MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Mỏi mòn làng đá...!
(Ngày đăng: 06/09/2013   Lượt xem: 700)
Nhiều năm qua, nghề làm đá làng Ninh Vân (xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) đã giúp cho kinh tế phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn. Thế nhưng, cùng với đó là tình trạng khói bụi, ô nhiễm cũng đang "đầu độc" cuộc sống nơi đây.

Ðại công trường sản xuất

Nếu nói Ninh Vân là "xã công trường" cũng đúng, bởi từ đầu đến cuối la liệt các xưởng khai thác, chế tác đá mỹ nghệ của hơn 500 hộ. Thêm nữa, các nhà máy xi măng, khai thác đá, sản xuất phân lân cũng "tích cực" nhả khói ra môi trường khiến cho không khí nơi đây càng trở nên đậm đặc.

Anh Bùi Trường Kiên, một người dân trong xã cho biết: "Cứ đi đến đầu xã đã thấy bụi cuốn, rồi xa xa ngoài cánh đồng, nhiều chỗ đã bị đá lấn, về đến nhà thì bụi. Có hôm thời tiết xấu, khí nén xuống, khói ở các nhà máy xi măng không thoát ra được, ngột ngạt vô cùng".
 
Theo anh Kiên đến gần khu vực khai thác đá thôn Dưỡng Thượng, đây là đoạn đường có lưu lượng xe vận tải lớn nhất, thường xuyên cuốn khói bụi và cày đường làm cho con đường này lúc nào cũng trở nên lạo xạo. Tất cả các ngôi nhà ở hai bên đường đều được phủ một lớp bụi trắng. Tất nhiên chúng tôi không thể cứ thế đi mà phải vừa đeo khẩu trang, vừa bịt mũi. Anh Kiên giới thiệu với mấy người thợ rồi phải xin phép... chạy trước vì bụi. Tại một bãi chế tác, tôi gặp anh Phạm Văn Khoa (sinh năm 1978), là người ở xóm 18, xã Khánh Thành (Yên Khánh - Ninh Bình), là tổ trưởng một tốp thợ đang làm việc.
 
Mỏi mòn làng đá...! 1
 Ninh Vân trở thành đại công trường.
Anh Khoa cho biết, từ hơn chục năm trước đã theo một số anh em đến Ninh Vân làm thợ. Sau khi thấy ở đây kiếm ăn được, anh đã vận động mấy anh em trong xã cùng đi rồi đứng lên nhận thầu công trình, nhận hàng và cùng chế tác. Hiện tại, anh cũng đã mua được một mảnh đất nhỏ và dựng nhà trong khu vực bụi bặm này, đón vợ con ở quê ra. Dẫu biết vất vả, bụi bẩn, nhưng anh Khoa vẫn cố gắng động viên vợ: "Chỉ kiếm ăn chừng chục năm nữa rồi lại bán đi về quê, mình nhé!".

Dẫn tôi đi trên con đường trục chính của xã, cũng là nơi đi vào bãi khai thác, anh Khoa bảo: "Xe cứ chạy suốt ngày như thế, mìn nổ, đá sạt, mọi gia đình ở đây đều phải quây bạt kín nhà, nếu không thì bụi tràn vào, chỉ một tiếng đồng hồ là phủ kín toàn bộ đồ dùng".

Ấy thế, hơn một vạn dân trong xã không chỉ phải chịu ô nhiễm tiếng ồn, không khí do nghề nghiệp của mình mà còn phải gánh chịu hậu quả từ Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng, Công ty gạch Tuy-nen Toàn Thành, Nhà máy phân lân Ninh Bình. Nhiều ông chủ từ nơi khác đến đầu tư, mở doanh nghiệp đua nhau "chạy" tiến độ theo các đơn đạt hàng đã thúc thợ làm việc cả ngày lẫn đêm gây nên tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của người dân xung quanh.
 
Về phía các nhà máy, trước khi làm việc với UBND xã và bà con đã cam kết là có đề án giảm thiểu ô nhiễm bằng màng lọc hiện đại, không xả nước thải và khói bụi gây thiệt hại cho dân. Nhưng họ vẫn ngang nhiên không chấp hành. Nhiều người còn "tố" Nhà máy xi măng Duyên Hà thường xả trộm khói thải vào ban đêm, đã "tra tấn" cuộc sống của hàng ngàn người.

Nghịch cảnh khó tránh

Phải khẳng định, nghề đã khiến cho người dân trong xã có của ăn, của để. Từ nghề cấy lúa vất vả, thu nhập bấp bênh, đến nay nhiều hộ đã xây dựng nhà cao tầng. Một người bình thường thu nhập cũng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ nhận công trình thu nhập cao hơn nhiều. Người dân cũng đầu tư mua hơn 100 chiếc ôtô và riêng hai thôn Xuân Phúc, Xuân Thành là 70 chiếc.

Ấy thế, hỏi người dân có sướng thì không phải ai cũng dám nói ra sự thật. Nhưng không ít cụ già khẳng định: "Giàu nhưng không sướng". Để chứng thực, tôi tìm đến ông Nguyễn Yên Bình - Trưởng trạm y tế xã Ninh Vân và nhận được những tiếng thở dài: "Giàu đấy mà có sướng đâu! Được về kinh tế thì phải sống trong ô nhiễm không khí và tiếng ồn bao quanh. Bụi bẩn lẫn vào không khí, rau quả, thức ăn, nguồn nước sinh ra rất nhiều bệnh tật. Xã cũng đã được đầu tư nhà máy nước, cách khu dân cư 2km nhưng theo tôi đây chỉ là nước trong thôi chứ chưa phải nước sạch. Nếu cứ tình trạng này thì bệnh tật nhiều lắm".

Ông Bình bỏ cuốn sổ theo dõi sức khỏe của người dân ra để làm chứng, trong đó có thống kê từ năm 2004 đến tháng 9/2012 đã có 107 ca tử vong vì ung thư phổi, dạ dày. Điều đáng nói là, những nạn nhân bị "bão" ung thư cướp đi đa số là người có tuổi đời từ 35-50 tuổi. Cái giá của sự giàu có thật quá đắt.

Hỏi, thế ông có biện pháp gì giúp người dân? Ông Bình lắc đầu: "Chúng tôi thì làm gì được, quan trọng là phải tự người dân và các cơ quan chức năng. Tôi chịu trách nhiệm trước chuyên môn và khẳng định nếu không có biện pháp hữu hiệu thì còn bệnh nặng, còn chết trẻ!".

Bệnh tật, ô nhiễm, không chỉ ông Bình sợ, người trực tiếp làm nghề sợ mà không ít hộ dân không làm nghề cũng đang "ngán tận cổ", đặc biệt là các hộ đang sống cạnh các nhà máy xi măng. Ông Nguyễn Văn Dậu (thôn Phú Lăng, sống cạnh Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng) bức xúc: "Bụi làm cho nguồn nước không thể sử dụng được, cây cối bị ám, nhà cửa bị bao phủ, sáng ra vợ tôi quét nhà được cả bát bụi bẩn. Nhất là nếu ngày nào chẳng may máy móc của họ trục trặc thì ngày đó chúng tôi lĩnh đủ. Nhà máy này còn xả nước bẩn, làm ảnh hưởng đến đất trồng lúa của dân. Có những vụ cả trăm mẫu lúa không được thu hoạch".

Mỏi mòn làng đá...! 2
 Dầm mình trong bụi đá.

Chẳng lẽ bó tay?

Đem những nhức nhối ở làng đá Ninh Vân lên hỏi Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hoa Lư. ông Bùi Đình Thành - Phó Trưởng phòng cho biết, phòng chỉ chuyên trách quản lý về hành chính và chỉ có một chuyên viên phụ trách vấn đề môi trường. Hằng năm, cán bộ cấp huyện chỉ là thành viên trong những đợt quan trắc. Phòng kiến nghị với các cấp đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, ưu đãi đất đai, quy hoạch làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
 
Hiện nay mới chỉ đưa được 69 hộ chế tác vào khu quy hoạch. Còn chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - Chuyên viên phụ trách môi trường (Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoa Lư) nói: "Nhận thức của người dân lao động còn quá thấp, khi sản xuất họ chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe. Phòng đã đôn đốc xã không cho dân để đá ở lề đường, các khu vực dân cư nhưng dân vẫn tái phạm. Chúng tôi cũng thường đi kiểm tra môi trường ở các nhà máy nhưng thấy sạch sẽ lắm, có thể ban đêm các nhà máy mới xả thải".

Ở cấp xã, lãnh đạo đã động viên người dân thu gom rác thải, tưới nước đường giao thông để giảm bụi. Thế nhưng, vào ngày nắng, vừa tưới xong đường cũng là lúc đường khô, không giảm được bao nhiêu bụi. Trong khi đó xe vận chuyển đá liên tục "hành", làm rơi vãi đất đá khiến bầu không khí chẳng lúc nào thôi ngột ngạt.

Rõ ràng, với những biện pháp yếu ớt kể trên là chưa thấm vào đâu so với mức độ ô nhiễm và những nguy cơ cũng như những hậu quả nhãn tiền mà người Ninh Vân phải gánh chịu. Chẳng lẽ các cơ quan chức năng bó tay? Chẳng lẽ người dân chấp nhận thu tiền đút túi, xây nhà, mua ôtô và chấp nhận sống bụi, có thể bị ung thư bất cứ lúc nào? Và thế hệ tương lai của làng nghề sẽ ra sao, hay chúng sẽ phải chịu cảnh "đời cha ăn mặn, đời con khát nước"?
                                                                                                              Theo: SK & ĐS
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.488.586
Tổng truy cập: