MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng từ làng nghề
(Ngày đăng: 20/02/2023   Lượt xem: 116)

Thời gian qua, trong tiến trình củng cố và phát triển các làng nghề ở Phú Thọ đã xuất hiện một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy phát huy giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương. Điều này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho của người dân, thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo nên một nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng vùng, miền.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan; nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh; nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Phát triển làng nghề truyền thống từ mô hình HTX

Các làng nghề nông thôn của tỉnh Phú Thọ đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm.

-9734-1676605598.jpg

Các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực thúc đẩy phát huy giá trị sản phẩm đặc trưng.

Đặc biệt, tại một số làng nghề đã hình thành mô hình HTX nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, con người, kiến thức kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm của làng nghề.

Một số các sản phẩm của làng nghề đã được tạo lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giúp cho hoạt động kinh doanh sản phẩm của làng nghề được tốt hơn. Các sản phẩm như: mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô, Việt Trì), tương (HTX tương Dục Mỹ, Lâm Thao), chè xanh (HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, Phú Thọ), cá chép đỏ (HTX cá chép đỏ Thủy Trầm, Cẩm Khê) ngày càng khẳng định giá trị, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng.

Đơn cử, HTX sản xuất và chế biến Chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê được thành lập năm 2017 trên nền tảng “Làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen” với ngành nghề sản xuất và chế biến chè xanh.

Năm 2018, HTX đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè Đá Hen và đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Với sự quan tâm hỗ trợ, tư vấn và định hướng của Liên minh HTX và cấp ủy, chính quyền địa phương, nỗ lực của các thành viên HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp được 400m2 nhà xưởng.

Từ chỗ chỉ có 20 lồng sao, 20 máy vò nhỏ và tách thủ công, đến nay HTX đã có 45 lồng sao, 40 máy vò, 15 máy tách cẫng và 1 máy hút chân không, nâng cấp 7 máy sao lăn, 7 máy vò với công suất lớn và 7 lò tiết kiệm nhiệt.

Tổng sản lượng chè xanh của HTX trung bình mỗi năm khoảng 390 tấn khô, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 4 tấn, còn lại là hàng xuất khẩu sang các nước lân cận; doanh thu đạt 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 - 45 lao động/năm, thu nhập bình quân đạt 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Lý, thành viên HTX chia sẻ, “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo trong xã, từ khi tham gia mô hình HTX, với mức thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo năm 2019, con cái được học hành đầy đủ”.

Tạo lực đẩy giảm nghèo bền vững

Có thể thấy, các HTX phát triển ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của làng nghề, được củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động.

-3415-1676605598.jpg

Để HTX phát triển tốt trong làng nghề cần có sự chung tay đồng lòng của cả cộng đồng.

Thông qua hoạt động của HTX nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng trong sản xuất và đã hình thành được một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; góp phần tăng năng suất lao động... Đồng thời, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển làng nghề, tỉnh sẽ tập trung tư vấn thành lập HTX trong làng nghề, hỗ trợ HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm đến tổ chức tốt quy trình sản xuất và tiêu thụ theo một liên kết chuỗi, giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển HTX trong làng nghề tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập thành viên HTX và người lao động, tạo động lực cho từng hộ làm nghề và tăng cường liên kết thúc đẩy sản xuất làng nghề, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX.

Đồng thời, nâng cao chất lượng giá trị các sản phẩm làng nghề từ tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, chú trọng phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

"Điều này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà tỉnh đề ra”, ông Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Thực tế, thành lập được các HTX trong làng nghề đã khó, để các HTX hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò “bà đỡ” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn.

Đặc biệt trong quá trình hoạt động đòi hỏi người đứng đầu các HTX phải nhanh nhạy, nắm bắt quy luật của thị trường để đầu tư máy móc, thay đổi hướng sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh với những mặt hàng khác cùng chủng loại.

Chính vì thế, để HTX có thể phát triển tốt trong làng nghề, cần có sự chung tay, đồng lòng của các thành viên và sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Như vậy, vai trò của HTX trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương mới phát huy được hiệu quả và phát triển bền vững.
                                          Theo: vnbusiness.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.495.887
Tổng truy cập: