LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
"Khát" truyền nhân
(Ngày đăng: 29/03/2014   Lượt xem: 809)

Cần có cơ chế khuyến khích người trẻ học nghề.

Giới trẻ thờ ơ, thoát ly nghề truyền thống đã trở thành xu hướng lan rộng ở nhiều làng nghề. Cơn "khát" truyền nhân chưa được hóa giải. Nghệ nhân đành giữ nghề với tâm thế chờ đợi một ngày lớp trẻ quay trở lại sống chết với nghề.

Muốn truyền nghề nhưng ít người học

Hiếm có ai tâm huyết và đau đáu giữ nghề như nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước, làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Cả ngày ông cặm cụi làm việc, thiết kế mẫu mới và không quản ngại truyền nghề. Ông Phước là đời thứ chín giữ nghề ở ngôi làng này. Nhưng xem ra chính ông cũng hiểu nỗi mong ngóng được truyền nghề cho lớp trẻ thật khó khăn biết mấy khi mà sống bằng nghề làm tranh mỗi ngày mỗi khó. Không bằng lòng với mức thu nhập ít ỏi, trách sao giới trẻ xao nhãng học hỏi nghề.

Nếu nhìn trong biến thiên của lịch sử, đã có lúc tưởng chừng làng Sình mất nghề. Có không ít bản khắc gỗ đã bị đốt bỏ. Chính ông Phước là người đã đào đất chôn mộc bản, âm thầm chờ cơ hội đến ngày phục dựng nghề. Mãi đến năm 1996, nhận thức thay đổi, Nhà nước khuyến khích khôi phục nghề làm tranh, khi đó chỉ còn mỗi ông Phước giữ được mộc bản và nắm giữ kỹ thuật khắc. Vậy nên, không ai khác, lại là ông xắn tay vào việc. Nhưng sức người có hạn, ông ý thức rất rõ muốn giữ nghề phải tìm được truyền nhân. Ấy thế nhưng, tìm được người thật sự có tâm không hề đơn giản. "Cái ngày quyết phục dựng làm nghề, tôi lặn lội vận động người làng học, vận động mãi đến nay cũng chỉ được 40 hộ theo. Nay tôi vẫn treo biển dạy miễn phí, nhưng thi thoảng mới có người đến học", ông Phước chia sẻ.

Rời Huế, ngược ra bắc, làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) cũng có chung nỗi trăn trở như vậy. Thời hưng thịnh, làng từng sánh vai với các làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng. Nhưng vòng xoáy của cơn lốc thị trường khiến cho hàng chục lò "tắt lửa", cả làng chẳng ai quan tâm đến gốm nữa. Mãi đến năm 2006, "người hùng" Trịnh Đắc Tân đứng lên với quyết tâm vực dậy nghề. Qua bao nhiêu cố gắng, ông Tân dạy nghề cho một số thợ, con gái và con rể. Ông còn muốn lửa tiếp tục cháy trong nhiều lò để gốm làng Thổ Hà lại nức tiếng như xưa. Nhưng dẫu ông muốn dạy nghề cho thật nhiều thanh niên thì lại có quá ít người chịu học. Ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, khát vọng của ông cũng không trọn. Giờ đây, kế nghiệp ông là người vợ và người con rể nhận lấy trách nhiệm giữ lửa cho gốm Thổ Hà.

Chung tâm sự, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính, làng thêu Minh Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) luôn đau đáu việc giữ nghề, nhưng oái oăm thay, ngay chính ba người con, không ai học được nghề của cha. Muốn truyền nghề cho thanh niên trong làng cũng chẳng mấy người mặn mà. Người trẻ có xu hướng tìm đến các công ty may "ăn xổi", kiếm dăm ba triệu đồng mỗi tháng. Với khả năng tài chính hạn hẹp, ông Bính mở xưởng, duy trì nghề và chỉ "kéo" được khoảng 20 người, đa số là phụ nữ lớn tuổi đến học và làm. Ông Bính chia sẻ: "Phải nói với anh là tôi rất thèm có người học. Nhưng giới trẻ ngày nay họ nghĩ khác lắm, tôi có ý tốt, có tâm huyết nhưng không ai hợp tác thì đành lực bất tòng tâm".

Cách nào giữ chân?

Là người được phong nhiều danh hiệu nghệ nhân, cũng đã lập hai kỷ lục về tranh thêu, ông Lê Văn Kinh ở 82 Phan Đăng Lưu (TP Huế) nổi tiếng là người "máu lửa" với công tác dạy nghề. Có thể nói, ba năm trở về trước, cứ nơi nào cần dạy thì ông đến và đến một cách đầy trách nhiệm, không nhận tiền công. Suốt mấy chục năm truyền dạy, học trò của ông khá nhiều người giỏi nghề thêu, nhưng chưa được công nhận danh hiệu nghệ nhân. Đó là lý do chưa khích lệ, động viên được nhiều người trẻ tận hiến cho nghề. Nghệ nhân Lê Văn Kinh đau đáu: "Năm nay tôi 86 tuổi, sức đã yếu nhưng tôi vẫn dạy học trò ở tại nhà. Ngay cả những em khuyết tật, tôi vừa dạy nghề vừa trả lương như lao động chuyên nghiệp. Tôi quan niệm, đã là người được tôn vinh, hoặc biết nghề mà không truyền dạy cho học trò là có lỗi với đời. Thầy dạy miễn phí, với trách nhiệm cao cũng là cách níu kéo học trò".

Có rất nhiều làng nghề truyền thống đang cùng chung nguy cơ thất truyền như làng làm đàn Đào Xá, làng quạt giấy Chàng Sơn, làng nón Chuông, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội). Những nghệ nhân nắm giữ bí quyết, giỏi nghề nay đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, trong khi đó... mỏi mắt mới có một người trẻ yêu nghề. Nghệ nhân Đào Văn Soạn (làng đàn Đào Xá) sốt ruột: "Theo tôi, dạy nghề làm đàn không chỉ là giữ nghề, mà còn là giữ văn hóa của làng. Đi vận động các em học nghề miễn phí đấy nhưng cũng ít em chịu học. Một mình tôi có nỗ lực cũng không lại được...".

Để tạo nên sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp tinh hoa của đời trước được truyền cho đời sau không thể chỉ trông vào lửa nhiệt tình của các lão nghệ nhân. Cũng không thể trông đợi vào sự tự ý thức của người trẻ. Rõ ràng, câu chuyện tự tìm đến với nhau để truyền nghề chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là sự vào cuộc của các hội làng nghề, của cơ quan quản lý nhà nước, làm sao tạo được cơ chế khuyến khích làng nghề phát triển, từ đó, người trẻ nhận ra cơ hội để sống trọn vẹn với nghề. Coi việc tiếp nối là động lực để vươn tới một giá trị lớn hơn câu chuyện mưu sinh mỗi ngày. Chỉ như vậy, họ mới gắn bó với nghề, với làng, thay vì việc ly hương tìm kiếm cơ hội ở những nơi mà họ thực chất không thuộc về. Đây là một bài toán khó, nhưng không phải không có cách giải.

                                                                                    Theo: nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.502.366
Tổng truy cập: