ẨM THỰC & ĐÔNG Y
“Giải cứu” nguồn dược liệu
(Ngày đăng: 03/07/2013   Lượt xem: 724)

Là một nước phong phú, đa dạng về dược liệu với ước tính hơn 4.000 thực vật làm thuốc, nhưng Việt Nam lại đi nhập khẩu dược liệu đến 90%. Sự nghịch lý này xem ra chưa có lời giải, trong khi mỗi ngày các loại dược liệu trong nước lại được thương lái Trung Quốc thu gom tận diệt. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá thuốc ngày càng đắt đỏ.

        Bán cái chất lượng, nhập cái... tù mù

Tại hội thảo “Phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới - WHO” do Sở Y tế TPHCM phối hợp UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức, TS Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền - Bộ Y tế, cho biết mỗi năm Việt Nam khai thác và sử dụng khoảng 50.000 - 70.000 tấn dược liệu, nhưng hầu hết trong số đó bị thương lái Trung Quốc thu gom và khai thác một cách cạn kiệt.

“Có nhiều dược liệu quý trong tự nhiên được bà con khai thác bán hết. Thậm chí bán từ gốc đến ngọn với giá rất rẻ”, bà Phương nói. Chưa kể, thương lái thường có các “chiêu bài” rất nguy hiểm. Thay vì chỉ lá cây có giá trị làm thuốc nhưng thương lái yêu cầu mua cả rễ để tận diệt.

Điều đáng nói, thương lái đến nhiều địa phương mua tất tần tật, từ cây máu chó, củ ráy, hoằng đằng, khúc khắc, cu li, rễ na rừng, nấm… đến các loại lá cây. Hiện đang có tình trạng nhiều loài thuộc các chi, loài đặc hữu ở Việt Nam muốn gây trồng và phát triển làm dược liệu nhưng không kiếm được giống…

Một vùng trồng dược liệu ở Hà Giang.




Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc, nhưng 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược Việt Nam đang gặp không ít rủi ro do biến động tỷ giá, giá cả nguyên liệu, rủi ro chất lượng nguyên liệu và “đội” giá thuốc.



Bên cạnh đó, dược liệu chủ yếu được buôn bán theo hộ kinh doanh cá thể, tự phát, không đủ điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh. Không ít dược liệu lại được nhập lậu từ Trung Quốc không quản lý nguồn gốc, chất lượng.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết dược liệu rác, trôi nổi, kém chất lượng đến nay vẫn chưa kiểm soát được, trong khi nhu cầu dược liệu sạch cho TPHCM rất lớn. Riêng Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM mỗi năm sử dụng 100 tấn dược liệu, nhưng theo bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc bệnh viện, 70% nguồn dược liệu từ Trung Quốc. Đó là chưa kể 20 khoa y học cổ truyền của 20 bệnh viện thuộc sở và trên 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền cũng đang sử dụng một nguồn dược liệu vô cùng lớn.

Bác sĩ Lê Hùng, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, bức xúc vì giới lương y không biết đâu là dược liệu sạch và đâu là rác. “Dù có nhiều bài thuốc hay nhưng chúng tôi cũng phải đắn đo, không dám kê đơn vì lo người bệnh mua nhầm thuốc dỏm”, ông Hùng băn khoăn.
 
Nhiều trường hợp suy gan, thận cũng vì do uống thuốc đông y có độc chất. Qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước mới đây cũng cho thấy có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, tẩm ướp hóa chất độc hại. Theo TS Trần Thị Hồng Phương, nguồn dược liệu nhập từ Trung Quốc chiếm hơn 80% nhưng… chất lượng vẫn tù mù.

        Cần những vùng trồng dược liệu sạch

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 4.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Không chỉ một số dược liệu chữa được bệnh thông thường mà hiện nay đã nghiên cứu, phát triển thành những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y như thuốc Kim Tiền Thảo chữa sỏi thận của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (TPHCM), thuốc Crila chiết xuất từ cây Trinh Nữ Hoàng Cung do TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu chữa bệnh u xơ tử cung…

Còn theo Bộ NN-PTNT, với hệ sinh thái nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích, thanh hao hoa vàng… Vậy làm gì để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước, hạn chế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu? Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết nhiều năm nay vẫn trăn trở để làm sao có được một vùng dược liệu lớn nhất nước để cung cấp dược liệu sạch cho Việt Nam.

Theo ông Tiến, hiện tỉnh Hà Giang đã nhờ các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua Công ty cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh (Công ty Bình Minh) lập đề án đầu tư trồng dược liệu tại 6 huyện nghèo, giúp dân xóa đói giảm nghèo và tạo vùng dược liệu đủ lớn. Chương trình phát triển dược liệu này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch 10.000ha.

Ông Sái Minh Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bình Minh cho biết, đến nay công ty đã đầu tư gần 2.000ha ở 3 huyện nghèo của Hà Giang với trên 1.000 loại dược liệu, phấn đấu đáp ứng đủ 300 vị thuốc y học cổ truyền cho cả nước. Một số doanh nghiệp dược cũng đã chủ động xây dựng các vùng trồng nguyên dược liệu như cây hoa hòe ở Đắk Lắk (sản xuất được hoạt chất rutin); atisô (có hàm lượng cynarin cao) ở Lâm Đồng; cây kim ngân, nhân trần tía, hoài nhơn, đẳng sâm… ở Đắk Nông; cây thìa canh (dùng để sản xuất thuốc diabetna trị bệnh tiểu đường) ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên…

Tuy nhiên, thực tế việc nuôi trồng nguồn dược liệu chủ yếu vẫn tự phát, manh mún. Địa phương nào thấy có dược liệu tiềm năng thì kêu gọi trồng, doanh nghiệp có tiềm lực thì nuôi trồng nhưng thiếu những mô hình, quy hoạch. Nhiều địa phương xin Chính phủ hay các bộ ngành hỗ trợ nuôi trồng dược liệu nhưng mục tiêu chưa rõ ràng, chưa ai chịu trách nhiệm. Địa phương không quan tâm, nông dân trồng nhưng không tiêu thụ được thì bỏ.

Do đó, theo TS Trần Thị Hồng Phương, cần phải quy hoạch vùng trồng dược liệu chuyên canh trồng quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định. “Ngoài quy hoạch, cần có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu, tạo ra thị trường tiêu thụ dược liệu tốt, nghiên cứu và phát triển các loại thuốc từ dược liệu…”, bà Phương kiến nghị.

Còn trước mắt, theo PGS Phạm Khánh Phong Lan, Bộ Y tế sớm ban hành quy định về việc lưu thông phân phối dược liệu trên thị trường như quy định về bao bì, nguồn gốc, ngày đóng gói, hạn sử dụng, tên cơ sở đóng gói để việc quản lý chất lượng và nguồn gốc dược liệu tốt hơn.

                                                                                                Theo: SGGP

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.507.063
Tổng truy cập: