LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Trăn trở nghề gốm Thổ Hà
(Ngày đăng: 21/09/2015   Lượt xem: 861)

Anh Tập trăn trở giữ nghề gốm Thổ Hà.

Anh Tập trăn trở giữ nghề gốm Thổ Hà.

Nhiều người làng Thổ Hà tự hỏi vì sao anh con rể nhà ông Trịnh Đắc Tân vẫn cặm cụi sớm hôm thay bố vợ nhóm lửa lò gốm, trong khi cả làng đã bỏ nghề từ lâu? Người thanh niên tâm huyết với gốm ấy là anh Nguyễn Văn Tập, 33 tuổi ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Thay bố vợ giữ nghề gốm

Về làng Thổ Hà hỏi người dân về nghề gốm Thổ Hà, đáp lại chúng tôi đều là những cái lắc đầu, tiếc nuối.

Ông Trần Văn An, trưởng thôn Nguyệt Đức cho biết: “Gốm Thổ Hà mai một phải đến mười mấy năm nay rồi, bây giờ cả làng này may ra chỉ còn hộ nhà ông Tân làm nghề”.

Trên đường tìm về nhà ông Tân, chúng tôi qua đình Thổ Hà, xưởng gốm hợp tác xã trước đây vẫn còn dòng chữ “Hợp tác xã gốm sành Thổ Hà”, thế nhưng, nhà xưởng đã bị bong tróc, phần sân trước của HTX bị trưng dụng làm nơi phơi than. Dấu ấn hoàng kim nghề gốm Thổ Hà nay chỉ còn lại trên những bức tường xếp bằng mảnh gốm độc đáo dọc đường làng.

Qua con hẻm cuối đường làng chúng tôi tìm đến xưởng gốm nhà ông Tân. Gần trưa, chị Tiên, con gái ông Tân vẫn đang cặm cụi chùi tấm phên phơi bánh đa, anh Tập (chồng chị Tiên) đang ngồi xoay gốm. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về gốm chị Tiên không dấu nỗi xúc động: “Bố em là người đam mê với nghề gốm nhưng ông mất năm ngoái rồi. Ông truyền lại nghề cho nhà em nhưng khó khăn lắm anh ạ”.

Chị Tiên là con cả nhà ông Tân. Anh Tập là người con rể duy nhất theo đuổi nghề của bố vợ từ khi ông còn sống. Ngày bố vợ mất, anh Tập về ở hẳn trong nhà ông Tân và cũng là xưởng gốm nhỏ của gia đình. Bất chấp mọi lời đàm tiếu của dân làng, điều khiến anh Tập lao tâm khổ tứ đó là làm sao để vực dậy nghề gốm.

Anh Tập kể lại: “Nhà bố vợ em có truyền thống làm nghề gốm lâu đời. Từ xa xưa những vật dụng lớn nhỏ trong gia đình, như cối, chĩnh, giỏ… đều được làm ra từ chính bàn tay thợ thuyền trong gia đình. Ngày đó Thổ Hà được ví như thủ phủ của gốm, nơi giao thương tụ họp các dòng gốm toàn miền bắc. Bến Nguyệt Đức khi ấy, lúc nào cũng tấp nập thuyền bè vào ra. Từ Thổ Hà gốm được thuyền chở đi các địa phương khác. Mọi sự bắt đầu thay đổi từ những năm 1990 khi mà các mặt hàng kim loại và gốm sứ Trung Quốc giá rẻ bắt đầu xuất hiện. Lúc bấy giờ gốm Thổ Hà làm ra nhưng không tiêu thụ được. Gốm được người dân phơi trắng xóa khắp bờ sông, rải khắp đường làng. Gốm không bán được, các hộ dân còn dùng cả mảnh gốm bị vỡ để xây hàng rào”.

Từ khi về làm rể, anh Tập càng thấu hiểu niềm đam mê với gốm của bố vợ. Năm 2006, khi nghề gốm đang đứng bên bờ vực phá sản, hai bố con ông Tân bàn nhau phải giữ nghề. Nói dễ vậy, nhưng khi bước vào thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Tiền đầu tư lò hết 30 triệu, mua đất 20 triệu, nguyên liệu đốt phải đặt mua ở xa. Dù làm rất bài bản nhưng những mẻ gốm lần lượt ra đời đều bị bong tróc, không như ý. Nghĩ là do tay nghề, ông Tập đã quyết định thuê chín người thợ cao tay trong làng như cụ Triệu, cụ Đường… mỗi người đảm nhiệm một công việc như đánh trốc, sư lò, sư thành. Vốn là những người thợ từng làm trong xí nghiệp nên may chăng sẽ phục dựng lại được lò gốm. Lúc ấy, hai bố con ông Tập hy vọng nhiều lắm, vậy nhưng thành công vẫn chưa đến. Xót xa hơn khi mọi việc đang dang dở thì bố vợ anh Tập đổ bệnh và mất vào năm 2014.

Trăn trở giữ nghề

Hàng rào mảnh gốm, một dấu ấn tại Thổ Hà.

Nhiều người khuyên anh Tập nên từ bỏ nghề gốm. Có người còn dè bỉu “Cao tay như bố vợ còn làm không xong, nói gì con rể”. Nhìn một lượt thì cả làng Thổ Hà cũng chả mấy ai đoái hoài đến nghề gốm nữa. Người nhiều vốn thì tập trung vào nấu rượu chất lượng cao. Đa phần người dân theo làm bánh đa nem, một nghề ít vốn, không tốn nhiều sức mà lại sáng làm chiều tối đã có tiền dắt túi.

Anh Tập tâm sự: “Với tôi, nghề gốm từ lâu đã là niềm đam mê vào trong máu thịt. Bố vợ tôi trước lúc ra đi còn nhắc tôi làm gì cũng phải giữ lấy nghề cha ông để lại, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Nghĩ vậy, đến nay tôi cùng với người chú ruột là ông Trịnh Đắc Định, vẫn quyết giữ nghề gốm gia truyền”.

Từ những mẻ gốm hư hỏng, anh Tập đã tìm ra được nguyên nhân đó là do công đoạn xây lò chưa chuẩn, lửa lò đốt hầu như không đọng được trên sản phẩm nên các sản phẩm ra lò không thành. Anh Tập đã quyết định đập lò cũ để xây lò mới. Trời chẳng phụ lòng người, từ khi xây lò mới các sản phẩm làm ra đã đạt chất lượng.

Theo anh Tập gốm Thổ Hà có nét đặc trưng đó là tất cả các sản phẩm làm ra đều từ bàn tay người thợ. Để làm ra một sản phẩm gốm Thổ Hà chính hiệu phải qua nhiều công đoạn từ khâu làm ải, xúc đất sang mai, dậu đất, sau đó phải chuốt thành phẩm bằng tay. Lúc đã se khô, phải cẩn, kéo rồi phơi khô trong tiết trời không quá lạnh, quá nóng, chờ đến khi gốm trắng khô thì đưa vào lò nung. Xưa kia nung bằng cỏ sau này nung bằng than củi. Người sư lò có vai trò rất quan trọng. Lửa nung nhiều khi không thể căn cứ trên thời gian mà phải bằng kinh nghiệm, ánh mắt của sư lò. Cùng mẻ gốm nhưng mỗi lò nung, lửa một kiểu khác. Sư lò giỏi thì sẽ cho ra nhiều gốm loại 1: tròn, mịn, đanh. Gốm Thổ Hà chính hiệu có màu cánh dán hay da lươn mà không nơi đâu có. Gốm không tráng men như nơi khác nhưng cầm trên tay gõ nhẹ nghe tiếng kêu như chuông.

Do làm thủ công nên gốm Thổ Hà không nhanh thành phẩm như các sản phẩm ở những nơi khác. Nếu như ở Phù Lãng một người thợ có thể làm ra 100-150 chiếc tiểu/ngày thì ở Thổ Hà cùng lắm chỉ được 30 chiếc/ngày. Đây cũng một nguyên nhân làm cho gốm Thổ Hà khó cạnh tranh.

Làm sao để giữ nghề và sống được bằng nghề gốm? Đó là câu hỏi anh Tập luôn trăn trở. Hiện, mỗi tháng gia đình anh chỉ nung 2-3 mẻ gốm, các sản phẩm bán theo nhu cầu thị trường như tiểu, chậu cảnh, chum rượu… nhưng theo anh Tập lời lãi không được bao nhiêu, chủ yếu để giữ nghề.

Mới đây xã Vân Hà có dự án kêu gọi các hộ dân vào các khu công nghiệp sản xuất tập trung nhưng không mấy ai mặn mà, vì khó tìm đầu ra cho sản phẩm, trong khi trên thị trường nhiều loại gốm Trung Quốc giá rẻ đang thịnh hành.

Đến bao giờ nghề gốm Thổ Hà được hồi sinh, người làm gốm có thể sống được bằng nghề trên chính mảnh đất cha ông mình? Đó là dấu hỏi của không chỉ riêng anh Tập mà là niềm trăn trở chung của người dân Thổ Hà.

                                                                                                            Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.503.500
Tổng truy cập: