ẨM THỰC & ĐÔNG Y
Ðưa sản phẩm mây tre Việt đến trời xa
(Ngày đăng: 31/08/2013   Lượt xem: 1007)

Là người khuyết tật, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung vẫn bôn ba nhiều nước trên thế giới, từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ xa xôi. Những chuyến đi của ông góp phần đưa sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, đến với bạn bè, khách hàng quốc tế.

Lần đầu gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, hẳn mọi người đều ngạc nhiên khi thấy một "nghệ nhân làng" lại thành thạo những chuyện đông, chuyện tây, chuyện buôn bán, giao dịch quốc tế đến thế. Càng ngạc nhiên hơn khi người ta nhận ra ông là một người khuyết tật. Một chân của ông ngắn hơn chân kia đến 15 cm. Mặc dầu đã thiết kế một đôi giày đặc biệt, nhưng việc đi lại của ông vẫn khá khó khăn. Chính trên đôi chân tật nguyền ấy, ông là người góp công lớn, đưa sản phẩm mây tre mỹ nghệ của Phú Vinh đến những phương trời xa.

Sinh ra ở làng nghề truyền thống, từ nhỏ, cậu bé Trung đã phụ việc đan lát trong gia đình. Sớm khéo tay nghề, nhưng đúng năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Trung mắc phải căn bệnh viêm xương quái ác. Chạy chữa đến kiệt quệ cả gia sản mà bệnh không khỏi, bác sĩ khuyên phải cưa một bên chân. Nhưng chàng thanh niên đã từ chối. Thế rồi một bên chân cứ teo nhỏ dần. Giữa tuổi thanh niên trai tráng, đó là một cú sốc quá lớn với Nguyễn Văn Trung. Không muốn trở thành một kẻ ăn bám, nên mặc cho bên chân teo nhỏ vẫn đau buốt hành hạ, anh kiên trì tập đứng, tập đi, rồi trở lại với công việc. Ý chí kiên cường khiến anh mau chóng trở thành một trong những thợ đan mây tre giỏi nhất làng. Tiếng tăm của anh càng được biết đến nhiều hơn khi anh thành công với việc làm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mây tre đan. Ðây quả là một kỳ công, bởi lâu nay, người dân Phú Vinh chỉ quen với làm đồ gia dụng. Ðan chân dung là một khái niệm khác hẳn. Phải sử dụng kết hợp nhiều lối đan khác nhau, độ tương phản sáng - tối khác nhau mới có thể tạo nên những đường nét trên khuôn mặt. Với tấm lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trung đã dày công nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của ngành hội họa. Và từ đầu những năm 1970, Nguyễn Văn Trung đã thành công với chân dung Bác Hồ trong sự ngỡ ngàng của chính những thợ giỏi ở làng.

Khó có thể thống kê hết những danh hiệu bàn tay vàng, danh hiệu nghệ nhân mà ông được các tổ chức phong tặng. Nhưng từ một người thợ giỏi đến việc trở thành một chủ doanh nghiệp thành đạt là khoảng cách dài, nếu không có những bước đi táo bạo, nếu thiếu đi những sáng tạo trong công việc. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã làm được điều đó. Hiện giờ, mây tre đan Phú Vinh là một thương hiệu có uy tín trên thị trường. Sản phẩm đa dạng, từ những bộ bàn ghế mây tre, những chiếc chụp đèn cho bộ đèn chùm sang trọng, cho đến những hộp đồ lưu niệm, những con giống, lọ hoa, những chiếc khay để ấm chén... Mỗi năm, hàng chục vạn sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đến với thị trường. Trong đó, 75% là dành cho xuất khẩu. Nhưng đã có những khoảng thời gian nghề mây tre đan suýt nữa trở thành dĩ vãng. Ðó là khi thị trường các nước Ðông Âu (cũ) không còn, nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề. Việc sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cũng gặp nhiều khó khăn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung có đi nước ngoài và ông nhận thấy chỉ có thị trường quốc tế mới giúp nghề mây tre phát triển. Nhưng làm thế nào để có mặt và trụ vững ở thị trường các nước châu Âu là một bài toán khó. Năm 2005, ông dồn vốn làm một chuyến hàng xuất khẩu sang Ðức. Do một số trục trặc, đối tác không nhận hết số hàng ông chuyển sang. Ở nơi đất khách, quê người, người nghệ nhân khuyết tật không biết phải xoay xở ra sao giữa mấy công-ten-nơ hàng hóa. Bỏ đi không được, đem về chẳng xong. Ông xin giấy phép chính quyền sở tại cho bán rong. Số hàng được tiêu thụ hết, nhưng ông vẫn lỗ to. Song, có một cái lãi tình cờ đã đến. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung có khả năng chơi một số loại nhạc cụ dân tộc, ông lại có khiếu giới thiệu những nét văn hóa trong những món hàng mây tre xinh xắn. Nhờ thế, "gánh hàng rong" của ông được nhiều người Ðức biết đến. Chuyến đi đó cho ông những đơn hàng mà ông không ngờ tới. Và rồi, ông liên tục mở rộng đối tác. Ðến nay, hàng hóa của Công ty TNHH Hoa Sơn do ông thành lập đã được xuất khẩu đến 10 nước trên thế giới.

Những năm 1980, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung từng sang Cu-ba làm chuyên gia giúp nước bạn phát triển nghề thủ công. Tại đây, do không có nguyên liệu tương tự như Việt Nam là mây tre nên ông đã có sáng kiến dùng cây bèo tây để đan các đồ mỹ nghệ. Về nước, ông được phân công làm Hiệu phó Trường Mỹ nghệ Hà Ðông. Nhưng, tình cảm với mảnh đất ông sinh ra và lớn lên khiến ông tự nguyện xin về làng, cùng gia đình, làng xóm phát triển nghề truyền thống. Công ty TNHH Hoa Sơn của ông góp phần tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình. Năm 2007, ông thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh. Vốn là người khuyết tật, ông rất hiểu khó khăn của người khuyết tật. Vì thế, trung tâm miễn phí hoàn toàn học phí cho học viên khuyết tật. Những học viên ở xa được ông hỗ trợ chỗ ở.

Gặp lại nghệ nhân Nguyễn Văn Trung khi ông giới thiệu nghề mây tre đan của Phú Vinh trong một triển lãm tại khu phố cổ mới đây, chúng tôi không khỏi khâm phục ông. Tuổi đã 60, vẫn đôi chân tập tễnh ấy, nhưng ông luôn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về nghề mây tre. Ông tâm sự: Từ năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản xuất mây tre gặp khó khăn, số lượng sản phẩm tiêu thụ bị sụt giảm. Vì thế, những cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm là hết sức cần thiết. Dù xa xôi và sức khỏe không tốt, ông vẫn luôn cố gắng đi để quảng bá sản phẩm cho làng nghề. Sản phẩm mây tre của Việt Nam luôn bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm tương tự của một số quốc gia châu  Á khác cho nên bản thân những người làm nghề cũng luôn  phải tìm tòi, sáng tạo mới có thể thành công.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (người bên trái) hướng dẫn kỹ thuật mây tre đan cho thợ mới vào nghề.

                                           Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.491.641
Tổng truy cập: