Tin tức nổi bật
Tranh sơn khắc Việt: Sao nỡ bị lãng quên?
(Ngày đăng: 23/05/2019   Lượt xem: 695)

Tranh sơn khắc là một loại hình nghệ thuật một thời huy hoàng của hội họa Việt Nam. Trải qua những thăng trầm và biến động, sơn khắc Việt đã dần bị lãng quên. Cho đến nay, nhiều tác phẩm sơn khắc nổi danh một thời chỉ còn trong các viện bảo tàng hoặc thi thoảng xuất hiện ở một vài cuộc triển lãm.

tranh son khac viet sao no bi lang quen
Họa sỹ Đặng Tin Tưởng

Nghệ nhân Trần Thành Đạt, Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, tranh sơn khắc ở nước ta ra đời sớm nhất và còn đẹp hơn cả tranh sơn khắc của Nhật. Thời điểm năm 1945 đến 1995 là lúc tranh sơn khắc ở nước ta phát triển mạnh nhất.

Thời điểm đó, các sản phẩm của làng Hạ Thái chiếm tới 70% hàng xuất khẩu, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân trong làng và cả các địa phương khác, đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ gia đình.

Theo lời ông Đạt, học sơn khắc khó bởi cách vẽ của dòng tranh này khác hẳn với sơn mài. Nếu như sơn mài người ta có thể vẽ bằng chổi hay bút lông, cũng có khi là chất liệu mềm rồi mới quét sơn lên vóc thì sơn khắc khâu đoạn lại làm khác hẳn. Sơn khắc là nghệ thuật của đồ họa, sự hoàn thiện của bức tranh phụ thuộc vào những nét chạm khắc và những mảng hình tinh tế, giàu cảm xúc.

Cuối cùng mới là việc tô màu nhằm tạo sự khắc họa mạnh. Tranh sơn khắc xuất phát từ gốc tranh sơn mài. Nếu như ở tranh sơn mài thông thường, để có một tấm vóc vẽ người ta phủ sơn ta, vải lên tấm gỗ và mài phẳng, thì tranh sơn khắc độc đáo ở chỗ phải sử dụng kỹ thuật thủ công để khắc lên tấm vóc sơn mài.

“Tranh sơn khắc từ phôi thai, phác thảo đến lúc hoàn thành có khi kéo dài cả năm trời. Chẳng hạn, riêng công khắc ở bức tranh khổ nhỏ thường tôi làm cả ngày lẫn đêm thì mất 2 ngày, phối màu mất 3 ngày. Để người trẻ học được nghề cũng sẽ mất khoảng 6 tháng đến một năm” - ông Trần Thành Đạt chia sẻ.

tranh son khac viet sao no bi lang quen
Bức tranh sơn khắc của họa sỹ Đặng Tin Tưởng

Tranh sơn khắc đòi hỏi rất kỹ về phác thảo, bố cục, cũng như mảng màu sáng tối mà màu đen của vóc là chủ đạo. Dù trên diện tích bức tranh khổ lớn bao nhiêu nó vẫn rất cần kỹ càng và chính xác đến từng xăng-ti-mét. Nếu sai, bức tranh sẽ gần như bị hỏng, các đường nét phải khắc họa lại từ đầu.

Kỳ công là vậy nên giá thành mỗi sản phẩm sơn khắc thường khá cao, trung bình từ 4 đến 25 triệu đồng một bức. Giá thành cao lại yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, mỹ thuật nên theo Nghệ nhân Trần Thành Đạt, nhiều người trong làng đã từ bỏ, không làm dòng tranh này nữa.

Nghệ nhân Trần Thành Đạt cho rằng, tranh sơn khắc làm mất nhiều thời gian và công sức nhưng khó bán. Họa sỹ làm tranh sơn mài, với chất liệu ngoại nhập cho rẻ và ít tốn công sức, dễ bán hơn. Hầu như cả làng đã quay lưng, bỏ rơi dòng tranh sơn khắc vào lãng quên.

Như một lẽ xoay vần tự nhiên, sự phát triển của làng nghề Hạ Thái dần chùng xuống. Làng nghề bước vào thời kỳ suy thoái, ông Đạt khi đó cũng như bao người thợ khác đều phải quay về làm ruộng.

Trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, nói tới thể loại tranh sơn khắc, không thể không nhắc tới họa sỹ Đặng Tin Tưởng với những tác phẩm khổ lớn đã nhận nhiều giải thưởng như: Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền Ngọc Sơn trong ngày hội...

Từ trẻ đã say mê vẽ tranh cổ động theo phong trào, con đường nghệ thuật của họa sỹ Đặng Tin Tưởng trải dài theo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Miền Bắc. Ông làm tranh khắc gỗ, in đá, in kính, thể nghiệm các kỹ thuật đồ họa khác nhau trên cơ sở các ghi chép tỷ mỷ về các "đề tài mũi nhọn", khi đó là đời sống sản xuất và chiền đấu của công, nông, binh.

Bước chuyển quan trọng của họa sĩ là loạt tranh sơn khắc đồ sộ về các danh thắng và kiến trúc cổ. Chất sơn làm cho các nét thêm mềm mại và màu làm cho bố cục thêm lung linh. Sơn khắc gần mỹ nghệ, nhưng nhờ sức nặng hiện thực và tình cảm nâng niu, tôn thờ di sản cha ông của họa sĩ mà thành các tác phẩm hội họa độc đáo.

Sắp tới đây, Họa sỹ Đặng Tin Tưởng sẽ mang những tác phẩm sơn khắc của mình tham gia một triển lãm lớn do Bộ Ngoại giao và Hiệp hội UNESSCO Việt Nam bảo trợ, cùng với 3 họa sỹ, nghệ nhân “gạo cội” khác. Qua triển lãm này, họa sỹ muốn làm sống lại nghệ thuật tranh sơn khắc Việt đang đứng trước nguy cơ bị phôi phai, quên lãng.

Họa sỹ Nguyễn Quân nói về tranh của Đặng Tin Tưởng: “Trong thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa là dòng chảy duy nhất được chấp nhận các tranh sơn khắc khổ lớn của Đặng Tin Tưởng về các nhà máy và hoạt động sản xuất công nghiệp.

Ông đã kết hợp trót lọt kỹ thuật trang trí truyền thống với đề tài hiện đại và bút pháp tả chân. Giờ đây nhìn lại các bức tranh với phương án sáng tác, trình bày đơn giản ấy ta thấy thật cảm động bởi chúng là chứng nhân sinh động của một giai đọan mỹ thuật ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Ở đầu kia của chuỗi sáng tác này là các tập hợp khá tuỳ hứng những cụm kiến trúc cổ của các vùng miền đất nước được hoạ sĩ mô tả cẩn thận, mang tính biểu trưng tạo nên các bức toàn cảnh giàu chất trang trí vui tươi. Đặng Tin Tưởng là một “thương hiệu” sơn khắc đáng tin cậy nhất của hội họa Thủ đô”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Triệu Thúc Đan từng nói: “Đặng Tin Tưởng thuộc số ít cây bút của hội họa hiện đại Việt Nam đã thành công trong việc săn đuổi cái đẹp của mảng tranh sơn khắc - chất liệu cổ truyền của hội họa Phương Đông. Đối với người yêu nghệ thuật nước ta, anh đã trở thành tác giả tranh sơn khắc…

Tác giả đã gây thích thú cho người xem bởi sự phong phú của bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý. Qua nhiều cách xử lý không gian tạo hình, lúc theo lối trung thực “phương Tây”, lúc khác lại theo lối “ước lệ” của họa pháp Á Đông.

Tùy theo đề tài, cảnh trí, cỡ tranh, sự ăn ý giữa những mảng màu chắc khỏe, với nét khắc sắc sảo, lúc thanh mảnh, lúc mập mạp với bảng màu giàu sắc thái, lúc tưng bừng vui tươi, lúc êm dịu sâu lắng .... đã đem lại những hiệu quả tốt đẹp. Hoặc lột tả vẻ cổ kính, bề thế của di tích lịch sử với những không khí lễ hội rộn ràng, hoặc gợi chất thơ mộc mạc của phong cảnh đồng quê, hoặc làm nổi rõ nhịp điệu khỏe khoắn, sôi động của kiến trúc hiện đại và sản xuất công nghiệp….”.

Sơn khắc khó, đẹp và huy hoàng là thế, nhưng cho đến nay, đối với thế hệ các họa sỹ gạo cội như Đặng Tin Tưởng hay nghệ nhân Trần Thành Đạt và nhiều người dân ở các làng nghề tranh khắc gỗ chỉ còn là hoài niệm.

Nhiều người cho rằng, các họa sĩ trẻ ngày nay thích tiếp cận sơn dầu, acrylic, hoặc chọn khuynh hướng sáng tác theo những trường phái nghệ thuật đương đại, chú trọng đến yếu tố trực quan, nhằm tác động nhanh chóng đến người xem, với thời gian sáng tác thường ngắn hơn nhiều so với tranh sơn khắc.

Tranh sơn khắc từ phôi thai, phác thảo đến lúc hoàn thành có khi kéo dài cả năm hoặc lâu hơn nữa, do vậy không còn hấp dẫn các họa sĩ trẻ. Cạnh đó, thị trường chưa đánh giá hết nghệ thuật và công phu thực hiện tranh sơn khắc. Vì phải đầu tư thời gian và công sức hoàn thành tác phẩm nhiều hơn so với các tranh mỹ thuật khác, nên các tác giả tranh sơn khắc không thể bán rẻ, bán nhanh được. Do đó, làm tranh sơn khắc quả thật khó sống.
                                                                           Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.502.470
Tổng truy cập: