MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(29-33)- Đưa làng nghề vào phố
(Ngày đăng: 21/08/2023   Lượt xem: 81)

Thanh thiếu nhi Việt Nam, du khách quốc tế hào hứng trải nghiệm đan từng nan tre, tỉ mẩn xếp từng lớp lá trên khung nón, lắng nghe chia sẻ của nghệ nhân về chuyện nghề... VŨ MINH TÚ - đại diện nhóm thực hiện dự án Trường làng trong phố chia sẻ mong muốn 'đưa làng vào phố', tạo sự kết nối, kéo gần khoảng cách giữa các làng nghề truyền thống với công chúng.

Chủ động đưa truyền thống đến giới trẻ

- Điều gì thôi thúc những người trẻ như Tú quan tâm tới việc quảng bá, trở thành cầu nối để nghề thủ công truyền thống tiếp cận gần hơn với giới trẻ qua những hoạt động, hình thức truyền thông hiện đại?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Thường Tín, Hà Nội, một trong các huyện có nhiều làng nghề. Cũng là người con lớn lên từ làng nghề truyền thống, từ lâu tôi hy vọng lan tỏa được những giá trị tốt đẹp của làng nghề đến nhiều hơn đối với các bạn trẻ.
Vũ Minh Tú (áo nâu) và nhóm thực hiện dự án giới thiệu về nón làng Chuông

Vũ Minh Tú (áo nâu) và nhóm thực hiện dự án giới thiệu về nón làng Chuông

Chúng tôi cũng nhận thấy, nhiều bạn trẻ ở nội thành Hà Nội khó có cơ hội được tiếp cận làng nghề truyền thống, dù ở ngay ngoại thành. Khoảng cách địa lý vô tình kéo xa truyền thống và hiện đại, bỏ quên những giá trị xưa cũ vẫn còn đang hàng ngày tồn tại ở vùng ngoại ô. Nhưng thay vì hoài nghi về tình cảm thế hệ ngày nay dành cho các giá trị truyền thống, chúng tôi chủ động đưa các giá trị ấy đến gần và "thực" hơn với họ, để họ trực tiếp trải nghiệm, lắng nghe những câu chuyện xung quanh khi nhìn sản phẩm thành hình...

Và chúng tôi đã có cơ hội thực hiện ý tưởng của mình khi tham gia cuộc thi Tôi 20 - Twenties’ Projects for Social Innovation 2023 (Cuộc thi tìm kiếm và hiện thực hóa ý tưởng dự án xã hội). Điểm chung của mọi người trong nhóm là có niềm đam mê đặc biệt đối với làng nghề truyền thống và dự án Trường làng trong phố đã vượt qua hơn 100 đề án trên toàn quốc, xuất sắc lọt vào top 3 chung cuộc với tài trợ từ Ban Tổ chức trong năm 2023.

- Sau khi giành giải thưởng và đi vào thực hiện, việc triển khai dự án trên thực tế có gì khó khăn, khác biệt so với khi còn nằm trên giấy?

- Thực sự những gì thực hiện khác xa dự tính, tưởng tượng ban đầu. Trước đó, những gì chúng tôi mong muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa làng nghề đều được đưa vào nội dung dự án, nhưng đôi khi vượt quá những gì mà nhân lực và kinh phí của chúng tôi và các nghệ nhân có thể thực hiện, từ quy mô đến bài trí, đón số lượng công chúng tham dự...

Rất may là trong quá trình triển khai, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của các nghệ nhân. Với tình yêu làng nghề của mình, họ đã sẵn sàng và nhiệt tình tham gia hoạt động của dự án. Chẳng hạn, khi giới thiệu về làng nghề mây tre đan Phú Vinh, các nghệ nhân đã tư vấn từ cách giới thiệu làng nghề, hướng dẫn chọn sản phẩm trải nghiệm cho phù hợp, tới sắp đặt không gian nghệ thuật cho sản phẩm làng nghề... Bản thân họ cũng có những câu chuyện vô cùng xúc động về quá trình giữ gìn và phát triển nghề.

Thêm tin người trẻ tìm về bản sắc

- Hà Nội từ lâu đã được gọi là“đất trăm nghề”, có những làng nghề hàng trăm tuổi. Dự án đã chọn những nghề nào để giới thiệu đến công chúng?

- Dự án Trường làng trong phố trong tháng 7 - 8 đã giới thiệu làng nghề mây tre đan Phú Vinh và làng nghề làm nón Chuông. Trong tháng 9, chúng tôi dự kiến giới thiệu nghề quạt Chàng Sơn và sự kiện tổng hợp quy tụ các làng nghề truyền thống có sản phẩm phục vụ Tết Trung thu...

Hiện nay nhiều bạn trẻ khó có thể phân biệt được làng nghề và làng nghề truyền thống. Trong khi đó, Hà Nội có nhiều nghề lâu đời, với bề dày về lịch sử, văn hóa, có sản phẩm đặc trưng. Chẳng hạn mây tre đan Phú Vinh đã có tuổi đời hơn 400 năm, nón làng Chuông cũng hơn 300 năm tuổi... Ngoài thể hiện bản sắc, ngày nay các làng nghề phải biến đổi để thích nghi với những giá trị đương đại, đó là điều chúng tôi rất trân trọng và mong muốn lan tỏa tới các bạn cùng trang lứa.

- Đây là mong muốn từ phía người tổ chức, còn thực tế người trẻ hưởng ứng hoạt động gắn với nghề thủ công truyền thống ra sao?

- Ban đầu, chúng tôi định làm những talkshow chia sẻ và trải nghiệm. Tuy nhiên, khi đến với làng nghề, gặp các nghệ nhân, chúng tôi thấy các em nhỏ vây quanh và nghệ nhân vừa làm vừa tận tình chỉ bảo, như đang truyền nghề. Chúng tôi nghĩ rằng, đôi khi làm những thứ đơn giản nhất, lại là truyền thống nhất. Bởi vậy, trong không gian ngôi đình cổ kính - đình Kim Ngân, nơi thờ phụng ông tổ bách nghệ, các nghệ nhân và những người trẻ ngồi cùng nhau, vừa trò chuyện về làng nghề, vừa cùng làm các công đoạn tạo ra sản phẩm. Đó là lúc người trẻ hiểu hơn về làng nghề truyền thống, thấm thía hơn những vất vả để tạo ra một sản phẩm thủ công, và háo hức có sản phẩm do tự tay mình làm ra. Đến tham dự workshop, nhiều bạn mới biết có làng nghề mây tre đan Phú Vinh hay nghề làm nón Chuông và biết cách phân biệt các loại sản phẩm...

Thời gian tổ chức sự kiện giới thiệu về làng nghề mây tre đan Phú Vinh vô tình trùng với concert của ban nhạc BlackPink tại Hà Nội, chúng tôi rất lo lắng. Nhưng bất ngờ là số người đến tham dự sự kiện rất đông, nhiều bạn hào hứng hoàn thiện sản phẩm. Điều đó cho thấy người trẻ vẫn sẵn sàng đến với một sự kiện văn hóa truyền thống nếu được tổ chức phù hợp và truyền thông rộng rãi.

- Những dự định của nhóm trong thời gian tới để tiếp tục lan tỏa những giá trị của làng nghề truyền thống?

- Khi xây dựng dự án, chúng tôi rất mong muốn sẽ được các bạn trẻ, những người yêu văn hóa dân tộc đón nhận. Đồng thời, hy vọng dự án đi được lâu dài, có thể đưa nhiều làng nghề truyền thống đến với thủ đô, để các bạn trẻ biết rằng, Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều làng nghề truyền thống, khơi gợi để họ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về những nét đẹp riêng của mỗi làng nghề.

- Xin cảm ơn anh!

                                          Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.501.452
Tổng truy cập: