BÁU VẬT & KIỆT TÁC
(92)- Bảo vật quốc gia - tượng Bồ tát Tara
(Ngày đăng: 11/03/2024   Lượt xem: 23)

Từ lâu nay, văn hóa Champa đã nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á nhờ có sự giao thoa đặc sắc của văn hóa bản địa với những tôn giáo lớn bậc nhất như: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo... Tiêu biểu cho ảnh hưởng Phật giáo là pho tượng bằng đồng Bồ tát Tara hay Laksmindra Lokesvara được đúc trong thời kỳ Đồng Dương. Thời kỳ này trải dài từ cuối thế kỷ thứ IX-X, được sử sách ghi nhận là giai đoạn hưng thịnh nhất của Vương quốc Chiêm Thành xưa. Với giá trị văn hóa đó, tượng Bồ tát Tara hay Laksmindra Lokesvara (có ký hiệu 535/KL103) được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Tượng Bồ tát Tara. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Tượng Bồ tát Tara. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Theo cuốn Di tích và danh thắng uảng Nam (xuất bản năm 2000) thì di tích Phật viện Đồng Dương nằm trên địa phận thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35km về hướng Tây Nam. Theo nội dung tấm bia tìm thấy ở Đồng Dương, vào năm 875, Vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Khu di tích quan trọng nhất của Phật giáo Champa đã bị tàn phá trầm trọng bởi thiên nhiên và chiến tranh. Hiện nay, trong khu di tích này chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc.

Sau nhiều năm gần như bị rơi vào quên lãng, tình cờ vào ngày 10/8/1978, một nhóm người ở thôn Đồng Dương trong lúc đào gạch, đã tìm thấy một pho tượng Bồ tát Tara bằng đồng khá lớn nằm trong lòng đất ở độ sâu chừng 1,5m, cách khu đền thờ chính khoảng 100m. Tượng được đặt nằm ngửa trên một nền gạch, đệm một lớp sạn nhỏ và cát thô, phía trên tượng phủ đất cát và gạch vụn, cho thấy pho tượng được chôn giấu cẩn thận chứ không phải bị vùi lấp tự nhiên.

Đáng chú ý, hai pháp khí trên tay nữ thần khi đó vô tình bị gãy. Đây là vật biểu tượng cầm tay của tượng Bồ tát Tara: đóa sen (padma) bên tay phải và con ốc (sankha) bên tay trái mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của Vương quốc Champa thời kỳ Indravarman II. Đó là sự tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau của Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Theo quan niệm Phật giáo, hoa sen là biểu tượng cho sự thuần khiết và sinh hóa tự nhiên; con ốc trong Phật giáo là Pháp loa, một trong những vật cầm tay của Quán Thế Âm Bồ tát, tượng trưng cho lời giảng của đức Phật. Pho tượng Bồ tát Tara được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào năm 1981.

Theo hồ sơ, tượng Bồ tát Tara hiện đang được lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), theo đó: Tượng Bồ tát Tara với chất liệu đồng, cao 129,3cm, niên đại: Thế kỷ IX. Loại hiện vật: Cổ vật, văn hóa Champa. Tượng đứng, mặt rộng, cằm ngắn; trán hẹp, dẹt, đôi lông mày rậm, giao nhau; miệng rộng, môi dày, có vành môi sắc nét; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược cao lên trên và chia làm hai tầng; tầng tóc bên trên có hình Phật A Di Đà nhỏ ngồi xếp bằng. Tượng có mắt thứ ba ở giữa trán hình thoi lõm, cổ cao ba ngấn, thân eo, ngực căng tròn để trần, hai bàn tay giơ ra phía trước, dưới quấn sa rông dài hai lớp, lớp sa rông này thể hiện bằng những đường xếp ly lượn sóng từ thắt lưng xuống đến gần mắt cá chân bó sát mình.

Tượng bằng đồng có kích thước lớn, được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ tát tại Phật viện Đồng Dương (Phật viện lớn nhất của Vương quốc Champa) và là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Champa cổ (phong cách Đồng Dương) - một phong cách mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Champa. Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán. Tượng Bồ tát Tara đang được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Những năm qua, với một không gian trưng bày hợp lý cùng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật gốc tiêu biểu về văn hóa và con người Quảng Nam qua các thời kỳ, Bảo tàng Quảng Nam đã phục dựng làm phiên bản của nhiều Bảo vật quốc gia như: Pho tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (Tượng thần Shiva), đầu tượng thần Shiva và Ekamukhalinga (Linga có một đầu thần Siva). Để người dân, du khách biết thêm về hiện vật tượng Bồ tát Tara Đồng Dương trong trạng thái hoàn chỉnh, Bảo tàng Quảng Nam tiếp nhận phiên bản tỷ lệ 1:1 chất liệu tổng hợp tượng Bồ tát Tara do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tặng.

Tượng Bồ tát Tara được đánh giá không chỉ là tượng Bồ tát bằng đồng lớn nhất, quan trọng bậc nhất của nghệ thuật Champa, mà còn của nghệ thuật tôn giáo khu vực Đông Nam Á, góp phần đa dạng hơn hệ thống các bảo vật quốc gia, hiện vật của nền văn hóa Champa mà Bảo tàng Quảng Nam đang bảo quản, trưng bày, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch.

                                    Theo; bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.475.510
Tổng truy cập: