ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Phục dựng món bánh cổ Hà Nội thất truyền
(Ngày đăng: 27/06/2013   Lượt xem: 587)

Trong mâm cỗ Hà Nội xưa không thể thiếu các loại bánh dân dã mà tinh túy như bánh gấc, bánh giành giành, ngải cứu, bánh mảnh cộng… Trong đó, bánh mảnh cộng được nhiều người ưa thích không chỉ vì thơm ngon mà còn rất tốt cho xương khớp.


Trong dân gian, mảnh cộng là một loại thuốc quý, giàu canxi, có công dụng điều kinh, giảm đau, trị loãng xương kể cả mãn tính. Cây mảnh cộng thường mọc hoang ở các bờ rào, bờ giậu làng quê miền Bắc, sinh trưởng mạnh vào mùa hè nên ăn thơm ngon nhất trong mùa này.

 

Ngoài dùng như một vị thuốc, lá mảnh cộng còn được người nông dân ăn thay rau. Một số gia đình giã lá lấy nước làm bánh, tạo ra một loại bánh xanh ngắt, đượm mùi thanh khiết.

 

Qua thời gian bánh mảnh cộng giờ chỉ còn là kí ức trong trí nhớ của người Hà Nội. Nhiều người hoài cổ, muốn ăn loại bánh này nhưng không tìm đâu người biết làm. Và thế là trong hành trình phục dựng món ăn cổ Hà Nội, chàng trai Hà Nội gốc Nguyễn Phương Hải đã mất hàng năm trời đi tìm loài cây mảnh cộng.

 

Hải nói: "Trong quyển sách dạy nấu ăn xưa của cụ Vân Đài chỉ cách làm bánh mảnh cộng nhưng không cho biết mảnh cộng là loại cây gì, hình dạng thế nào. Tôi đã đi hỏi các vị cao nhân nhưng giờ không ai biết loại cây ấy ở đâu. Rất nhiều lần đi lại làng thuốc Nam Đại Yên (Đội Cấn, Hà Nội), lượn khắp các chợ Hàng Bè, Nguyễn Cao... đều không thấy, mà để phục dựng được bánh mảnh cộng thì nhất thiết phải có loại lá này".

 

Hải nhờ bạn bè, học viên của anh ở các tỉnh về quê tìm. May thay, trong một lần đi Vĩnh Phúc, Hải được một bác nông dân cho biết loại cây đó mọc hoang ở vườn, ông thường dùng nó để nấu canh. "Tôi hăm hở theo bác nông dân về nhà và khi nhìn thấy cây đó, tôi không dám tin ở mắt mình, nó là dạng thân thảo, mềm yếu mà tôi vốn tưởng nó là cây thân gỗ, cây cổ thụ trong rừng kia", Hải cho biết.

 

Hải xin vài bụi về ươm. Anh xem đó như cây quý, dù bận rộn vẫn chạy xe qua tưới nước ngày một. "Khi bụi cây xum xuê, tôi bắt tay vào làm bánh thì bột đỗ xanh lọc - một nguyên liệu trong món bánh thất truyền lâu năm này - cũng không dễ làm như tôi tưởng (1kg đỗ xanh, anh Hải chỉ làm ra được 200g tinh bột đỗ xanh, bột lại nhanh hỏng). Lần nữa tôi lại phải lần mò liên hệ với một nghệ nhân làm bánh người Hà Nội, đã chuyển vào Nam", Nguyễn Phương Hải kể.

 

Theo chàng đầu bếp này, để phục dựng bánh mảnh cộng anh phải nhờ các cụ cao tuổi làm "giám khảo". Cứ làm được mẻ bánh nào, Hải lại mang đến cho các cụ nếm thử. Sau nhiều lần cân đo, đong đếm các định lượng nguyên liệu, Hải cho ra loại bánh mảnh cộng với màu xanh đặc trưng, dai, thơm bùi, tinh khiết, như vị bánh cổ trước đây.

 

Cụ Vịnh (chủ một cửa hàng bánh cổ truyền) - một người hiếm hoi ở Hà Nội giờ vẫn làm loại bánh này - nói: "Nhiều người không biết bánh mảnh cộng là gì, thực ra nó làm từ cây thuốc nam có tên mảnh cộng. Bánh này cổ truyền, chỉ miền Bắc mới có, rất giàu can xi, tốt cho xương khớp, có mùi thơm đặc trưng. Giờ ở Hà Nội không mấy ai biết loại bánh này nữa".

 

"Cái đáng quý của bánh mảnh cộng còn là phải làm hoàn toàn thủ công, nguyên liệu trong nước, không được sử dụng các chất phụ gia. Cho nên dù ngày xưa hay bây giờ, đây vẫn là một loại bánh ngon, tốt cho sức khỏe, thay đổi khẩu vị cho người ăn", cụ Vịnh chia sẻ./.

                                                                                            Theo: VnEpress

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.507.415
Tổng truy cập: