MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Văn hóa phương Tây, nội lực phương Đông
(Ngày đăng: 19/07/2023   Lượt xem: 110)

Cuộc gặp gỡ nghệ thuật giữa phương Tây với phương Đông và thẩm mỹ truyền thống Việt tạo nên thời kỳ hội họa sôi động, đặc sắc. Chính mẫn cảm trước thời cuộc cùng ý thức sáng tạo trên nền văn hóa dân tộc đã làm nên giá trị độc đáo của mỹ thuật Đông Dương.

Không đánh mất bản sắc

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương, tác giả, họa sĩ Trịnh Lữkhẳng định bố mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc chưa bao giờ đánh mất bản sắc Việt Nam trong các tác phẩm. Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm của ông toát ra một cách tự nhiên.
Trích đoạn tranh sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Nguyên Art Gallery

Trích đoạn tranh sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ảnh: Nguyên Art Gallery

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 với mục tiêu giảng dạy là làm thế nào để tất cả giá trị thẩm mỹ, cổ điển của phương Tây được truyền đạt đến họa sĩ Việt Nam. Nhưng bằng lăng kính riêng, các họa sĩ Việt đã lĩnh hội phương pháp giáo dục hiện đại, lấy đó làm cơ sở vững chắc để phát triển truyền thống mỹ thuật của riêng mình. “Vì thế, những người đã học ở trường đó đều có kiến thức vững chãi về mỹ thuật phương Tây để vận dụng vào Việt Nam. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành mỹ thuật của nước ta”, họa sĩ Trịnh Lữ nhận xét.

Theo các nhà nghiên cứu, cho tới đầu thế kỷ XX, người làm mỹ thuật ở Việt Nam chủ yếu chỉ là nghệ nhân khuyết danh ở làng quê, phường phố, không có khái niệm họa sĩ chuyên nghiệp. Sự ra đời của cơ sở đào tạo mỹ thuật do người Pháp thành lập, đã tạo nên hình ảnh họa sĩ Việt Nam mới, được đào tạo bài bản, khoa học theo mô hình mỹ thuật phương Tây, mở ra thời kỳ mới của mỹ thuật Việt Nam, với lực lượng sáng tác có nhận thức và quan điểm mới, đầy năng lượng sáng tạo và tâm huyết với văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhìn nhận, một trong những lý do làm nên thành công của các họa sĩ Đông Dương là kết hợp tinh tế văn hóa phương Tây và nội lực phương Đông. Lứa họa sĩ được đào tạo theo phương cách mới, sống trong hệ sinh thái thẩm mỹ bác học, song không truyền tải thẩm mỹ về cái đẹp lãng mạn thuần túy kiểu châu Âu mà tiếp thu, nhận thức cái mới, đồng thời biết chối bỏ và gạn lọc để giữ được giá trị tinh túy của văn hóa truyền thống.

Phóng chiếu nét tinh túy dân tộc

Nhìn rộng ra, hội họa Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945 đánh dấu bước chuyển từ mỹ thuật dân gian sang nền mỹ thuật hiện đại có tính bác học, hàn lâm, đặt nền móng cho hội họa Việt Nam hiện đại. Thực tế cho thấy hàng thập kỷ đã trôi qua kể từ khi tranh của các họa sĩ giai đoạn Đông Dương ra đời, chúng vẫn chiếm được tình cảm và sự quan tâm của người yêu mỹ thuật Việt Nam cũng như quốc tế. Những tên tuổi họa sĩ giai đoạn này như Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Lê Văn Đệ… đều được đánh giá là bậc thầy sáng tạo và gìn giữ bản sắc dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã góp phần đào tạo ra những trí thức làm nghệ thuật - những người chở khát vọng tạo ra những sản phẩm làm thay đổi văn hóa nghệ thuật của một cộng đồng, thậm chí một dân tộc. Như Tô Ngọc Vân thuộc lớp nghệ sĩ Việt Nam hiện đại đầu tiên. Các sáng tác của ông góp phần quan trọng thúc đẩy một phong cách dựa trên ý thức về chủ nghĩa hiện thực châu Âu nhưng lại bắt nguồn từ đặc tính của con người Việt Nam. Hầu hết tranh của Tô Ngọc Vân đều lấy hình tượng phương Đông như một cách chứng tỏ lòng trung thành của nghệ sĩ đối với cội nguồn đất Việt.

Hay danh họa Nguyễn Gia Trí là người đã định hình bản sắc hội họa từ rất sớm, bằng cách biến sơn ta thành kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, quy trình vẽ đi ngược lại với vẽ tranh sơn dầu, từ đó khẳng định tầm quan trọng của chất liệu này trong nền mỹ thuật dân tộc hiện đại. Ông tập trung vào những hình ảnh thân thuộc như phong cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, cây cỏ, đời sống sinh hoạt hàng ngày... để phóng chiếu yếu tố dân tộc sâu sắc trong từng tác phẩm.

Vẽ theo cách Tây nhưng dùng tâm tình của người Việt. Chính điểm chung này đã tạo nên một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác biệt với hội họa Trung Quốc và Nhật Bản, khiến hội họa Đông Dương ngày càng đắt giá. Vị trí đặc biệt của tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế còn nói lên câu chuyện của văn hóa đầu thế kỷ XX. Các thế hệ họa sĩ từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã tiên phong và thành công trong việc kết hợp các yếu tố bản địa vào ngôn ngữ tạo hình. Điều đó xuất phát từ tinh thần của tầng lớp trí thức sống dưới bối cảnh thuộc địa, sợ bị đồng hóa, phản kháng tự nhiên bằng ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc.

Theo lời nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, thành công của tranh Đông Dương có thể kể đến việc các họa sĩ để hồn cốt Việt Nam trong đó. Các thế hệ họa sĩ trước đây đã làm được điều này, lấy chất liệu, kỹ thuật phương Tây để vẽ nhưng nội dung bức tranh người ta nhìn vào biết ngay là tranh Việt Nam, tạo nên một bản sắc riêng trên thị trường mỹ thuật thế giới. Đó cũng là bài học giá trị cho phát triển mỹ thuật Việt Nam các giai đoạn sau này.

                                     Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.495.760
Tổng truy cập: