ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Đưa tinh tuý gia truyền ra chợ
(Ngày đăng: 26/05/2013   Lượt xem: 438)
Mới đầu năm, bà Tư Cúc ở cồn Bần, TP Trà Vinh, đã uỷ thác xuất 15 tấn bột bần nấu lẩu qua một công ty xuất khẩu. “Công ty xuất khẩu nói bắt đầu giao hàng qua Úc, Canada cho mấy nhà hàng của người Việt mình”, bà Tư Cúc thật thà nói. Chuyện mở được thị trường như bà Tư Cúc nay không hiếm.

Bột bần, mứt của bà Tư, bán trong một số siêu thị TP.HCM, nhưng không lọt vô “Giỏ quà tết 2013” do nhiều lý do giống như những cơ sở đặc sản từ miền Tây về thành phố. “Liệu chữ “bần” có ảnh hưởng gì tới sức mua không?”, có ý kiến ái ngại trong CLB Đặc sản.

Các tiểu thương và đại diện siêu thị nghe cơ sở đặc sản giới thiệu sản phẩm.

Những giới hạn

Năm ngoái, cơ hội “giỏ quà Tết” vuột khỏi tầm tay hầu hết thành viên CLB Đặc sản – sản phẩm làng nghề Trà Vinh lý do cận tết không đủ hàng, không đủ giấy tờ thủ tục cần thiết theo quy định từng ngành hàng, nhất là nhóm thực phẩm. Một số loại hàng không hợp quy cách đóng gói (vì phải bảo quản cấp đông), hợp đồng bên ngoài đang hút và nhiều cơ sở tự rút lui khi biết mình... “còn non”.

Anh Nguyễn Trường Chinh, chủ nhiệm CLB Đặc sản – sản phẩm làng nghề Trà Vinh cho rằng với những sản phẩm hiện có, đủ cho bữa tiệc đặc sản, nhưng chỉ có thể vừa nhu cầu của các nhà hàng khách sạn chứ chưa đủ hàng cho siêu thị.

“Siêu thị đề nghị đóng gói nhỏ, nhưng tụi tui quen rồi cách giao xô. Giao hàng rồi thì siêu thị muốn chia bao nhiêu thì chia”, một chủ cơ sở nói. Một nhà cung cấp đang bán hàng cho siêu thị ở Trà Vinh rất tốt nhưng muốn bán qua cùng hệ thống đó tại Cần Thơ thì phải đàm phán từ đầu. Những trục trặc nhiều hơn nữa vẫn xuất hiện, ví dụ: “Siêu thị có nhiều điểm, mỗi điểm lấy vài chục ký, muốn làm với siêu thị phải chuẩn bị tinh thần và phí giao hàng”, chủ một cơ sở nói. Ngược lại, có siêu thị cho rằng đặt hàng số lượng lớn là các cơ sở hụt hơi liền.

Kết nối nguồn lực

Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh – hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức những chuyến đi cho các tiểu thương “Người bán hàng số 1” tới các cơ sở sản xuất đặc sản ở Trà Vinh tận mắt xem quy trình sản xuất, nghe kể những câu chuyện lau lách trần ai. Tại hội chợ HVNCLC ở An Giang hồi tháng 3.2013, các tiểu thương gặp lại các cơ sở đặc sản Trà Vinh, họ tự động trưng bày hàng giúp các cơ sở đặc sản và tư vấn cách chào hàng.

Trong ba năm đưa sản phẩm tinh tuý gia truyền ra chợ đã có hai cơ sở lên công ty, một cơ sở lên doanh nghiệp tư nhân. Lần lượt đưa hàng cho các siêu thị, nhà hàng ở TP.HCM trong chừng ấy năm, các thành viên CLB họp lại nhận xét: “Cuộc sống của chúng ta khá hơn và cũng có nhiều việc phải làm hơn”.

Các cơ sở nhỏ từng hụt hơi vì vốn liếng yếu quá. CLB Đặc sản góp tiền cho mượn vốn xoay vòng, nhưng 50 triệu đồng/vòng (lãi suất 0%) không còn phù hợp. Sau khi kết nạp thêm hai cơ sở mới, mức góp vốn mỗi đơn vị là 10 triệu đồng, quỹ tương trợ 120 triệu đồng. Từ tháng thứ hai, người mượn bắt đầu trả dần 10 triệu đồng, cứ hai tháng trả một lần. Đó là cách giúp các cơ sở chưa thể hoặc chưa dám tiếp cận ngân hàng.

Anh Nguyễn Trường Chinh, chủ nhãn hàng chả hoa Năm Thuỵ, nói: “Từ ngày cơ sở lên công ty có mấy cái lợi: đầu vào – đầu ra minh bạch nên bán hàng dễ hơn, dễ đàm phán hơn. Ngân hàng quan tâm hơn, lãi suất vay từ 12%/ năm, tới nay còn 10%/ năm. Công ty mạnh dạn đầu tư hơn vì chắc chắn được khấu trừ khi tính thuế. Trong khi đó cơ sở sản xuất nhận thuế khoán, đàm phán không thuận lợi, ngân hàng không sẵn sàng , lãi suất tín dụng: 15%/ năm, nay giảm còn 12 – 13%. Cơ sở không mạnh dạn đầu tư vì không được khấu trừ thuế.

Cách suy nghĩ khác

Ông Trần Quốc Tuấn, phó giám đốc sở Công thương Trà Vinh, từng là giám đốc trung tâm Khuyến công, đã can thiệp kịp thời đúng hai khâu yếu của nhiều cơ sở nhỏ: nâng cấp năng lực sản xuất theo hướng nâng cao giá trị tăng thêm và nâng cao khả năng tham gia thị trường. Làm gì để đừng rơi vào tình thế có thị trường nhưng thiếu năng lực cung cấp như năm ngoái đang đòi hỏi cách nghĩ khác.

Anh Chinh, chủ nhiệm CLB Đặc sản, nói: “Chúng tôi đang suy nghĩ về hướng hình thành công ty cổ phần kinh doanh đặc sản – chuyên tổ chức phân phối, tổ chức làm hàng đúng quy cách, đúng số lượng, kịp thời gian… theo đơn đặt hàng của hệ thống siêu thị, nhà hàng khách sạn”. Hội Doanh nghiệp HVNCLC hứa sẽ tư vấn cho CLB, anh Chinh cho biết thêm.

Từ những cơ sở không biết gì về thị trường, không biết phát triển sản phẩm như thế nào… mỗi người một tính, mà tập hợp lại được, mở ra được CLB Đặc sản – sản phẩm làng nghề truyền thống. Ông Tuấn mừng vì điều này.

                                                                                           Theo: SGTT.VN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.476.554
Tổng truy cập: