DI SẢN - BẢO TỒN - KHÔI PHỤC - TÔN TẠO
Sao lại phá hủy di sản?
(Ngày đăng: 21/02/2014   Lượt xem: 391)
Theo dõi 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đề xuất những người có kiến thức về bảo tồn đều nhận thấy rằng: cả 3 phương án này đều không ổn, không những không bảo tồn mà còn mang tính chất phá hủy di sản. 


Cầu Long Biên vốn là cây cầu duy nhất bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội, do Hãng Eiffel thiết kế, xây dựng hoàn thành vào năm 1902. Cầu có một đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Cách vài nhịp lại có thang dẫn xuống dưới bãi để sửa chữa. Hình thức cầu thép cao thấp với nhịp điệu phong phú, độc đáo, tạo nên sự mềm mại, đáp ứng với yêu cầu thẩm mỹ cao, tô điểm cho vẻ đẹp dòng sông thêm hiền hòa. Tổng thể cầu qua dòng sông, khu phố cổ, khu phố cũ được thiết kế hoàn chỉnh, hài hòa với kiến trúc xung quanh, hình thức đa dạng, tạo thành quần thể hoàn chỉnh đến mức không thể thêm bớt bộ phận nào.

Vừa qua, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên. Tôi không tán thành cả 3 phương án này vì đây không phải là cách ứng xử hay với một di sản- vốn được coi là một phần biểu tượng của Thủ đô - mà đó là cách con người đang góp phần phá hủy di sản. 

Theo như đề xuất trong phương án 1, sẽ  xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu phía Hà Nội về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn. Sông Hồng vốn dài, những chiếc cầu cần bố trí ở vị trí và khoảng cách hợp lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông mà phải đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ. Phương án này khác nào "nhà xây chen”, chỉ nhìn lợi ích trước mắt mà không nhìn tổng thể lâu dài. Về mặt thẩm mỹ, cầu phải có khoảng cách, không gian và tầm nhìn hợp lý, công trình phải hài hòa chung với xung quanh. Bộ GTVT cần phải chú ý đến 896 m cầu dẫn. Hệ thống cầu này chỉ đáp ứng với 1 đường sắt, nay là 2 đường, liệu kết cấu vòm cuốn đáp ứng với 1 đường sắt có chịu tải được không, hay phải gia cố chắp vá? Hầu như cả 3 phương án đều chưa tính đến chịu tải của hệ thống cầu dẫn. Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng gấp nhiều lần, về lâu dài, có nhất thiết sử dụng hệ thống đường sắt vận tải 2 đường qua khu phố cổ, phố cũ không? Bởi hiện nay ga Hà Nội đã quá tải rồi. Nên chăng đường sắt vận tải lớn nên chuyển sang các khu đô thị mới. Hà Nội giữ gìn và bảo tồn cầu Long Biên theo hướng du lịch cảnh quan chắc sẽ hiệu quả hơn. Như vậy với cầu Long Biên chỉ cần gia cố, hoàn thiện những nhịp bị hư hỏng vì chiến tranh.


Cầu Long Biên, một biểu tượng đẹp của Thủ đô Hà Nội
Còn theo đề xuất trong phương án 2, sẽ dỡ cầu Long Biên cũ và xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi, được dùng cho cả đường sắt, đường bộ. Đường sắt đôi chạy ở giữa, ôtô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà. 

Đây là phương án "giả cổ”, người ta chỉ làm giả cổ khi không kiếm đâu được đồ cổ thực, bởi nó rất hiếm và đắt tiền. Cầu Long Biên thực có tuổi đời trên 100 năm, đang yên đang lành đem bỏ đi, làm cầu khác thay thế, chắc chỉ có ở Việt Nam mới làm như thế! Nhìn vào lịch sử xây dựng cầu trên thế giới cho thấy, không đâu người ta phá cầu cũ có giá trị để làm cây cầu mới mới tương tự mà cho đó là bảo tồn. Một di sản đâu chỉ nhìn vào hình thức công trình, mà nó bắt nguồn từ thời đại sản sinh, con người làm ra nó, vật liệu xây dựng,…Chỉ đánh giá qua hình thức thì quá ấu trĩ, đó là chưa nói đến sự kém cỏi trong đánh giá công trình, thật đáng buồn.

Cuối cùng, theo đề xuất trong phương án 3, sẽ xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. 9 nhịp cầu còn nguyên bản từ phía Hà Nội sẽ được bảo tồn mang tính nguyên bản. Các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn. Đây là phương án chắp vá, kệch cỡm nhất. Áp dụng phương án này không những không bảo tồn được cầu Long Biên mà còn làm cho tổng thể cây cầu trở nên xấu xí, tổn hại đến tình cảm của những ai từng gắn bó với cây cầu. Mới cũ lẫn lộn, thiếu sự thống nhất. Hầu như trên thế giới không đâu áp dụng theo giải pháp này.
                                                                                           Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.499.390
Tổng truy cập: