MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Kết nối lưu trữ và chia sẻ di sản
(Ngày đăng: 16/03/2024   Lượt xem: 24)

Nhiều hiện vật tư liệu, thực hành di sản vốn được lưu giữ trong cộng đồng nhưng ít được biết đến và có nguy cơ mai một; việc số hóa sẽ giúp lưu giữ và quảng bá, kết nối cá nhân, tổ chức nhằm khai thác, phát huy giá trị di sản hướng tới phát triển bền vững.

Nghệ nhân làng Mơ H’ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai trình diễn kỹ thuật dệt vải truyền thống. Ảnh: Hội đồng Anh
 

Nghệ nhân làng Mơ H’ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai trình diễn kỹ thuật dệt vải truyền thống. Ảnh: Hội đồng Anh

Diễn đàn mở của người yêu di sản

Hội đồng Anh vừa kêu gọi đóng góp tư liệu và ra mắt bộ sưu tập di sản số - nền tảng trực tuyến chia sẻ bộ sưu tập di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm và cá nhân đa dạng tại Việt Nam.

Bộ sưu tập di sản số là một phần của dự án Di sản kết nối, dự án văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều do Hội đồng Anh Việt Nam thực hiện từ năm 2018 nhằm tạo ra cơ hội để cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ bảo tồn di sản văn hóa. Nền tảng tại địa chỉ https://disanketnoi.vn cho phép các thành viên cộng đồng tự đăng tải và chia sẻ tư liệu về di sản văn hóa bao gồm văn bản, hình ảnh, video, file ghi âm… Đây cũng là diễn đàn mở kết nối người yêu di sản, thúc đẩy việc học tập, chia sẻ và tôn vinh giá trị văn hóa của các cộng đồng khác nhau trên khắp Việt Nam.

Theo bà Phan Thu Nga, điều phối chương trình nghệ thuật, Hội đồng Anh Việt Nam, từ năm 2021 Hội đồng Anh đã khởi xướng sáng kiến này và tháng 7.2023 phối hợp cùng TUVA Communications ra mắt phiên bản thử nghiệm của Bộ sưu tập số gồm 17 bộ tư liệu về di sản văn hóa của các thành viên cộng đồng tại Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum và TP. Hồ Chí Minh, như chân dung nhân vật hát bội, đối thoại cùng hồi ức về cải lương, Di sản âm nhạc Êđê Kon Tum, các văn bản Chăm cổ, nhạc cụ và vật dụng tại làng Mơ H'ra, hoa văn thổ cẩm làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp)… Giai đoạn 2023 - 2024, những người thực hiện mong muốn mở rộng tư liệu để bộ sưu tập số này trở thành nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực di sản cho các nhóm và cộng đồng tại Việt Nam.

Mục tiêu chính của bộ sưu tập là trình bày và lưu giữ giá trị văn hóa của các cộng đồng, đặc biệt là những giá trị ít được biết đến và có nguy cơ mai một; kết nối các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, phát triển bền vững, cá nhân thực hành cũng như thành viên cộng đồng trong lĩnh vực di sản.

“Hy vọng thông qua các hoạt động trực tuyến cũng như các sự kiện của chương trình, chúng ta sẽ cùng góp phần gìn giữ và chia sẻ giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng đa dạng, đặc biệt là những di sản ít được biết đến và có thể sớm bị lãng quên” - bà Phan Thu Nga cho biết.

Sáng tạo trong lưu trữ và tiếp cận di sản

Chị Trần Thị Bích Ngọc, cán bộ văn hóa xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai chia sẻ, trong cộng đồng hiện có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang mai một. Ví dụ, người Bahnar thường hát dân ca khi làm nương rẫy, hay khi nghỉ ngơi để giải tỏa tinh thần. Ngày xưa, người Bahnar lấy nhau qua bài hát giao duyên, hát đối đáp những dịp lễ hội. Nhưng hiện nay ít người trẻ hát dân ca, giao duyên, nghệ nhân còn nhớ và hát những bài hát truyền thống ngày càng ít. Bên cạnh đó, nhiều di sản khác như nghề dệt hoa văn trên vải thổ cẩm, nghề tạc tượng của người Bahnar... cũng có nguy cơ mai một.

Bởi vậy, việc có bộ sưu tập số tạo thuận lợi để cộng đồng nhận diện, lựa chọn các loại hình đang có nguy cơ mai một và giới thiệu trên trang web. Sưu tập di sản số cũng tạo cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận di sản theo cách mới hơn. Chẳng hạn, tư liệu “Họa tiết dệt truyền thống” do cộng đồng người Bahnar giới thiệu, các thành viên cộng đồng chia sẻ về nghề dệt hoa văn để lưu trữ và giới thiệu trên không gian số…

Di sản văn hóa chứa đựng vô vàn câu chuyện nhưng cần có cách thức lưu trữ và chia sẻ câu chuyện này theo hướng đổi mới sáng tạo; việc có bộ sưu tập số nhằm hỗ trợ cộng đồng tự khám phá và kể lại những câu chuyện về di sản của mình. Bởi di sản không phải thuộc về quá khứ mà là một phần của đời sống hiện tại.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Đức Tăng cho rằng, lâu nay tư liệu hóa là kỹ thuật dành cho nhà quản lý, nghiên cứu - những người vốn không phải chủ thể, mà chỉ là khách thể, hỗ trợ cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa. Với cộng đồng địa phương từ lâu đã có hình thức truyền khẩu, ghi lại bằng văn tự… nhằm cố gắng lưu giữ di sản của đời trước truyền lại cho đời sau.

“Bản chất bảo tồn và phát huy di sản là phải có sự kế thừa, và chúng tôi khuyến khích bên cạnh hình thức truyền thống, cần có hình thức mới, sáng kiến bảo vệ, phát huy di sản tốt hơn, bởi nhiều loại hình đang có nguy cơ mai một như dân ca, hay nghề thủ công hiện nay ít được thực hành, chỉ lưu giữ trong ký ức của người lớn tuổi… Với bộ sưu tập di sản số do cộng đồng đóng góp kỳ vọng sẽ là cơ sở dữ liệu, ngoài giúp các thế hệ có thể quay lại tìm kiếm tư liệu sau vài chục năm, còn có ý nghĩa giới thiệu, lan tỏa văn hóa” - ông Nguyễn Đức Tăng nói.

Tuy nhiên, việc cộng đồng đưa di sản lên không gian số cũng đang gây lo ngại sẽ làm nảy sinh một số vấn đề như tính chân thực và sở hữu trí tuệ trong dữ liệu liên quan di sản văn hóa. Đây là những điều cần tiếp tục nghiên cứu, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc bảo tồn di sản và giúp cộng đồng hưởng lợi từ các giá trị văn hóa của địa phương.

                                        Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.498.486
Tổng truy cập: