MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
Sức sống mới mang hồn thổ cẩm
(Ngày đăng: 17/05/2022   Lượt xem: 152)

Vẫn là những hoa văn dệt từ những đường kim, mũi chỉ thêu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên những vuông vải bông, vải lanh nhuộm chàm, nhưng với họ, tất cả đều là tình yêu thổ cẩm bằng trái tim và đam mê giữ hồn dân tộc, đồng thời, tiếp nối để trong một hành trình mới, những tri thức dân gian bản địa, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc mang một sức sống mới…

Lồ Thị Hạnh và cửa hàng trưng bày sản phẩm Tày Indigo ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Cường

Khởi nghiệp từ các sản phẩm vải lanh nhuộm chàm, cô gái trẻ Lồ Thị Hạnh, dân tộc Tày và cộng đồng người Tày ở xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã cùng nhau làm nên thương hiệu Tày Indigo - thuận tự nhiên, thuần truyền thống. Không chỉ tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, Hợp tác xã Mường Bo Xanh với thương hiệu Tày Indigo của Lồ Thị Hạnh đã giúp bà con vùng cao quảng bá đến nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông mình.

Lồ Thị Hạnh chia sẻ, cô có mong muốn giản dị, khi khách du lịch đến Sa Pa sẽ được trải nghiệm nghề nhuộm chàm của các gia đình người Tày, đồng thời, hiểu hơn về việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống cũng như giá trị văn hóa của những sản phẩm được sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ dân tộc Tày. Không chỉ vậy, phụ nữ nơi đây còn tạo ra các sản phẩm quà tặng, đồ thủ công mỹ nghệ, thời trang làm từ vải lanh nhuộm chàm, từ thổ cẩm để phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của du khách. Vì vậy, cô trực tiếp lên ý tưởng thiết kế mẫu mã rồi hướng dẫn các bà, các chị làm, sau đó, may thành các sản phẩm túi xách, quần áo thời trang, rèm mành décor trang trí các khách sạn và homestay, chăn, ga, gối...

Với rất nhiều mẫu mã phong phú, sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế hiện đại dựa trên chất liệu vải chàm truyền thống thân thiện với môi trường, dệt nhuộm và thêu tay thủ công, các sản phẩm mang thương hiệu Tày Indigo có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hiện nay.

Từ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm làm du lịch, Lồ Thị Hạnh đã làm nên thương hiệu Tày Indigo nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định khoảng 3-4 triệu đồng/ người/tháng, cải thiện sinh kế cho đồng bào các dân tộc ở Sa Pa khi tham gia sản xuất các sản phẩm truyền thống từ vải lanh nhuộm chàm. Đến nay, Tày Indigo đã có khoảng 30 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia làm theo hướng truyền thống và hàng trăm lao động thêu gia công cho các công ty xuất khẩu.

Không phải là dân bản địa, nhưng vợ chồng họa sĩ người Quảng Nam - Triệu Quang Hùng và Phạm Phan Hoàng Linh đã hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất dưới chân núi Hoàng Liên cũng có một niềm đam mê với vải lanh nhuộm chàm, với thổ cẩm của đồng bào Mông ở đây. Với một tiệm nhuộm chàm và bán đồ may thêu thổ cẩm nhỏ xinh nằm khiêm nhường trong Khu du lịch Cát Cát - thị xã Sa Pa, có tên gọi Linh Handicraf, nhưng đã có gần chục năm, bàn tay Phạm Phan Hoàng Linh thấm màu chàm, củ nâu và các chất liệu tạo màu từ lá cây, củ của cây rừng do các bà, các chị dân tộc Mông ở nơi đây dạy cho chị.

Không chỉ vậy, Linh còn dày công nghiên cứu, sưu tầm và đọc trên các trang mạng, từ các kênh thông tin quốc tế để mày mò cách nhuộm và tạo màu sắc, hoa văn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trên chất liệu vải hemp (dệt từ sợi cây gai dầu).

Ban đầu cũng chỉ là điểm cho du khách dừng chân trải nghiệm nghề nhuộm chàm của đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình khám phá bản Mông Cát Cát, nhưng cứ “mưa dầm thấm lâu”, qua bao mùa trăng trên núi Cát Cát, đi qua bao nhiêu lần thất bại để gây chàm lên màu đã khiến cho Phạm Phan Hoàng Linh càng như bị mê hoặc hơn bởi những sắc màu của nhuộm chàm và nghệ thuật thêu thổ cẩm thủ công, kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong trên vải của đồng bào Mông.

Thời trang váy, mũ, túi của Linh Handicraf. Ảnh: Thanh Cường

Chính vì điều đó, dù vất vả, thăng trầm bám trụ nơi “đất khách”, nhưng đam mê và tình yêu sắc chàm, thổ cẩm đã làm nên một thương hiệu Linh Handicraf phát triển bền vững theo cách của riêng mình. Với Phạm Phan Hoàng Linh, chị không chạy theo thị trường, mà tôn trọng một cách nghiêm cẩn nghề thủ công truyền thống, chất liệu và màu nhuộm hoàn toàn từ tự nhiên để cho ra sản phẩm vải gai dầu và vải chàm cũng như những sản phẩm thiết kế thời trang, đồ gia dụng đều hướng đến giá trị sử dụng tiện ích, thân thiện với môi trường.

Phạm Phan Hoàng Linh mong muốn hướng đến sự bền vững trong sáng tạo nghệ thuật và tạo cho mình một lối đi riêng, dù biết, để tồn tại được trước thời đại của công nghệ hiện nay thì đó là một lối đi gập ghềnh. Dẫu vậy, vợ chồng Linh vẫn kiên trì với hướng đi đã tạo dựng bao năm qua. Đến nay, các sản phẩm thời trang từ vải chàm và thổ cẩm mang tên Linh Handicraf đạt chất lượng cao, giá mỗi sản phẩm có giá từ vài triệu đồng trở lên. Phạm Phan Hoàng Linh đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm thô theo ý tưởng và thiết kế, tạo việc làm và thu nhập không chỉ cho riêng mình, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Cát Cát.

Phạm Phan Hoàng Linh tâm sự: “Các sản phẩm thời trang thủ công ở Linh Handicraf mang một vẻ đẹp mộc mạc, độc bản, không trùng lặp, đằng sau mỗi thiết kế là một câu chuyện, nguồn cảm hứng và cảm xúc khác nhau. Chất liệu vải hemp để mộc (màu trắng) hoặc nhuộm chàm, nhuộm củ nâu mặc dù thô ráp, nhưng càng sử dụng càng mềm mại, sử dụng cách can vải màu sắc khác nhau hoặc điểm thêm những mảnh hoa văn thổ cẩm nhỏ, tạo nên một nét đẹp rất riêng cho mỗi sản phẩm của mình”.

Cùng một đam mê với chất liệu tự nhiên, sau hơn 5 năm lập nghiệp ở Sa Pa, cô gái 9x có biệt danh “Vân chàm” đã học, nghiên cứu và phát triển thành công các sản phẩm về vải dệt và nhuộm thủ công với thương hiệu Sọ Dừa. Vốn yêu thích những sản phẩm tự nhiên, những bộ trang phục, mũ vải, túi xách đều được may từ chất liệu vải hemp với những gam màu xanh của cây chàm, màu nâu đỏ của củ nâu, lá bàng... đã mê hoặc cô gái quê Nam Định gắn bó với sắc chàm. Mùi ngai ngái của chàm, chất liệu mộc mạc của vải hemp dường như đã khiến cho Vân gắn bó cuộc đời mình với kỹ thuật thủ công truyền thống, tri thức bản địa mà không hề liên quan đến ngành học lâm nghiệp của mình một chút nào.

Giờ đây, Vân đã tạo dựng thành công thương hiệu Sọ Dừa với rất nhiều sản phẩm từ vải hemp mộc, vải hemp nhuộm chàm và những thiết kế ứng dụng sản phẩm may mặc (quần áo, váy, túi, mũ...) và sản phẩm rèm, gối rất được khách hàng ưa chuộng...

Tày Indigo, Linh Handicraf hay Sọ Dừa... đều là những thương hiệu mà ở đó mang những trái tim đam mê thổ cẩm, thổi bùng lên sức sống cho giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa Lào Cai. Họ không đơn thuần dệt nên những vuông thổ cẩm, làm ra những sản phẩm từ chất liệu vải chàm truyền thống, mà họ đã dệt nên một cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền biên cương Tổ quốc - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
                                                  Theo: bienphong.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.473.946
Tổng truy cập: