MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Di sản văn hóa sống - "trái tim" của phát triển bền vững
(Ngày đăng: 02/12/2023   Lượt xem: 43)

Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại không tách rời con người. Vì thế, bảo vệ, kết nối, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững trước hết phải coi chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm.

Lấy con người là trung tâm

“Di sản văn hóa sống có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản văn hóa sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; giúp cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn”, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định tại hội thảo "Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm", do Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 1.12.

Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Dona McGowan, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật và tri thức bản địa ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Cùng với việc ngày càng có nhiều giá trị văn hóa được công nhận cả trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có chuyển biến tích cực, có lợi cho những người thực hành và thành viên cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.
Dân làng Mơ H’ra, Gia Lai bên cạnh những bức tượng truyền thống. Ảnh: Hội đồng Anh

Dân làng Mơ H’ra, Gia Lai bên cạnh những bức tượng truyền thống. Ảnh: Hội đồng Anh

Chương trình Di sản kết nối Hội đồng Anh thực hiện những năm qua phần nào chứng minh di sản văn hóa theo nghĩa rộng có thể góp phần vào sự phát triển đồng đều và bền vững nếu được tiếp cận theo cách lấy con người làm trung tâm. Đến nay, thông qua cách thức mới mẻ và sáng tạo nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia, chia sẻ và quản lý di sản văn hóa của chính mình, giá trị cộng đồng được tạo dựng, hướng tới phát triển đồng đều. Đặc biệt, khi đặt con người - chủ thể của di sản làm trung tâm cho các dự án phát triển văn hóa địa phương đã mang đến thay đổi rõ rệt về nhận thức giá trị di sản.

Dẫn chứng cụ thể từ nghề làm gốm của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Phạm Văn Thành cho biết, trước đây, từng hộ gia đình thường mạnh ai nấy làm, chưa có ý thức và kỹ năng cùng nhau xây dựng, thực hiện du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm gốm cổ truyền. Đến khi chương trình Di sản kết nối được triển khai ở Ninh Thuận (năm 2018), người dân bắt đầu thay đổi. Họ không đơn thuần làm gốm theo kỹ thuật người xưa truyền lại mà còn có thể thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách. 

“Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật. Khi họ có cách nhìn mới về di sản, được củng cố vai trò và chủ động trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản chính là cách gia tăng giá trị của di sản. Đơn cử với nghề gốm, giờ đây, chính đồng bào Chăm đã tự tạo cơ hội để kể chuyện về di sản, đưa ra những cách thức khác nhau để kể chia sẻ, lan tỏa văn hóa theo cách riêng”, ông Phạm Văn Thành nói.

Bảo tồn, phát huy và hưởng lợi

Các chuyên gia cho rằng bảo vệ "di sản văn hóa sống" - người nắm giữ di sản là quan trọng để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa bền vững. Khi cộng đồng được tăng cường hiểu biết, đưa ra ý tưởng xây dựng và thực hiện các hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ mang đến tương lai tốt đẹp cho di sản văn hóa. Quan trọng hơn, việc tham gia trực tiếp của cộng đồng cũng tạo ra những cơ hội mới, giúp chính họ được hưởng lợi, cải thiện sinh kế. 

Theo TS. Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể tồn tại không tách rời con người. Nó luôn nằm trong con người và chỉ được nhận diện thông qua hoạt động trình diễn, biểu diễn, tạo tác của con người. Nó do các thế hệ kế thừa, lưu giữ, thực hành, sáng tạo và truyền lại cho nhau. Điều này đồng nghĩa di sản tồn tại khi cộng đồng ý thức về bản sắc và sự kế tục, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. 

“Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, tạo ra các điều kiện để con người (nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng) có điều kiện tốt, phù hợp nhất để thực hành di sản đang nắm giữ. Đồng thời, các chính sách gắn với di sản được xây dựng và thực hiện đều phải dựa trên việc lấy con người làm trung tâm”, TS. Phạm Cao Quý nhấn mạnh.

Từ thực tiễn làm việc với các đối tác ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trưởng ban dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều (Hội đồng Anh) Nikki Locke chỉ ra mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển, giữa bảo lưu truyền thống với bối cảnh mới của kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, nói đến di sản là nói đến giá trị của quá khứ để truyền cho tương lai, thông qua bảo tồn các thực hành, nhất là những di sản đang có nguy cơ biến mất. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến người đang nắm giữ, thực hành di sản. 

“Họ thật sự muốn gì? Họ muốn giữ lại, muốn phát triển, muốn mang gì vào tương lai? Những câu hỏi này rất quan trọng. Phương pháp lấy con người làm trung tâm được đặt ra để giải quyết vấn đề đó. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là để dành không gian và thời gian cho mọi thứ phát triển tự nhiên, trên cơ sở tôn vinh đa dạng văn hóa, kết hợp góc nhìn đa chiều để cùng nhau tạo nên tầm nhìn chung. Qua đấy, cộng đồng có thể tiếp cận nhiều hơn với những cơ hội mới, nguồn tài nguyên, các mối quan hệ, kiến thức và kỹ năng để ứng xử với di sản một cách tốt nhất để phát triển bền vững”, bà Nikki Locke nhận định.
                                        Theo;  daibieunhandan.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.492.681
Tổng truy cập: