Tin tức nổi bật
Nghệ nhân thổ cẩm Thuận Thị Trụ:Đã đến lúc ngừng tay dệt, làm thơ..
(Ngày đăng: 13/08/2014   Lượt xem: 1012)



Nghệ nhân người Chăm Thuận Thị Trụ (Inrahani) vốn được vinh danh là "bàn tay vàng". Bà không chỉ có công trong việc vực lại làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp - một trong những làng có nghề dệt cổ nhất Đông Nam Á mà còn là người đầu tiên đưa thổ cẩm của dân tộc mình và các dân tộc thiểu số Việt Nam vươn ra thế giới. Tuổi 66, bà ấp ủ giấc mơ trở về với thơ ca, văn chương để trải lòng mình sau quãng đời gắn bó với sợi chỉ, khung dệt đầy thành công mà cũng lắm thách thức...

- Nhắc đến thổ cẩm Chăm của Ninh Thuận, người ta không thể không nhắc đến thổ cẩm của Công ty Inrahani, nơi đã đưa thổ cẩm Chăm ra thị trường trong nước và thế giới. Một mình bươn chải với niềm đam mê, trở thành một sứ giả văn hóa của dân tộc Chăm, hẳn bà đối mặt không ít trở ngại?

+ Yêu thổ cẩm và muốn thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp của mình đến với nhiều người, tôi từ giã nghề giáo để tìm hướng phát triển làng nghề khi nó có nguy cơ thất truyền. Năm 1988, khi nghe tin có người ở TP HCM muốn mua thổ cẩm, dù sắp sinh nhưng tôi vẫn cất công lặn lội vào TP HCM để tìm hiểu thị trường. Không đủ tiền, tôi đánh liều mua chịu tơ để mang về Mỹ Nghiệp cho chị em làm kịp đơn hàng. Lúc đầu, họ đặt hàng dệt bằng tay. Nhưng mỗi người có một tay nghề khác nhau nên có tấm dệt đẹp, nhuyễn, có tấm thô, xấu. Việc dệt tay chậm nên không kịp cho đơn hàng, sản phẩm lại bị thải loại nhiều. Một số chị em do túng bách, thu nhập từ nghề dệt chẳng là bao nên khi mình giao tơ, đặt cọc tiền trước cho họ là họ lặn mất tăm. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì mình không thể trụ vững.

Tôi đánh bạo cải tiến khung cửi dệt truyền thống bằng cách gắn động cơ để tạo thành khung dệt máy. Việc điều chỉnh hoa văn, họa tiết, màu sắc phụ thuộc vào mình. Chỉ cách này mới tạo ra những tấm thổ cẩm có chất lượng đồng đều. Để đi được vào thị trường, tôi làm ra những sản phẩm đa đạng như ba lô, túi xách, khăn tay… với những mẫu hoa văn cách điệu và màu sắc mới lạ. Đến năm 1993, gian hàng thổ cẩm Chăm có mặt tại Thương xá Tax (Trung tâm Thương mại TP HCM ) thì lúc đó nó mới thực sự được người ngoại quốc chú ý. Năm 2000, tôi thành lập Công ty thổ cẩm Inrahani tại quận Tân Phú, TP HCM , phân phối sản phẩm đi cả nước và xuất khẩu đến các nước như Thuỵ Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật, Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan… Thị trường lúc bấy giờ không cạnh tranh nhiều vì ít người đi theo con đường này. Tôi làm không xuể, có rất nhiều cơ hội nhưng mình không thể nắm bắt hết được. Chuyện bị lừa đảo, hủy đơn hàng… xảy ra liên tục.

- Trong những khó khăn đó, điều gì khiến bà lo ngại nhất?

+ Điều tôi lo ngại nhất là số lượng chị em gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ngày càng ít đi. Ở làng Mỹ Nghiệp hiện nay xuất hiện nhiều "cò" chèo kéo chị em bỏ khung cửi đi làm ở các khu công nghiệp may tại thành phố lớn. Cũng khó trách họ vì dệt thổ cẩm không nhiều tiền, lại tốn công trong khi đi làm công nhân may lại khá nhẹ nhàng mà lương cao. Số lượng nghệ nhân ở làng giờ còn lại không nhiều và đa số già cả.


Nghệ nhân Thuận Thị Trụ.

Dù phải dệt máy để đáp ứng đơn hàng nhưng tôi vẫn chủ trương trước khi dệt máy, các chị em phải biết dệt tay. Tôi coi đó như là cái gốc, nếu mất cái gốc này thì coi như tinh hoa thổ cẩm của dân tộc Chăm cũng mất. Ở xưởng, tôi không cho chị em dệt máy nhiều mà thi thoảng vẫn dệt tay, kẻo không chị em quên. Dệt máy mang tính công nghiệp, còn dệt tay là sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật từ sự ngẫu hứng và tài năng của nghệ nhân. Tôi chủ trương như vậy cũng từ chuyện kể của cậu con trai. Nó tham quan một làng nghề thổ cẩm của người Chăm định cư tại Thái Lan. Việc dệt tay không kịp đáp ứng hàng cho thị trường nên làng nghề của họ toàn dệt máy. Lâu dần, họ quên hẳn kỹ thuật dệt tay.

- Khó khăn, thử thách là thế, vậy điều gì đã làm bà bám trụ lại với hành trình gìn giữ và quảng bá thổ cẩm Chăm đến tận bây giờ ?

+ Tôi biết đến sợi chỉ, khung cửi từ khi còn là một cô bé. Hồi đó, dưới sự truyền dạy của mẹ, tôi đã tự dệt và làm cho mình những cái áo, chiếc váy. Sau này kinh doanh thổ cẩm, tôi thỏa sức sáng tạo ra những hoa văn và phối màu mới vì người Chăm dệt thổ cẩm chỉ quanh quẩn có bốn màu đỏ, xanh, trắng, vàng. Từ 36 hoa văn truyền thống, tôi đã cách điệu hơn 50 hoa văn khác, chế tác gần 300 mẫu các loại. Công sức của tôi được ghi nhận khi hơn 200 chị em nghèo ở địa phương có công ăn việc làm. Khi việc kinh doanh ăn nên làm ra, gia đình tôi đã làm phòng trưng bày văn hóa Chăm tại địa phương, hỗ trợ chi phí mổ đục thủy tinh thể cho bà con nghèo, tài trợ cho các cuộc thi tài năng của thanh niên Chăm… Tôi quan niệm việc bám vào nghề truyền thống của quê hương để đi lên là điều vinh quang đáng tự hào. Nhiều người học theo mình để mở cơ sở mới và gặt hái nhiều thành công.


Các nghệ nhân của Công ty Inrahani biểu diễn dệt thổ cẩm Chăm tại một hội chợ triển lãm quốc tế.

Thấy thổ cẩm Chăm bán chạy, trong khi thổ cẩm Thái, Mông... rất đặc sắc nhưng lại khó khăn tìm kiếm đầu ra nên tôi tìm cách thu mua, làm đa dạng mẫu mã để giới thiệu với thị trường TP HCM và xuất khẩu ra nước ngoài. Những chuyến đi đến Bỉ, Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ… giao lưu và quảng bá thổ cẩm trong các dịp liên hoan, triển lãm quốc tế đã mang đến cho tôi những ấn tượng bất ngờ về sự đón nhận nồng hậu của bạn bè quốc tế. Hồi gian hàng của tôi mới mở trên Thương xá Tax, có một du khách người Pháp đi ngang qua bỗng reo lớn như đứa trẻ: "Trời ơi, thấy rồi, nó đây rồi!". Ông nhảy cẫng, reo hò khi tìm thấy loại thổ cẩm mà bấy lâu tìm kiếm. Một nhà kinh doanh người Nhật thì sẵn sàng rút thẳng 100 triệu đồng để mua hết số hàng thổ cẩm tồn kho.

- Sản phẩm của công ty đoạt bốn huy chương vàng ở hội chợ triển lãm trong nước, riêng bà được Hội đồng Trung ương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng Huy hiệu "Bàn tay vàng". Các báo nước ngoài viết về bà như đại diện tiêu biểu của một nền văn hóa độc đáo. Bà đã đem lại cho họ điều thú vị gì qua những tấm thổ cẩm?

 + Thông thường, thổ cẩm của một số nước phải dệt rất lâu mới ra hình hoa văn, họa tiết, nhưng với thổ cẩm Chăm thì chỉ cần vài ba phút sẽ dệt ra một hoa văn. Người ta quan sát mình dệt sẽ thấy được điểm mở đầu và kết thúc của một họa tiết, hoa văn nên họ lấy làm thích thú. Dân tộc Chăm có loại khung cửi tạo nên tiếng nhạc thú vị khi dệt. Đó là tiếng leng keng từ sự va chạm của những mẩu san hô được treo để giữ sợi tơ bắt bông. Bàn tay của nghệ nhân thoăn thoắt trên khung cửi hòa nhịp cùng chuỗi âm thanh tạo nên một hình ảnh thu hút người thưởng lãm.

Khi dệt, tôi thường giới thiệu cho bạn bè quốc tế về nét đặc sắc của thổ cẩm Chăm nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Chẳng hạn như tôi giải thích hoa văn của các vị chức sắc tôn giáo là hoa văn con rồng. Hoa văn thông thường cho người bình dân hình quả dưa, chân chó, hạt mưa, dây leo… Ngoài ra, có nhiều loại hoa văn cho váy nữ giới rất thiêng liêng mà người ta chỉ mặc khi đóng vai nữ thần trong điệu múa truyền thống.

- Sau những giờ thả hồn sáng tạo ra những tấm thổ cẩm tinh tế, mộc mạc, bà cũng dành thời gian làm thơ, viết văn. Tập thơ "Em, hoa xương rồng và nắng" đoạt giải của NXB Kim Đồng 2001-2002 là một ví dụ. Phải chăng văn chương chỉ là một phút giải khuây?

+ Ước mơ lớn nhất trong đời tôi là gắn bó với con chữ nhưng sự học của mình lại không toàn vẹn. Tôi làm tập thơ trên quả đúng chỉ là làm vu vơ, chơi chơi nhưng mình vẫn ấp ủ ước mơ được cầm bút mà nói lên nhiều trăn trở. Đến bây giờ, mọi thứ đã tạm ổn định, không lâu nữa tôi sẽ giao lại công việc kinh doanh thổ cẩm cho con trai để mình có thời gian viết sách, đàng hoàng bước vào nghiệp cầm bút. Tôi sẽ viết tiểu thuyết, viết cho nhu cầu tự thân của chính mình. Tất nhiên ngoài cuộc hành trình với thổ cẩm đến những xứ sở xa xôi, nó còn là những câu chuyện khác về nhân tình, thế thái. Bây giờ tôi còn sáng suốt, minh mẫn để bắt đầu viết. Để thêm thời gian nữa, tôi sợ muộn mất.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

                                                                                                 Theo: Cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.509.848
Tổng truy cập: