MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Mang hơi thở hiện đại vào làng nghề hơn 500 năm tuổi
(Ngày đăng: 20/09/2023   Lượt xem: 138)

Chị Nhung luôn luôn sáng tạo với một mong muốn phát triển nghề một cách bền vững.

Hơn 500 năm tồn tại, trải qua bao thăng trầm, những người thợ làng gốm như chị Trần Thị Tuyết Nhung vẫn bền bỉ, nỗ lực gìn giữ khôi phục nghề làm gốm men, gốm sành đang có nguy cơ thất truyền của làng.

Nằm bên sông Thu Bồn, Thanh Hà được biết đến là làng gốm truyền thống lâu đời ở phố cổ Hội An. Làng nghề này đã được hình thành từ thế kỷ XVI và bắt đầu từ làng Thanh Liêm, sau đó được chuyển sang phường Thanh Hà như hiện nay. Thế kỷ XVI - XVII được xem là thời kỳ huy hoàng nhất của làng gốm, các sản phẩm gốm của làng được dùng để tiến vua. 

Ngôi làng nhỏ và bình yên này đã trải qua biết bao thăng trầm và sóng gió. Có những thời kỳ tưởng chừng như nghề gốm nơi đây bị rơi vào lãng quên. Thế nhưng, chính nhờ sự tâm huyết và lòng yêu nghề, những nghệ nhân của làng đã một lần nữa làm "sống lại" nét đẹp cũng như giữ được hồn cốt của làng gốm. 
Mang hơi thở hiện đại vào làng nghề hơn 500 năm tuổi  - Ảnh 1.

Làng gốm Hội An này có vị trí nằm gần con sông Thu Bồn yên bình (Ảnh: Sưu tầm)

Xưa, gốm Thanh Hà có nhiều loại như gốm men, gốm sành, gốm không tráng men, gốm đỏ. Theo các nghệ nhân làng nghề đánh giá, so với loại gốm đỏ phổ thông thì kỹ thuật làm gốm men, sành khó và tinh tế hơn rất nhiều. Trải qua bao thăng trầm, làng nghề gốm hơn 500 tuổi, làng gốm Thanh Hà Hội An đang không ngừng chuyển mình mạnh mẽ.

Giữ hồn cho gốm

Dù không phải là "con ruột" của làng nghề, chị Trần Thị Tuyết Nhung vẫn đang ấp ủ đam mê của thế hệ trẻ giữ lửa và nâng tầm cho những sản phẩm gốm Thanh Hà.

Theo tiếng gọi của tình yêu, năm 2016, chị Tuyết Nhung về làm dâu trong một gia đình 6 đời làm nghề gốm gia truyền tại khối Nam Diêu, phường Thanh Hà. Được dạy làm gốm, ban đầu chị rất lúng túng, tay chân còn rất vụng về, lóng ngóng, chưa hiểu quy trình cũng như cách điều khiển tay chân như thế nào để cho ra sản phẩm ưng ý.

Rồi ngày qua ngày, chị cùng mọi người trong gia đình ăn cùng gốm, ở cùng với gốm, nói chuyện về gốm, chị càng thấy hiểu hơn và yêu hơn công việc này. Tình yêu và niềm đam mê gốm bắt đầu nhen nhóm và chị đã có thể sáng tạo ra những tác phẩm gốm của riêng mình.
Mang hơi thở hiện đại vào làng nghề hơn 500 năm tuổi  - Ảnh 2.

Chị Tuyết Nhung dành tình yêu vào gốm

Cùng với chồng, chị Tuyết Nhung bắt đầu nghiên cứu nhiều kỹ thuật và chế tác thành công nhiều mẫu mã, chất men mới để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Đối với chị, gốm Thanh Hà không chỉ dừng lại ở những con tò he bằng đất sét nung như bao đời nay, mà gốm Thanh Hà phải là những sản phẩm đi xa hơn đến mọi miền của đất nước cũng như vươn ra thế giới. 

Từ đó, vợ chồng chị Tuyết Nhung đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Đồng thời, chị tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu cách tạo men gốm để có thể làm nhiều sản phẩm tinh xảo hơn. 

Cơ sở gốm Sơn Thuỷ của gia đình chị ngày càng tạo được tiếng vang, được các nghệ nhân cũng như du khách gần xa tìm về. Đó cũng chính là những sản phẩm gốm tình yêu mà chị Nhung mong muốn lan toả đến với những người đã, đang và sẽ cầm trên tay để chiêm ngưỡng.




Các sản phẩm gốm được làm tinh xảo, phù hợp thị hiếu của thời hiện đại

Xây dựng sản phẩm tiêu biểu của làng gốm Thanh Hà

Những năm đại dịch khó khăn, ngành du lịch đóng băng nhưng không vì thế mà gia đình chị Nhung ngưng hoạt động. Hơn thế nữa, đó còn là động lực để chị quyết tâm hơn trên con đường làm nghề gia truyền. Chị mở rộng nhiều kênh như bán hàng trực tuyến, giới thiệu qua mạng xã hội, tìm kiếm thêm nhiều nguồn khách hàng và đã tạo ra một lượng khách hàng cố định. Để có được điều đó, chị luôn luôn sáng tạo với một mong muốn phát triển nghề một cách bền vững.

Chị bắt đầu tham gia các cuộc thi do địa phương tổ chức và đạt được các thành tích đáng kể. Chị xác định, tham gia các cuộc thi chính là cơ hội để rèn luyện tay nghề, giao lưu học hỏi các thợ làm nghề ở mọi miền, có thêm nhiều động lực và kích thích sự sáng tạo, thăng hoa. Chị ngày càng tự tin hơn với sản phẩm của mình làm ra và mọi người biết về chị càng nhiều hơn.







Những người thợ làng nghề luôn luôn sáng tạo với mong muốn phát triển làng gốm Thanh Hà một cách bền vững.

Năm 2019, chị đạt giải nhất chế tác sản phẩm gốm tại Lễ hội giỗ tổ nghề gốm phường Thanh Hà; năm 2022 chị đạt giải nhì trong hội thi chế tác sản phẩm gốm trực tiếp. Cũng trong năm này, chị được UBND thành phố Hội An công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với sản phẩm Bình gốm hoa nổi thạch bích. Năm 2023, chị đạt giải khuyến khích tại hội thi sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ do thành phố Hội An tổ chức với Bộ sản phẩm đèn lồng Hội An.

Không chỉ mong muốn làm một thợ giỏi, chị Tuyết Nhung còn thực hiện công việc của một người "thầy" để truyền nghề, dạy nghề cho nhiều thợ gốm tại địa phương. Từ năm 2017 đến nay, chị đã tự nguyện cũng như tham gia truyền nghề, dạy nghề cho rất nhiều người dân, trẻ em ở làng Nam Diêu, với mong muốn các thế hệ mai sau tiếp tục là những truyền nhân thêu dệt tiếp  bức tranh màu sắc, sống động và tươi đẹp của làng gốm Thanh Hà ven sông Thu Bồn.

                                     Theo:  phunuvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.502.194
Tổng truy cập: