích các cơ sở vào sản xuất tập trung.