CÔNG NGHỆ - SÁNG TẠO - sản phẩm đạt OCOP
Huyện Hoài Đức (Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới không chỉ là điện, đường, trường, trạm...
(Ngày đăng: 28/09/2013   Lượt xem: 738)

Trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Hoài Đức đã coi trọng cả hai khâu, đó là tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Gần 4.500 tỷ đồng cho nông nghiệp, nông thôn

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Vương Duy Hướng, nằm ở ven đô, huyện Hoài Đức có tốc độ đô thị hoá nhanh, tuy nhiên, không tránh khỏi có sự phát triển tùy tiện, lộn xộn. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã khắc phục được những bất cập trên, các vấn đề liên quan đến sản xuất, chuyển đổi ngành nghề được tập trung giải quyết, góp phần nâng cao đời sống người dân; xây dựng hạ tầng nông thôn được thực hiện bài bản, hiện đại hơn vì vậy chỉ trong vài năm, bộ mặt nông thôn huyện Hoài Đức đã có sự đổi thay sâu sắc.


Chợ nông thôn xã Di Trạch (Hoài Đức) đang được thi công xây dựng trong tháng 9/2013.

Ông Hướng cho biết, từ năm 2009 đến nay, tổng các nguồn vốn đã đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đạt gần 4.500 tỷ đồng. So với năm 2009, hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa thêm 30,6 km, nâng tổng số đường được bê tông hoá là: 65,5/75,95 km, đạt 86,2%. Đường trục thôn, xóm, đường ngõ xóm đã được nhân dân đóng góp tiền của, công sức thực hiện bê tông hóa thêm gần 200 km. Hệ thống điện nông thôn đã thực hiện xây dựng theo đúng quy hoạch và bàn giao lưới điện hạ thế cho ngành điện, do vậy chất lượng điện được nâng cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện quốc gia đạt 100%. Cũng từ năm 2009 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng được 352 phòng học, 110 phòng chức năng; 140 phòng hiệu bộ; 18 nhà thể chất. Đến nay, trường học của 3 cấp học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 29/64 trường, đạt 43,48%, trong đó Tiểu học 18/23 trường, đạt 78,2%; THCS: 9/20 trường, đạt 45%. Các địa phương xây dựng mới, cải tạo 34 nhà văn hóa thôn, có 68/83 nhà văn hóa đạt chuẩn, đạt 81,9% (năm 2009 mới có 16 nhà văn hóa đạt chuẩn). Hiện nay, các xã đang đầu tư chỉnh trang các chợ hiện có, chợ xây dựng theo quy hoạch đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Toàn huyện không có nhà tạm, dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở đạt theo chuẩn của Bộ Xây dựng là 90%, tăng 23% so với năm 2009. Ông Hướng cũng cho biết thêm, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhân dân các xã đã đóng góp 2.450 ngày công, hiến 12.809m2 đất, xây dựng 5 công trình và 1,2 tỷ đồng là vật tư, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, ông Hướng vẫn cho rằng, mục tiêu xây dựng NTM không phải chỉ là điện, đường, trường, trạm, là cơ sở hạ tầng, mà cái chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thế nên, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, huyện Hoài Đức đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao đời sống người dân.

Thu nhập của hộ nông dân tăng bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoài Đức có khoảng 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, trong khi 70% đất đai đã và đang được chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu chỉ sản xuất thuần nông, thoát nghèo đã khó, nói gì đến chuyện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả chất lượng cao, mô hình vườn trại... Đến nay đã hình thành các vùng sản xuất nhãn chín muộn 85 ha, cho thu nhập bình quân từ 500- 700 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng phật thủ tổng diện tích 75 ha, thu nhập bình quân từ 600- 900 triệu đồng/ha/năm; vùng sản xuất rau an toàn 31 ha, cho thu nhập khoảng 350- 450 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô... Trong tương lai không xa, những vùng sản xuất này sẽ mở rộng diện tích gấp 2- 2,5 lần.

Còn theo ông Đàm Văn Thông- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, với thế mạnh là mảnh đất có nhiều nghề truyền thống, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Các ngành nghề truyền thống và có thế mạnh của huyện như công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, dệt may tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp. Đã hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Một trong số đó là mô hình làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng với những sản phẩm đặc sắc như: Tạc tượng, đồ thờ sơn son thếp vàng, hàng năm giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 5.000 lao động với mức thu nhập từ 40- 50 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, làng có 55 công ty, 395 hộ sản xuất, 252 hộ sản xuất thương mại dịch vụ, giá trị sản xuất ước đạt 550 tỷ đồng/năm. Hay như làng nghề dệt kim, bánh kẹo La Phù hàng năm giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10.000 lao động với mức thu nhập từ 35- 40 triệu đồng/người/năm. Làng có 115 công ty, trên 1.000 hộ sản xuất, 400 hộ kinh doanh dịch vụ; giá trị sản xuất ước đạt 800 tỷ đồng/năm. Làng nghề chế biến thực phẩm Dương Liễu với các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống, các loại tinh bột sắn, miến dong... Toàn xã có 80 công ty, doanh nghiệp, 500 hộ sản xuất công nghiệp- TTCN, 450 hộ kinh doanh dịch vụ thu hút trên 9.000 lao động, hàng năm tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp cho các hộ trong huyện, các huyện, tỉnh lân cận.

Vẫn theo ông Đàm Văn Thông, đến nay toàn huyện hiện có 6 cụm công nghiệp, 51 làng nghề. Ngoài ra còn có 1.160 doanh nghiệp vừa và nhỏ và trên 10.000 hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho gần 45.000 lao động thời vụ trên địa bàn huyện và khu vực lân cận. Thu nhập bình quân của người dân trong huyện đã tăng từ 15,0 triệu đồng/người năm 2009 lên 29,5 triệu đồng/người năm 2012. Cũng trong thời gian đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 5,68% xuống còn 3,33%. Ông Thông cho biết, huyện đang có kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,51% và giảm tiếp đến năm 2015 chỉ còn 2,0%, thu nhập bình quân (theo giá hiện hành) tăng lên 34,4 triệu đồng/người/năm và định hướng đến năm 2020 thu nhập đầu người sẽ là 110,6 triệu đồng/năm.

                                                                                                         Theo: Nhabao&Congluan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.323
Tổng truy cập: