MẪU MÃ & XU HƯỚNG (TREND) - ỨNG DỤNG
(61)- Bảo tồn gắn với hỗ trợ phát triển
(Ngày đăng: 13/06/2021   Lượt xem: 233)

Cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại trên địa bàn, tỉnh Bình Dương vẫn còn giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng về sơn mài, gốm, đan lát, chạm khắc gỗ... Trước yêu cầu phát triển mới, Bình Dương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển các làng nghề truyền thống trong đời sống kinh tế, xã hội, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của vùng đất phương Nam.

Trăn trở với làng nghề truyền thống

Trở lại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chúng tôi cảm nhận được nhịp lao động vừa tất bật vừa chăm chút, tỉ mỉ, khéo léo của các nghệ nhân nơi đây. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu về tranh, bàn, ghế, lọ hoa, quà tặng, vật phẩm trang trí trong nhà... với các đề tài truyền thống thiên nhiên, dân gian. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, làng nghề hình thành hai dòng sản phẩm chính là hàng ứng dụng trong gia đình và hàng mỹ thuật mang tính hàn lâm, thể hiện dấu ấn đặc trưng nghệ thuật sơn mài Bình Dương.

Bảo tồn gắn với hỗ trợ phát triển
Người lao động sắp xếp sản phẩm tại làng nghề gốm Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TRẦN TÌNH 

Hơn 40 năm gắn bó với làng nghề sơn mài, ông Trương Quan Tịnh, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sơn mài Định Hòa chia sẻ: “Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng lâu đời, quy mô tương đối lớn nên vẫn còn giữ được nhịp lao động vốn có. Hàng sơn mài đã có nhiều thay đổi để thích nghi với nhu cầu mới của thị trường nhưng làng nghề vẫn duy trì quy trình sản xuất với khoảng 15 nước sơn ta truyền thống, tạo sự độc đáo và bản sắc cho sơn mài Tương Bình Hiệp”. Tâm huyết với nghề, ông Tịnh cũng bày tỏ trăn trở, so với thời kỳ hưng thịnh, làng nghề hiện đã giảm nhiều về số lượng cơ sở, nhân lực theo nghề. Người theo học nghề rất ít, chủ yếu là các thành viên trong gia đình, dòng họ.

Bên cạnh sơn mài, tỉnh Bình Dương còn nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng khác như: Gốm sứ Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên), Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một) và Lái Thiêu (TP Thuận An); đan lát Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên); mây tre lá Ba Nhất (thị xã Tân Uyên); điêu khắc-chạm gỗ An Thạnh (TP Thuận An)... Những năm gần đây, nhờ có tư duy thay đổi để thích ứng thị trường, các làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho một bộ phận dân cư. Tuy vậy, trước tác động của kinh tế thị trường, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, quy hoạch đô thị, phát triển công nghiệp... các làng nghề truyền thống đã và đang bị ảnh hưởng, có chiều hướng thu hẹp sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Sơn ở phường Lái Thiêu, TP Thuận An, bộc bạch: “Nếu 6-7 năm về trước, khi đến với làng nghề heo đất Lái Thiêu, mọi người sẽ nhận ra ngay mùi sơn đặc trưng nhưng bây giờ đã ít hơn. Gia đình tôi hơn 40 năm theo nghề làm heo đất, nhưng nay cũng gặp khó khăn lớn, nhất là về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch đô thị mới, việc di chuyển cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư khiến các hộ gia đình theo nghề giảm quy mô sản xuất. Nhiều hộ chấp nhận nhập sản phẩm heo đất thô từ nơi khác để gia công sơn, trang trí thành phẩm đưa ra thị trường”.

Bảo tồn, phát triển gắn với du lịch, nông thôn mới

Tỉnh Bình Dương có hơn 30 làng nghề, gần 10 nghề truyền thống. Trong đó, làng nghề sơn mài, gốm đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của làng nghề truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần và phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn gắn với phát huy giá trị làng nghề truyền thống. 6 năm trước, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 30-9-2015 về việc xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương”. Qua đó kịp thời tôn vinh các nghệ nhân đang cống hiến trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, gìn giữ và phát triển ngành nghề nông thôn nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng. Tỉnh còn có các chính sách thiết thực về xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ các làng nghề truyền thống ký kết hợp đồng với đối tác để tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng nghề... Tháng 10-2020, tỉnh đã công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một và các vùng lân cận” giúp bảo tồn và phát triển làng nghề này bền vững hơn.

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để làng nghề truyền thống không bị mai một?”, Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Mỹ nghệ sơn mài Tư Bốn hiến kế: “Muốn làng nghề truyền thống phát triển thì phải gắn với kinh tế thị trường, đa dạng sản phẩm, đa dạng khách hàng, đội ngũ lao động nhuần nhuyễn tay nghề, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong đó, truyền thống là kinh nghiệm, sự tinh xảo, độc đáo, sáng tạo của nghệ nhân. Yếu tố hiện đại là ứng dụng máy móc, công nghệ vào một số công đoạn sản xuất giúp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm tốt hơn...”.

Ở góc độ hiệp hội, ông Lý Ngọc Bạch, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, việc di dời làng nghề, thay đổi công nghệ đòi hỏi vốn tái đầu tư lớn, nhất là với nghề gốm. Vấn đề này rất cần sự quan tâm của Nhà nước.

Theo thầy Phạm Văn Ngàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương, bảo tồn phải gắn liền với phát triển mới có thể tạo nên sức sống cho làng nghề truyền thống. Khó khăn của nghề truyền thống là lao động cần yêu nghề, khéo léo, sáng tạo nên người trẻ ít chọn nghề truyền thống để lập thân, lập nghiệp. Để cùng địa phương giải bài toán lao động, nhà trường đã đẩy mạnh đào tạo các ngành về thiết kế gỗ, sơn mài trang trí, điêu khắc, đồ họa công thương nghiệp... với mong muốn bổ sung nhân lực cho làng nghề truyền thống của tỉnh và địa phương lân cận.

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương nên làng nghề truyền thống không thể phát triển độc lập, cần kết hợp hài hòa, tận dụng ưu thế trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, cùng với phát triển du lịch trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đi đôi với việc bảo tồn, tỉnh cũng cần tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

                                                    Theo; qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.470.367
Tổng truy cập: